40 Ngày Cầu Nguyện Với Chúa Cha (Phần 1)

Vincente Cajilig, OP

Li ta

Môsê ở trên núi 40 đêm ngày. Nơi đây ông đã đối thoại với Thiên Chúa qua bụi gai đang cháy. Chúa Giêsu đã ăn chay và cầu nguyện 40 đêm ngày, và đã chiến thắng sau cuộc cám dỗ của ma quỷ.

Theo nền văn hóa Do Thái, con số 40 tượng trưng cho khoảng thời gian hoàn hảo khi con người kết hợp với Thiên Chúa.

Lời tựa cuốn sách này “40 Ngày Cu Nguyn vi Chúa Cha” được lấy cảm hứng từ hai sự kiện quan trọng trên. Tác phẩm này là những bài suy niệm ngắn. Bạn có thể đọc những bài suy niệm này cho hành trình tâm linh của bạn cùng với Chúa Thánh Thần cũng trong khoảng thời gian 40 đêm ngày.

Ở phần mục lục, bạn có thể tự do chọn bất cứ tựa đề nào bạn thích. Tất cả tựa đề đều có thể phù hợp với mọi người. Hãy mở lòng. Để Chúa Thánh Thần linh hứng và dẫn dắt bạn.

Lưu ý, phần hai của sách là một bài suy niệm gồm có 7 ý tưởng trọng tâm hướng về “Chúa Cha”. Đọc vào mùa Chay là phù hợp nhất. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi thì ai cũng có thể suy gẫm các đề tài này vào bất cứ thời khắc nào trong năm. Phần này như là kim chỉ nam giúp bạn hiểu được 7 di ngôn sau cùng của Đức Giêsu trước khi Ngài trút hơi thở trên thập giá. Phần này cũng có liên quan đến những lúc mà chúng ta cầu nguyện bằng chính những lời của Thầy Giêsu khi xưa đã từng dạy dỗ các môn đệ của Ngài.

Tôi chân thành cám ơn chị Kres Gabijan, chị Angelita Guinto, anh Arnold Manalastas, anh Ryan Jubilo và anh Ceezaye Baldomar. Tôi cũng chân thành biết ơn đến giáo sư Elena P.Polo.

Tôi xin cám ơn đặc biệt đến anh Emmanuel P.Ortencio đã cho xuất bản lần thứ 2, chỉnh sửa, in ấn và xuất bản cuốn sách này.

Vicente G.Cajilig, O.P.


Phn I

Nhng Bài Suy Nim Cho 40 Ngày

1. HÃY Đ CHÚA GIÊSU GIA BN

Chịu sự oanh tạc trong suốt thế chiến thứ II, một nhóm người Kitô hữu đã khám phá ra sức mạnh của Lời Chúa. Hơn bất kỳ sức mạnh nào khác của con người, sức mạnh Lời Chúa đã liên kết họ lại với nhau, sáp lại gần nhau vượt lên trên mọi điều kiện của con người. Sức mạnh của họ được đặt nền trên niềm xác tín vững chắc rằng tất cả mọi sự đều có thể miễn là có Chúa Giêsu hiện diện giữa họ. Tin Mừng theo thánh Mátthêu 18:15-20 đã thuật lại điều này. Khi có Đức Giêsu hiện diện ở giữa thì mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp. Kinh Thánh có nói: lắng nghe, sửa lỗi, tháo cởi, và cầu nguyện trong sự đồng tâm nhất trí với nhau.

Lng nghe: Biết dành ra khoảng thời gian để lắng nghe hơn là kết tội nhau. Lắng nghe để sửa đổi lẫn nhau trong tình huynh đệ cộng đoàn. Mục đích chính là ở chỗ, thật lòng thay đổi cung cách sống của bản thân.

Sa li: Thông thường thì sẽ không có việc sửa lỗi xảy ra nếu đối tượng khước từ việc lắng nghe. Quan trọng chính là cách thế sửa lỗi. Cung cách thế nào mới là vấn đề, chứ không phải sửa lỗi . Các bậc cha mẹ và thầy cô giáo, anh chị em cần biết sửa lỗi nhau trong tình thương yêu.

Tháo ci: Hãy buông xả. Hãy để tha nhân bạn có khoảng không và tự do. Hãy để họ khám phá và thực hiện những ước mơ của họ. Hãy tha thứ những khuyết điểm của họ. Hãy luôn có thái độ tha thứ vì đây chính là nền tảng cho việc tăng trưởng cá nhân. Để cho việc tăng trưởng xảy ra, cần phải có tự do.

Cu nguyn trong tình hip nht: Cầu nguyện một mình là điều rất tốt. Thực vậy, có lần Đức Giêsu bảo các môn đệ, hãy vào phòng đóng kín cửa, cầu nguyện một mình trong thinh lặng. Tuy nhiên, có những lúc chúng ta cũng nên cầu nguyện trong tình liên đới với người khác.

Kinh Thánh nhấn mạnh: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” Thế nên, sẽ không có gì là không thể. Những gì họ xin, họ sẽ có được; những gì họ tìm, thì họ sẽ thấy; khi họ gõ cửa, thì sẽ được mở ra cho.

2. “DŨNG” CA ĐC GIÊSU

Trong cuốn sách ‘Jesus CEO’, bà Lourie Beth Jones viết về sức mạnh trong những việc Đức Giêsu làm. Bà nói rằng Đức Giêsu là nhà lãnh đạo đầy chất dũng. Trong chương 23, Thánh Mátthêu thuật lại Đức Giêsu đã thẳng thắn lên án trước mặt các Kinh sư và Pharisêu về lối sống xảo quyệt của họ. Đức Giêsu nói với họ: “Các ông sẽ là những người rốt hết”. Ngài nói các ông là những người chất gánh nặng lên vai những người khác; thích làm những công việc cho người ta nhìn thấy; thích ở những nơi được tôn vinh và thích được người khác gọi mình là Rabbi. Đức Giêsu không ngần ngại nói ra tất cả những điều đó cho những người Pharisêu, họ là những công dân hạng nhất và là những nhà trí thức nhưng lại không bao giờ đưa một ngón tay ra để giúp đỡ, đây là sự thật về cung cách sống của họ.

Chất dũng này phần nào không làm bạn sợ hãi chứ? Đôi khi chúng ta thấy bản thân mình rơi vào nhiều tình huống khác nhau, mà làm chúng ta cũng phải thể hiện cái dũng của mình như Đức Giêsu vậy. Chúng ta không nên ngại khi nói thẳng ra, và hơn thế nữa, là chúng ta dám sống cho sự thật. Chẳng hạn, chúng ta cũng phải biết sống liên đới với nhau, với biết bao con người đang ngày đêm tranh đấu cho sự sống của con người. Chúng ta phải biết đồng cảm với những nạn nhân do thiên tai, do bất công của xã hội và những bệnh tật đang hành hạ.

Khi chúng ta thực thi những việc ấy, chúng ta sẽ có một hướng đi rõ nét khi sống Tin Mừng. Đức Giêsu, một nhà lãnh đạo, đã có một hướng đi rõ nét như thế cho cộng đoàn mà Ngài điều hành: Ngài mời gọi họ đi làm vườn nho cho Ngài để họ được vào dự chung tiệc vui; Ngài chỉ thị họ phải theo mô thức của Ngài vạch ra hầu họ được tăng trưởng trong đời sống đức tin; Ngài đã khen ngợi những người Do Thái vì sống thật lòng, không hai mặt khi tương quan với những người khác. Ngài là vị mục tử đầy chất dũng đã vạch rõ ra loại chiên nào mới được đón nhận vào trong đàn chiên của Ngài. Đây mới là ý nghĩa thật sự của câu Emmanuel hay Thiên Chúa cùng chúng ta. Đây là cốt lõi của Tin Mừng.

Xin được trích dẫn câu của cha Henry Nouwen, một cây bút tâm linh nổi tiếng thời nay. Câu nói cho thấy Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta: “Thực sự đúng là một tin mừng khi khám phá ra rằng, Thiên Chúa không phải là một Thiên Chúa cao vời xa thẳm, không phải là một Thiên Chúa mà làm con người thấy sợ hãi và tránh né, không phải một Thiên Chúa hay báo thù, nhưng là một Thiên Chúa đang rung động khi thấy chúng ta đớn đau, và Ngài đang tham dự vào sự sống tràn đầy của cuộc tranh đấu cho sự sống con người chúng ta”.

Tuy nhiên, sự dũng cảm nơi Đức Giêsu có chọn lựa, và sự dũng cảm đó chỉ xảy ra khi nào Ngài bảo vệ cho ai đó. Mặt khác, như Chúa Cha, Chúa Giêsu là Đấng đầy lòng xót thương.

3. HÃY XÓT THƯƠNG NHƯ CHA LÀ ĐẤNG THƯƠNG XÓT

Ngày nay cũng như hai ngàn năm trước, trong xã hội vẫn có những bất công, hận thù, thành kiến, tham lam và kết án.

Những bộ phim, kịch nghệ, tiểu thuyết, chuyện ngắn, những vở kịch trên truyền hình và tất cả những hình thức giải trí giống như vậy vẫn đề cập đến tất cả thói xấu như thế này như cơm bữa. Vậy, rao giảng của Tin Mừng trong Hội Thánh, qua những buổi tĩnh tâm, suy niệm có âm hưởng gì không?

Tôi có quen biết hai bè phái nọ xung đột với nhau. Sự vật lộn giữa hai phái này mỗi lúc trở nên gay gắt. Một hôm, hai nhóm này cùng rủ nhau đến và cho tôi biết họ xung khắc nhau như thế nào trước kia. Quan trọng hơn là bây giờ họ đã có thể ngồi lại nói chuyện với nhau. Họ đã khởi sự hiểu lẫn nhau.

Trong suốt tiến trình như thế, việc chữa lành được diễn ra. Tôi khám phá ra rằng tận trong sâu thẳm lòng người, ai ai cũng khao khát đạt đến sự thông hiểu nhau, chứ không phải là bạc đãi, trách cứ, hay kết án nhau.

Cách thức chữa lành đối với chúng ta dường như không phải là đối đầu, nhưng chính là lấy Tin Mừng làm nền tảng.

Cha của chúng ta ở trên trời đang làm gì đó để có thể ngăn chặn tất cả những sự dữ ấy: Đó là bằng phương thế tỏ lòng xót thương. Chúng ta hãy trở nên những con người biết xót thương cách sâu sa. Tất cả chúng ta đều muốn được xót thương. Sự thương xót sẽ giúp chúng ta thấy anh chị em xung quanh bằng cái nhìn khác. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta làm thế nào để biểu lộ lòng thương xót.

Trong thời đại ngày nay, xuất hiện những nhân vật tiêu biểu cho lòng thương xót ấy như Mẹ Têrêsa Calcutta, Cha Roger Schulzt tại Taizé và Dorothy Day tại Washington. Còn bạn, bạn có thể quen biết những nhân vật nào khác nữa.

Điều mà thế giới cần, đó là lòng thương xót của Chúa Cha, cũng như lòng xót thương của bạn và của tôi. Chúng ta hãy biết xót thương, như Cha chúng ta trên trời là Đấng hay thương xót.

4. CHÚA VN GIANG RNG CÁNH TAY

Những sợ hãi trong quá khứ có thể luôn ám ảnh tâm trí chúng ta. Thường thì chúng ta sợ hãi về những chuyện kể, những nơi mà chúng ta đã đến và ngay cả những kinh nghiệm đau thương từ những người bạn chúng ta. Cuộc chiến đấu trong kí ức chúng ta trước một tai nạn nào đó gần nhất có thể làm chúng ta chết một lần nữa. Thế nhưng, những kí ức như vậy có lẽ cũng cần thiết cho đời chúng ta.

Nỗi sợ hãi của Thánh Phê-rô trong Mát-thêu 14:22-36 không phải bắt nguồn từ việc ông sợ gì (như chìm xuống), nhưng chính là ông đã thiếu đức tin. Chúa Giêsu đã nói với ông như vậy.

Vâng, đức tin có thể bị đánh mất. Trong trường hợp của Thánh Phê-rô, người mà luôn luôn khẳng định với Chúa và những môn đệ theo Chúa về lòng dũng cảm của ông, điều này cho chúng ta thấy ông đã biết dẹp bỏ đi lòng tự ái bản thân.

Trong trình thuật ấy, Phê-rô mạnh dạn đến gần Chúa. Nhưng chính vì đức tin yếu kém nên đã làm cho ông bị chìm xuống biển khi đến gần Chúa.

Để cứu ông, Thầy Giêsu đã giang tay ra nắm lấy!

Chúa đã đưa đôi tay thể lý của Ngài để cứu lấy Phê-rô, bạn của Ngài, khỏi chìm xuống biển. Một sự kiện thật tuyệt vời cho mỗi một người chúng ta. Điều này sẽ làm chúng ta liên tưởng đến những chuyện của bản thân khi chúng ta bị chìm đắm. Chúng ta thất bại trong kinh doanh; mất việc; mất đi người thân yêu; chúng ta mất bạn; hoặc chúng ta mất danh dự mình. Chúng ta có thể từng đánh mất rất nhiều thứ và qua những sự mất mát này, chúng ta có thể bị chìm xuống theo bình diện luân lý, tâm linh, tâm lý và xã hội.

Nhưng chính sự trợ giúp mà Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta trong quá khứ thì chúng ta phải thật nhớ lấy. Sự trợ giúp đó có thể qua sự cầu bầu của thánh bổn mạng chúng ta, Thiên Thần bản mệnh, Mẹ Maria, hoặc qua một người bạn nào đó, hay một người thân mà đến nâng đỡ chúng ta kịp thời kịp lúc.

Rất cần thiết khi chúng ta nghe được đoạn Tin Mừng này, những lúc chúng ta chiến đấu với bản thân để tìm gặp một ai đó có thể giúp chúng ta một tay. Có lẽ trong những phút giây như vậy, chúng ta cần sự trợ giúp của Thiên Chúa biết là dường nào.

Suốt dòng lịch sự nhân loại, Thiên Chúa, Cha giàu Lòng Xót Thương, luôn luôn có đó để giang rộng tay ra ôm chúng ta vào lòng Ngài như Ngài đã từng làm thế cho thánh Phêrô.

5. ĐC GIÊSU CHÚC LÀNH CHO TR NH

Theo tôi, cử chỉ đặc biệt của Đức Giêsu được đề cập trong Mát-thêu 19:15, là đoạn văn ý nghĩa nhất khi nói về bản tính con người của Đức Giêsu, Ngài đã biểu lộ cử chỉ Ngài khi gặp gỡ người khác như: cho kẻ đói được ăn, chữa lành người bệnh tật, khiển trách những người buôn bán trong đền thờ, nhưng với trình thuật trên, chúng ta thấy Ngài ở bên trẻ nhỏ chính là bức họa miêu tả rõ nét nhất về nhân tính của Ngài. Thật vậy, chúng ta cần khám phá ra những cử chỉ đặc thù khác của Đức Giêsu vốn họa lại chính con người của Ngài cũng như chúng ta vậy, mà không làm mất đi thiên tính của Ngài. Vì thế, chúng ta không thể thấy hết được toàn cảnh bức họa khi Đức Giêsu cũng cười cũng vui. Phải chăng chúng ta vẽ lên trong tâm trí chúng ta những bức họa của một thế giới ngày nay chỉ toàn là sợ hãi, tang thương, lo âu và đau khổ? Những cử chỉ thân ái và chân tình giữa người với người với nhau thật cần thiết trong việc xây dựng các mối tương quan.

Người Phi-líp-pin chúng ta có một phong tục rất tốt đẹp mà chúng ta cần phải bảo tồn và duy trì - mano po (mano: tay; po: kính trọng. Mano po: hôn tay khi chào nhau). Một vài người đã nhầm lẫn khi thấy tục lệ thân thiện ấy nhưng hơi kỳ lạ khi hôn tay nhau chào hỏi, nhưng trong văn hóa của chúng ta, chúng ta có thể thấy ý nghĩa phong tục văn hóa này bắt nguồn từ cử chỉ của Đức Giêsu được đề cập trong Kinh Thánh. Thực vậy, tôi lấy làm thắc mắc tại sao các trình thuật Tin Mừng rất ngắn gọn. Có thể Hội Thánh chỉ muốn chúng ta chú trọng vào sự chúc lành của Chúa Giêsu lên trẻ thơ cũng như những ai nên như trẻ thơ, chẳng hạn như bạn và tội.

Cử cỉ bắt tay, ôm hôn có thể được thay cho việc chào hỏi. Tuy nhiên thông điệp mano po muốn chuyển tải cho chúng ta thì khác biệt nhiều lắm.

Cử chỉ Mano po diễn tả không chỉ là thông điệp nói lên sự tôn trọng và sùng kính mà thôi, nhưng cử chỉ này còn cho thấy một kiểu hay một biểu tượng tình yêu của người con thảo. Tình cảm gắn kết được gia tăng. Cử chỉ ấy là sự biểu tỏ cho thấy mối tương giao ấy mang tính nhân bản rất trong sáng.

Người ta có thể không còn nhìn nhận phong tục tốt đẹp này theo cách thức nó đã có từ lâu, nhưng đây chẳng qua là cảm nhận trước đây của tôi mà thôi, cho đến khi tôi hôn bàn tay Lola và Lolo. Đáp trả lại, họ đã đưa tay ra đặt lên trán tôi và nói lời chúc lành cho tôi. Tôi vẫn còn nhớ những lời họ nói với tôi: “Dios te bendiga hijo” (Xin Chúa chúc lành cho anh) đây chẳng phải là một giá trị đáng được duy trì sao?

Khi chúng ta nói về các giá trị ở nhà, hoặc trong lớp, hay trong những giờ dạy giáo lý, khi chúng ta khai mở cho những trẻ thơ về phong tục mano po, thì chúng ta không nên tách biệt phong tục ấy ra khỏi cử chỉ của Đức Giêsu đã làm với những kẻ bé mọn trong thời của Ngài. Bởi vì nước Thiên Chúa là của chúng.

Thực thế, ý nghĩa trong cách biểu tỏ nhân tính khi Đức Giêsu đặt tay chúc lành lên kẻ bé mọn thì đáng quý biết dường bao!

6. TÔI MUN LÒNG NHÂN

Khi chúng ta bị khiêu khích, chúng ta sẽ trở nên tức giận, đặc biệt với những người lợi dụng chúng ta. Chúng ta muốn quay lại để trả thù và kháng cự nếu chúng ta thấy mình bị đối xử bất công quá. Nếu thanh danh và phẩm giá của chúng ta bị bôi nhọ, chúng ta sẽ phải cẩn trọng hơn, vì có thể, hành động chúng ta làm lúc này sẽ trở thành một điều mà chúng ta sẽ hối hận sau đó.

Trong Tin Mừng Matthêu: 9,27-31, tình huống mà Đức Giêsu có cơ hội tốt nhất chống lại Pharisêu, những kẻ cứ hay rình rập tra hỏi về những hành động của Ngài, chúng ta sẽ khám phá ra điều gì đó mà Đức Giêsu muốn gửi đến cho chúng ta: “Ta muốn lòng nhân.” Chúng ta hãy luôn luôn nhớ kỹ lời dạy này của Ngài trong mọi lúc.

Chúng ta cần trở thành một Giêsu khác. Chúng ta phải biểu lộ lòng thương xót với những kẻ đã lợi dụng chúng ta, những kẻ đã gây bất công cho chúng ta và chà đạp danh dự của chúng ta.

Trong thời đại thông tin, chúng ta cần học biết điều này hơn bao giờ hết. Trong đời sống cộng đoàn, có nhiều những tình huống xảy ra làm chúng ta bị cám dỗ phản kháng lại. Chúng ta thường hay bị cám dỗ ấy, điều này là tự nhiên. Chúng ta bị hiểu lầm, bị kết án và bị ngược đãi ngay chính từ những người bạn thân quen và thậm chí ngay những người trong gia đình của chúng ta mà đáng lẽ họ phải bảo vệ chúng ta.

Đây là trường đời. Nếu chúng ta không hình thành nên trong chúng ta trái tim thương xót của Thầy Chí Thánh, chúng ta cũng sẽ giống như bao kẻ khác là dễ dàng chìu theo cơn cám dỗ để trả đũa và kết án.

Hãy dừng lại và suy nghĩ một chút: Lúc nào đó bạn hành xử theo tính khí, việc trả đũa và cơn nóng giận của bạn xem sao. Thoạt tiên, bạn sẽ thấy không thoải mái chút nào. Nhưng cuối cùng bạn sẽ thấy bình an khi nhận ra rằng bạn đã làm đúng.

Ngày nay, Hội Thánh càng cần nhiều người nam và nữ có thể biểu lộ lòng thương xót vì thế giới này đầy dẫy bạo lực. Các loại vũ khí đang gia tăng. Bạo lực đã xâm nhập vào từng gia đình, vùng quê và thành thị. Chúng ta đang ở trong một thế giới đầy hiểm nguy.

Nhưng nếu càng xuất hiện nhiều người bất bạo động, thì xã hội càng được nhiều lợi ích trên nhiều khía cạnh. Chúng ta cần tự huấn luyện bản thân để trở nên môn đệ đích thực của Đức Giêsu, Đấng vẫn luôn được biết đến như là người luôn đem lại bình an. Hãy thể hiện lòng xót thương với tất cả mọi người và từ đó thế giới quanh bạn sẽ được thêm bình an.

7. S T DO CA THY

KHI MI GI CÁC LAO CÔNG

Anh Jepthe Lucena qua đời ở tuổi năm mươi mấy. Anh là một sinh viên trường Đại Học thánh Tôma (UST). Anh đã học để trở thành tu sĩ Đaminh ở Hồng Kông. Anh đã làm việc một thời gian ngắn ở Giáo Xứ Mân Côi Rất Thánh thuộc Đại Học thánh Tôma. Anh trở thành giám đốc ơn gọi cho Dòng chúng tôi trong thập niên 60. Anh đã qua đời trong khi anh làm tuyên úy cho bệnh viện Đại Học thánh Tôma.

Anh Ciriaco Pedrosa được biết đến với tên là Akong. Anh làm việc trong nhiều phân khoa khác nhau của trường. Anh là phó hiệu trưởng, thậm chí thay quyền hiệu trưởng. Anh nhiếp chính trong phân ngành khoa học và giữ chức vụ giám đốc của trung tâm nghiên cứu khoa học trong thời gian dài của trường chúng tôi. Anh qua đời trong thập niên 90.

Anh Ed Lumboy đã qua đời trong một cuộc tai nạn nghiêm trọng khi mới thụ phong linh mục sau hai năm. Anh mới 28 tuổi. Anh sống ở tu viện Đa Minh (Santo Domingo). Anh qua đời khi đang làm việc tại trường Angelicum tại thành phố Quezon.

Ba vị linh mục trên qua đời ở những độ tuổi khác nhau. Thiên Chúa có bất công không khi Ngài gọi vị linh mục khi tuổi còn quá trẻ về? Phần thưởng của họ sao đây? Với người lớn tuổi nhất hoặc với những người trẻ nhất, vậy Thiên Chúa sẽ quảng đại ai hơn?

Câu chuyện này có liên quan và rất gần với câu chuyện trong Tin Mừng. Thầy Chí Thánh tự do kêu gọi và tự do trao tặng các phần thưởng khác nhau. Thực vậy, Thầy tốt lành với hết thảy mọi người.

Khi chúng ta nối kết trình thuật Tin Mừng (Mt20,1-16) với những tình huống mà chúng ta thường gặp trong đời thì Tin Mừng lại có thêm một ý nghĩa trong tính cách đơn sơ giản dị của Tin Mừng. Đúng là chúng ta dễ dàng hiểu thấu đáo hơn các trình thuật trong Tin Mừng qua tính giản dị của ngôn từ. Thật sự khi Tin Mừng chuyển giao thông điệp nào đó với lối viết tao nhã và ẩn dụ thì sẽ dễ được người đọc đón nhận hơn. Tuy nhiên, điều cốt lõi chính là sự biến đổi mà nhà giảng thuyết đã trải qua. Và đáp lại, chính người nghe cũng được biến đổi.

Khi suy niệm dụ ngôn người làm vườn nho, chúng ta nên nghĩ chính mình cũng là người làm vườn nho được Thiên Chúa mời gọi để làm trong vườn nho của Người. Vườn nho này có thể ngay tại nhà, tại trường học, tại giáo xứ, tại Philippines hay Châu Á. Người ban cho mỗi người chúng ta những tài năng rất đa dạng và phong phú. Những mơ ước để thực thi sứ vụ của chúng ta cũng phong phú như vậy. Chúng ta hãy hy vọng rằng chúng ta có thể nâng đỡ nhau. Từ đó, chúng ta có thể sẵn sàng đối diện với Thầy Chí Thánh với niềm xác tín sẽ nhận phần thưởng xứng đáng, cho dù chúng ta bất chợt từ giã cõi đời.

Có những anh em giảng thuyết Kitô giáo đã được Chúa gọi về ngay trong khách sạn khi khách sạn này bị phát hoả tại thành phố Quezon vào thứ 6 ngày 17 tháng 8 năn 2001. Cũng có những trẻ thơ đã bỏ mạng ở đó. Thiên Chúa có bất công không?

Không ai có thể thấu hiểu được kế hoạch của Đấng Quan Phòng. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói cho chúng ta rồi, Người trả lời đơn giản là những người được Người mời gọi. Phần thưởng như thế nào còn phụ thuộc vào Người Chủ khi mời gọi những người làm vườn nho cho Người vào thời điểm nào mà Người thấy là tốt.

Khi Đức Maria được mời gọi, Mẹ đã chẳng bận lòng mình sẽ được phần thưởng gì. Đơn giản là Mẹ thưa “XIN VÂNG!” và bây giờ Mẹ là ‘’Nữ Vương Thiên Quốc’’. Chúng ta, là những người con của Thiên Chúa, mong ước một ngày nào đó sẽ được sum vầy bên Mẹ.

8. LI MI GI QU QUY

CA CHA TRÊN TRI

Một lần nữa, chúng ta nghe một dụ ngôn khác trình bày câu chuyện về lời mời làm vườn nho của Chúa. Lời mời này gợi cho bạn nhớ lại sự kiện trong đời bạn, chẳng hạn rất nhiều lời mời trong hộp thư điện tử của bạn. Khi hộp thư đầy, bạn sẽ lựa chọn những thư nên giữ lại và thư nào nên bỏ đi. Tóm lại, bạn xem xét những lời mời ấy.

Có một tiêu chuẩn để xem xét lời mời, đó là lưu ý đến tầm quan trọng và nhân vật đáng kính nào chúng ta có thể nhận lời mời ấy. Đặc biệt, điều này càng đúng hơn nếu chúng ta nhận được quá nhiều lời mời mà cần phải chọn lựa. Nên có một tiêu chuẩn khác đó là cơ may cho loại người nào được mời.

Trong Tin Mừng Mát-thêu 22:1–14, chính Nhà Vua đứng ra mời khách dự tiệc cưới. Đức Giêsu muốn ám chỉ đến vị Vua Thiên Quốc. Người muốn nói đến lời mời của Chúa Cha, trong bối cảnh của các Kinh Sư và Pharisêu mà nền tảng văn hóa và tôn giáo Do Thái của họ đã phác họa lên đặc tính họ.

Nếu được một vị vua mời, nào ai dám từ chối? Thế mà điều đó đã xảy ra. Những vị khách được mời chẳng hề đoái hoài đến đầy tớ được Nhà Vua cắt cử sai đi đem giấy mời. Một số đầy tớ thì bị đem ra hành hạ, còn số khác thì bị giết chết.

Sau đó, lần mời thứ hai lại được ban hành. Lần này thì tất cả mọi người đều được mời tham dự. Nhưng có một người không xứng đáng đã đến dự.

Với tất cả phận người hèn yếu, hết thảy chúng ta đều được mời gọi đến tham dự Tiệc Thánh Thể, thế mà nhiều lần chúng ta thấy mình rất bất xứng. Với rất nhiều lý do nào đó, chúng ta không thể đến tham dự khi mình không được trong sạch và công chính. Chúng ta nhận thấy chiếc áo cưới bên trong tâm hồn mình dơ bẩn. Chúng ta mang đầy dẫy những bất toàn. Cách vô tình hay hữu ý, chúng ta làm tổn thương rất nhiều người. Chúng ta không trung tín với lời mình hứa. Chúng ta làm ô danh chính mình.

Thế nhưng Thiên Chúa vẫn không ngừng lên tiếng mời gọi. Trước khi chúng ta đáp lại lời mời thì chúng ta đã được tẩy sạch qua Bí Tích Hòa Giải. Chúng ta cầu nguyện, ăn chay và làm việc thiện. Trong Thánh Lễ, chúng ta hy vọng đón nhận ơn tha thứ từ Mình Thánh Chúa Kitô đã hiến tặng cho chúng ta. Chúa Cha vẫn hằng mời gọi hết thảy mọi người. Người hết mực biểu tỏ lòng thương xót như vị ân nhân vĩ đại của chúng ta.

9. “KINH LY CHA” CA TÔI

Khi ý riêng của chúng ta chiếm ưu thế, thì làm sao chúng ta có thể tôn vinh danh Cha được? Chúa ơi, cơn cám dỗ chìu theo ý riêng của chúng con rất mãnh liệt. Chúng ta là kẻ khoác lác nếu chúng ta nói rằng lúc nào Nước Cha cũng đều ngự trị trong lòng mình. Không, không phải thế. Hầu như lúc nào cũng đều do ý riêng của chúng ta cả. Thế nên lời cầu nguyện của ta với Chúa Cha dường như chẳng mang một ý nghĩa gì.

Chúa Cha sẽ bảo ta rằng: Vâng, hỡi hết thảy con cái của Ta, Ta biết điều ấy. Đó là lý do tại sao các con cần chiến đấu ngày càng vất vả hơn. Ta biết những gì đang diễn ra trong lòng các con. Tạo sao các con phải sống giả hình chứ? Các con than phiền quá nhiều khi Ta muốn trò chuyện với các con và muốn các con thực thi ý Ta. Các con than trách người, các con làm tổn thương tha nhân, và tố giác những lỗi lầm của đồng loại trong khi lại quên đi những lỗi phạm của chính các con. Tuy vậy, đường lối của Ta thật đúng đắn hầu làm cho các con hiểu ra rằng ý Ta sẽ thể hiện chỉ khi các con biết bỏ điều gì và lên án cái gì.

Chúa Cha nói tiếp: Nào, hãy khoan. Lòng xót thương của Ta vĩ đại dường bao! Giờ Ta nói cho các con biết rằng: ý riêng của các con vẫn luôn tìm cách chiếm lĩnh, nhưng sẽ Ta ban cho các con một quả tim mới để quả tim các con biết đọc ra và hiểu được cõi lòng người khác. Bấy giờ, các con sẽ không còn than phiền nhiều nữa. Các con sẽ củng cố người khác nhiều hơn. Các con sẽ nhận ra rằng ý Ta mong muốn các con soi sáng đồng loại mình. Khi đó, Nước Ta sẽ hiển trị. Các con làm cho Vương Quốc của Ta ngự giữa những anh chị sống chung quanh. Danh Ta sẽ được cả sáng.

Xin cho chúng con lương thực hằng ngày. Nào, nhiều người trong các con đã có lương thực hằng ngày. Và thậm chí còn nhiều hơn mức cần dùng nữa là khác. Các con đã làm gì với phần dư đó? Các con có rộng tay giúp đỡ anh chị em đang sống cận kề nơi các con ở không? Nhiều người trong số họ còn thiếu thốn lắm. Họ cũng đang trông chờ lương thực mà Ta ban phát cho thông qua các con. Khi thực hiện điều đó, các con sẽ có lương thực hơn mức cần thiết nữa. Ta sẽ không quên lòng quảng đại các con khi ra tay làm phúc cho Ta nơi những người đói khổ mà các con cho ăn. Hãy nhìn vào tủ đựng thức ăn của các con xem, và sẽ thấy những thứ dư thừa ở đó. Ấy chính là lương thực hằng ngày dưỡng nuôi kẻ khác đấy.

Khi nào Cha sẽ cứu chúng con khỏi sự dữ? Chúa Cha bảo rằng: sự dữ ngay trong lòng các con. Cha lại nói: Khi các con không biết tha thứ. Khi các con không biết tha thứ cho nhau, thì làm sao các con lại có thể xin Ta tha thứ tội lỗi cho các con được? Ta biết, khó lòng mà để tha thứ. Nhưng mệnh lệnh của Ta là các con không chỉ tha thứ mà thôi đâu, nhưng còn phải biết quên lỗi lầm của tha nhân nữa. Ồ, chỉ khi đó các các con mới là những đứa con tự do của Ta. Nhìn những đứa trẻ hàng xóm của các con kìa, hãy yêu mến Ta thông qua tình yêu sâu đậm các con dành cho anh chị em với nhau. Khi ấy, không sự dữ nào có thể ập xuống trên các con được. Không còn sự dữ hay bệnh tật nữa đâu, vì ta sẽ chữa lành các con. Các con sẽ không còn trải qua âu lo nào nữa cả, vì các con đã sống trong niềm tín thác và cậy trông. Các con sẽ không còn thấy bất an nữa, vì trong Ta, là Cha của các con, tất cả những gánh nặng con đang mang vác sẽ trở nên nhẹ nhàng. Ta là Cha của các con, Đấng mà các con tôn thờ, Đấng ban lương thực hằng ngày, và là một Người Cha, sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ sự dữ nào thống trị các con.

Tôi mong sao điều này được thực thi qua “Kinh Lạy Cha” của tôi.

10. LI CHNG CA ĐC GIÊSU V ÔNG NATHANAEN:

NƠI NGƯỜI NÀY CHNG CÓ GÌ GIAN DI

Ta ưu ái trò chuyện với người sống chân thật. Có những người tỏ bày tâm hồn của họ một cách thật giản dị. Không có gì giả tạo. Họ không sống hai lòng. Họ thường là những người mà tôi gặp trong khu phố nơi mình đang sống. Họ đơn giản nói bộc phát ra ngoài những gì họ nghĩ.

Các bạn cũng thường gặp những người đại loại như thế. Họ không lươn lẹo. Họ nói những gì họ nghĩ một cách rất trong sáng và chân thật. Họ sống chân thật với trí lòng thanh khiết. Tôi hy vọng bạn được phúc quen những người như thế. Thật là quan trọng nhận biết những người sống như thế. Họ là những người có tiềm năng trở thành người bạn tốt nhất.

Đức Giêsu thích thú với sự hiện diện của Nathanaen. Lời chứng của Philipphê về Đức Giêsu giúp những độc giả Tin Mừng chắc chắn lời chứng thực về sự liên hệ Đức Giêsu với Môssê và các ngôn sứ. Đức Giêsu là Đấng mà các ngôn sứ trong Cựu Ước đã ám chỉ đến. Điều này rất cần thiết khi để tìm hiểu về sách Khải Huyền. Điểm này vạch ra cho thấy Đức Giêsu như là Đấng Mê-si-a hiển nhiên, theo bình diện lịch sử thì đây chính là nền tảng hầu thiết lập nên sự kiện về mạc khải, mạc khải về con người Đức Giêsu.

Nổi bật hơn lời chứng của Philipphê là chính là lời chứng của Đức Giêsu về Nathanaen: “Đây đích thực là người Israen. Lòng dạ chẳng có gì là gian dối.”

Lời này cũng giống như điều chúng ta muốn nghe từ Thiên Chúa: Rằng Thiên Chúa sẽ nhận biết chúng ta về những gì chúng ta là. Cũng xin cho gia đình, cộng đoàn, và môi trường sống xung quanh chúng ta hy vọng sẽ nhận biết con người thật của chính chúng ta là gì. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra nếu những người sống quanh ta trở nên giống Đức Kitô.

Tôi tin rằng nếu muốn điều đó xảy ra, chúng ta phải bắt đầu với bản thân mình. Điều đầu tiên phải làm là chúng ta cần thú tội trước Thiên Chúa những ưu điểm cũng như những yếu hèn của mình. Lời thú tội sẽ biến đổi tính cách của chúng ta. Dần dà chính sự biến đổi trong con người chúng ta cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi thật ý nghĩa trong gia đình hay trong cộng đoàn mình.

Vậy chúng ta mong sao khi chúng ta nghe lời này từ Thiên Chúa. Đây là người Kitô hữu đích thực. Không có gì gian dối. Nơi anh ta không sống hai lòng.

Chúng ta không cần đợi Thiên Chúa nói rằng Người đã nhìn thấy chúng ta ngồi dưới cây keo hay cây vả trước khi ta thực lòng cố gắng để trở thành những người con ngoan của Thiên Chúa. Đứng trước nhau, chúng ta khẳng định về thiên tính của Đức Giêsu, và đứng trước nhau, chúng ta cần củng cố tình huynh đệ thật sự ngay trong gia đình tự nhiên hay tôn giáo của mình, nơi đây lòng gian dối sẽ không có chỗ nào để tồn tại. Một khi chúng ta đạt tới điều này, chắc chắn chúng ta sẽ được nghe thấy những điều tuyệt vời nói về chúng ta, về gia đình cũng như về cộng đoàn chúng ta.

11. NHNG KH TH TRƯỚC THIÊN CHÚA

Tôi nghĩ rằng, điều khác biệt giữa người tin và kẻ không tin được phác họa trong Tin Mừng Mát-thêu 19:23-30. Vấn đề này liên hệ tới câu chuyện anh nhà giàu hỏi Đức Giêsu làm thế nào để trở thành người con tốt lành của Thiên Chúa. Ngài đã cho anh ta một phương thức sống.

Người nghe càng thêm thắc mắc về động lực thúc đẩy của chàng thanh niên. Những môn đệ đang đứng nghe bấy giờ lên tiếng chất vấn Ngài: “Vậy thì ai sẽ được cứu?” Lập tức, Đức Giêsu đưa cho họ một đáp án đầy hy vọng: “Với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể.”

 Bao nhiêu lần chúng ta gặp những tình huống như thế trong gia đình, trong công sở hay tại đất nước mình, nơi mà chúng ta phải đối mặt với bao là thách đố hết sức khó khăn?

Trong gia đình hay tại những nơi khác, chúng ta cũng có kinh nghiệm về những tình thế như thế này. Chẳng hạn, trong một gia đình có 10 anh chị em, mà trong đó có hai chị em sắp sửa trải qua cuộc phẫu thuật. Một trong hai người này vừa bị nhồi máu cơ tim. Những thành viên khác trong gia đình sẽ làm gì với tình thế nguy cấp ấy? Điều này vẫn đang xảy ra khắp nơi trên thế giới.

Trong trường hợp ngay tại đất nước chúng ta, qua dòng lịch sử nhiều thời điểm chúng ta đã phải nỗ lực nhiều lắm. Có thể đồng bào chúng ta làm. Chúng ta làm. Mỗi người trong chúng ta chung tay góp sức trong đó. Hãy nhớ lại những khoảnh thời gian đưa ra Luật Chiến? Hãy nhớ lại cuộc nổi dậy của giai cấp nông dân Huk? Hãy nhớ lại thách đố trong cuộc Cách Mạnh EDSA II? Tuy nhiên, qua tất cả, đất nước chúng ta vẫn tồn tại.

Chúng ta đừng bao giờ quên khi chúng ta chứng kiến điều căn bản của cộng đoàn giáo xứ xem như đang suy tàn và tiêu tan. Thách đố của thời đại hôm nay là tin hay thiếu lòng tin. Sẽ đến lúc mà người ta chỉ còn nhờ vào lời cầu nguyện. Tin tưởng vào sự trung tín của tình yêu Thiên Chúa là phương thế cứu vãn cuối cùng của chúng ta.

Những tình huống vừa kể trên là những tình huống như bệnh tật, bế tắc trong cuộc sống, thiếu đi niềm cậy trông vào Chúa Quan Phòng, thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, thiếu lòng tin nơi giới lãnh đạo. Hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ xảy ra dù đã từng bị đe dọa. Thế nhưng, Thiên Chúa đã can thiệp vào và giờ đây Ngài vẫn tiếp tục can thiệp như vậy.

Điều không thể với con người thì thực sự lại có thể với Thiên Chúa. Lời của Đức Giêsu đã làm bảo chứng cho các tồng đồ và với mỗi người chúng ta nữa. Trong suốt Thánh Lễ, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa về sự đảm bảo này. Mai này nếu chúng ta đương đầu với những tình huống tương tự như thế trong gia đình, trong công sở, hay đất nước của chúng ta, chúng ta hãy tín thác vào lời hứa của Đức Giêsu: “Ai xin thì sẽ được.” Đây là sự thật cho dù đối với người khác là không thể.

12. LI DÀNH CHO CÁC MÔN Đ:

S KHÔN NGOAN LÀ N NGHĨA CA THÔNG ĐIP

Phải thừa nhận là những người trẻ có không nhiều kinh nghiệm sống. Nhưng đó là chuyện bình thường. Không có gì phải lo lắng cả, vì chỉ có thời gian mới cho ta kinh nghiệm. Sau nhiều năm bạn sẽ nhận thấy quan điểm này là đúng.

Nhờ kinh nghiệm, mọi sự sẽ cho chúng ta có những cái nhìn rất khác nhau. Đức Giêsu, tuy là Thiên Chúa, vẫn không là ngoại lệ. Là Thiên Chúa, Người biết những gì phải khổ luyện. Trước hết, Người cho biết một một môn đệ đích thực của Người phải thực thi điều này: từ bỏ mọi sự. Có nghĩa là Thiên Chúa phải được chọn lựa trên hết mọi chọn lựa khác và lối sống mà Người nói cho những ai bước theo Người: cả những người Do thái thời đó và những người Kitô hữu hôm nay. Lời khuyên này của Người không bao giờ thay đổi. Và như vậy, sự từ bỏ sẽ không còn là vấn đề cho những ai muốn trở nên giống Thầy.

Lời nhắn nhủ thứ hai là nói về một ông vua khôn ngoan sẽ làm gì nếu ông muốn chiến thắng trong cuộc chiến (Lc 14:31) và người xây nhà khôn ngoan nên làm gì nếu anh muốn công trình sau cùng được hoàn tất (Lc 14:28).

Vị vua khôn ngoan phải biết đánh giá lực lượng của mình và những khả năng của kẻ địch; Nếu không, ông phải giản hòa nếu lực lượng kẻ địch hùng hậu hơn. Người xây nhà phải tính toán những gì anh dự định và những thứ phát sinh, nếu không khi anh bắt tay vào công việc nhưng chẳng thể hoàn thành nổi. Nếu có gì bất trắc xảy đến, những người xung quanh sẽ cười nhạo anh.

Với những người trẻ và bất kỳ ai nghiêm túc sống đúng theo Tin Mừng, những lời nhắn nhủ ở trên thật quan trọng. Ẩn sau những trường hợp được Chúa nói đến là thông điệp về sự khôn ngoan. Mỗi ngày trong cuộc sống, chúng ta đều phải đối diện với những tình huống đòi hỏi những phán đoán đúng đắn. Chẳng hạn, những viên chức trong những phân nghành khác nhau ở các tổ chức thường hỏi quan điểm của tôi, những đề xuất hay những bình phẩm của tôi trước những vấn đề như nhưng chương trình trong năm của học đường, những nhiệm vụ hay những kế hoạch khác. Thông thường, tôi vạch ra những đòi hỏi của thời lượng, số lượng và nguồn gốc số lượng cần thiết, rồi phép tắc được thông qua để thực hiện cách đúng đắn. Nhưng cốt lõi trong quan điểm của tôi, cũng giống như cốt lõi trong quan điểm của chính Đức Giêsu qua những minh họa của Người, đó là sự cần thiết khi ai đó lên kế hoặch, tổ chức, xem xét điều gì cần thực hiện. Các dự án được hoàn thành không chỉ dựa vào người ta muốn gì, nhưng mà người ta còn đặt nền trên thánh ý Thiên Chúa muốn.

Vì vậy, thật khôn ngoan và thận trọng để luôn đánh giá đúng mức tầm quan trọng của sự phân biện cho dù bạn muốn ra những quyết định nhỏ bé hay to lớn.

13. ĐÁ TRÊN ĐÁ

Vào lúc 10 giờ tối ngày 14 tháng 10 năm 2001, tôi lên chuyến buýt số 118. Đó là một chuyến đi dài 8 tiếng đồng hồ với hai trạm dừng chính ở San Miguel, Bulacan và Solano, Nueva Vizcaye.

Trên đường đến Bắc Luzon, tôi đi thẳng tới nhà thờ và vô tham dự Thánh Lễ. Một người bạn tôi anh Loi, Dòng Ngôi Lời, chào đón tôi và giúp tôi chỗ ngủ nghỉ. Tôi nằm nghỉ suốt buổi sáng. Đến trưa, tôi đi tới những ngọn thác Guihob. Cùng đi với tôi có anh Loi, bốn giáo lý viên và những người làm trong Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Vô Nhiễm, cùng với hai cô bé khác.

Tôi đến đó chỉ đơn giản muốn thoát khỏi nhịp sống hằng ngày ở môi trường đại học. Theo cách thế này, tôi có thể thực sự nghỉ ngơi, hít thở không khí miền núi trong lành và đồng thời tận hưởng an bình của thiên nhiên. Thật là thư giãn khi đi bộ chung quanh và khám phá tòa nhà thành phố, chợ và các cửa hàng đồ thủ công. Cũng thật thú vị khi nói chuyện với anh Loi.

Trong những ngày yên tĩnh, điều mà tôi lấy làm thích thú là thao tác của người nông dân đang làm việc xung quanh những ruộng bậc thang. Nếu nối kết lại với nhau, những ruộng bậc thang này có thể quấn nhiều vòng quanh trái đất.

Nhìn những nông dân này từ khoảng cách nhất định làm cho tâm hồn người ta có một trải nghiệm về sự thán phục và ngạc nhiên. Thán phục về tài khéo léo của con người với những dụng cụ được sản xuất hàng trăm thế kỷ trước để rồi làm cho sườn núi sinh hoa kết quả; và ngạc nhiên về sự kiên nhẫn và siêng năng của những người chăm chỉ xây đá trên đá để làm thành thảm bậc thang của Banaue, Bontoc và Sagada hầu làm cho thế giới chúng ta nổi tiếng.

Đá trên đá. Hình ảnh tráng lệ này tưởng rằng không thể nhưng lại có sức mang người ta tới sự chiêm niệm sâu lắng trước nghệ thuật tinh tế của cha ông ta. Một tác phẩm nghệ thuật mà kết hợp óc sáng tạo con người với sự linh hứng thánh thiêng. Sự quyến rũ này có thể được ngắm nhìn từ một độ cao nhất định. Điều này cũng đúng khi một người tìm thấy mình trong sự phục vụ tìm kiếm. Từ chân trời người ta có thể nhìn thấy một tấm thảm ruộng bậc thang trải dài tới tận bầu trời xanh, nơi những đám mây dường như được nối liền giữa trời với đất.

Hai người bạn của tôi đã từng nói về trải ngiệm và hình ảnh tráng lệ này, nhưng bấy giờ tôi chẳng đáp trả tích cực gì cả. Trước khi thực hiện chuyến đi này, tôi có gọi điện thoại một trong hai người. Anh ta nhớ lại cái cảm giác thú vị khi có một chuyến đi dọc theo khung cảnh này của Bắc Luzon. Anh nói rằng anh không thể dùng từ ngữ nào để diễn tả được ngoại trừ việc chìm sâu vào một trải nghiệm thần bí.

Đá trên đá. Đây là một đề tài cho tôi vào lúc này. Nó gợi lên trong đầu tôi hình ảnh thánh Phêrô - đá tảng. Tất cả các tông đồ mà thánh Phêrô đại diện, cũng là đá vậy. Được gắn kết với nhau, cùng sát cánh, một người được đặt làm đầu mục và các ngài hình thành nên sự duy nhất mạnh mẽ đầy sức sống. Đó là Hội Thánh bây giờ. Trong khi thánh Phêrô giữ chìa khóa, thì các tông đồ khác lại khen ngợi việc giữ chìa Khóa của thánh Phêrô.Ngài và thánh Anrê đi khắp Châu Âu. Thánh Tôma đi xa hơn, là tới Ấn Độ. Thánh Giacôbê đi tới Tây Ban Nha. Và khi những người Tây Ban Nha nhận được đức tin thì họ lại gieo đức tin đã nhận tới đất nước của chúng ta.

Đá trên đá. Khi những vị đại diện người Philipin trong Công Đồng II hội họp lại với nhau, các ngài đã suy nghĩ làm sao để những đá tảng được đặt ngay trong Hội Thánh Philipin. Một vài vị trí thì đã đặt đúng, một vài vị trí thì vẫn còn lỏng lẻo, trong khi những nơi khác thì quá tải. Một số nơi thì xem ra lè phè, cuối cùng, những chỗ khác thì đạt đến thành công cao đỉnh.

Những chỉnh đốn đã được thực hiện! Những nơi quá tải cần được trợ giúp, những nơi có nhiều nhân sự thì cần biết chia sẻ, những người nghèo cần được quan tâm hơn. Những nơi thành công tột đỉnh nên học biết nhạy cảm thật sự trước những nơi thấp kém hơn mình.

Đá trên đá, dường như là cơ hội hầu thức tỉnh việc xây dựng lại Hội Thánh. Sự thức tỉnh này sẽ làm cho mọi người dấn thân cách trưởng thành. Theo cách này, mọi người sẽ làm thỏa lòng Đấng có ý định muốn Hội Thánh được đặt nền trên đá.

14. PHI CHĂNG S THT ĐANG

CHY MÁU?

Một buổi sáng nọ, tôi đang ngồi trước bàn thờ nhà nguyện của giáo xứ Vô Nhiễm ở Banaue, tỉnh Mountain. Rõ ràng là tôi có thể nghe được tiếng nước từ con sông chảy ngang qua bên hông nhà xứ. Âm thanh nhịp nhàng và dễ chịu này cứ liên tục.

Âm thanh của dòng chảy nhắc tôi về dòng máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu trong khi Ngài bị treo trên thập giá. Ngài mang ơn cứu độ cho tất cả mọi người qua mọi thời, qua cuộc khổ nạn và cái chết của Người.

Chúng ta biết là có biết bao sinh mạng đã bị cướp mất trong vụ tấn công khủng bố Tòa Tháp Đôi ở Mỹ. Cũng vậy, có biết bao người chịu đau khổ trong các bệnh viện, và những nhà tù thì trận ních người. Có vô số trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi đang lang thanh trên những đường phố.

Khi những ý nghĩ này vừa xuất hiện trong đầu tôi thì tôi lại chứng kiến một cảnh tượng khác: Sự tranh đấu của các bộ tộc tại Banaue, Bontoc Và Ifugao. Chúng ta không được hạ thấp những nỗ lực của họ trong việc chuẩn bị, duy trì và bảo tồn những ruộng bậc thang.

Rồi cũng có những tranh đấu cho Chân Lý giữa hai đảng phái. Những người Mỹ ồ ạt tiến hành cuộc chiến chống lại kẻ thù của họ, nhưng trong suốt quá trình giao chiến, nhiều thường dân vô tội đã bị thương và bị sát hại- họ là những đàn ông, phụ nữ và cả những trẻ em vô tội. Bên cạnh đó, những người Hồi Giáo phát động cuộc thánh chiến nhân danh Thiên Chúa.

Phe nào đúng? Chân Lý thì qua mọi thời vẫn còn bị thử thách, Ai đúng? Ai sai? Thái độ cần có là gì?

Ồ! Nghệ thuật điêu khắc trước bàn thờ dường như là câu trả lời. Đức Giêsu được phác họa với đôi tay dang rộng. Phía dưới cánh tay của Ngài là hình ảnh các Tông Đồ xếp thành hàng. Gần Ngài là thánh Phêrô người mà ngăn cản Chúa sau đó ăn năn hối hận, thánh Anrê, người mà không thể tin được rằng năm chiếc bánh và hai con cá có thể cho hàng ngàn người ăn, thánh Mathêu, kẻ thu thuế khét tiếng, thánh Tôma, người nghi ngờ sự phục sinh của Thầy và Giuđa kẻ phản bội. Tất cả mọi người đều được Chúa giang tay ôm trọn.

Phải có một quả tim gần gụi với thánh thiêng thì mới có thể ôm trọn thực tại chiến tranh, đau khổ, khước từ và hoài nghi.

Dường như là khi người ta để cho Chân Lý bị đau khổ, người ta sẽ cảm nghiệm được trọn vẹn ý nghĩa của việc hiến tế như là một minh chứng hùng hồn nhất, dù Đức Giêsu xét theo bên ngoài xem như là sự thất bại trên thập giá.

Cái chết đe dọa quyền năng của Ngài. Tuy nhiên, nó chưa chấm dứt ở đó. Khi ánh sáng từ trời chiếu xuống, sức mạnh thiêng liêng đã trả lại sự sống cho Đức Giêsu, để Ngài được hiển trị mãi mãi.

15. CH CÓ AI BÉ NH MI HIU ĐƯỢC THÁNH Ý THIÊN CHÚA

Ba mươi năm nay, tôi mới được chứng kiến lễ hội La Naval vốn được diễn ra hàng năm vào mỗi Chúa nhật thứ hai của tháng mười. Nhiều người trong chúng tôi đi tới Santo Domingo. Trong thời chiến, lễ hội phải tránh bom đạn sau đó được tổ chức tại Intramuros. Trường Đại Học Tôma UST có đặc quyền để tổ chức lễ hội diệu này. Chúng tôi được người ta kể rằng có nhiều người sùng đạo ồ ạt đổ tới đám rước. Trong thời bình, nhiều bạn của tôi đã có những kỷ niệm đẹp về lòng tin vào Đức Trinh Nữ Maria. Sau sự tàn bạo của thế chiến thứ hai, nhiều gia đình được tái đoàn tụ dưới chân Đức Trinh Nữ. Sau chiến tranh có nhiều người đã chứng kiến về sự chuyển dời của lễ hội La Naval từ đại học Santo Tomas sang một ngôi thánh đường mới ở Santo Domingo năm 1954.

Mới đây, có nhiều biến cố thách thức nhân loại. Khí hậu đã thay đổi. Chúng ta vừa phải đối đầu với hiện tượng El Nino và La Nina. Những trận bão cuồng phong và bão nhiệt đới thường xuyên xảy ra và ngày càng dữ dội hơn. Những cuộc chiến vẫn tiếp tục xảy ra tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới đe dọa sự sống trên hành tinh này. Chúng ta đã tứng chứng kiến sự khởi đầu cuộc chiến Afghanistan và Vùng Vịnh. Chúng ta đã tứng chứng kiến Tòa Tháp Đôi và Lầu Năm Góc bị chính chiếc máy bay thương mại Mỹ do các quốc gia Ả Rập điều khiển tấn công.

Người ta đã quan sát và thấy rằng, trong thời gian thử thách ấy, mọi người đã xích lại gần nhau, xã hội và nền kinh tế có thế đứng tốt hơn. Người ta khẩn cầu lòng thương xót và sự trợ giúp từ Thiên Chúa.

Vì thế, giờ đây là lúc chúng ta cần quỳ gối và khẩn cầu lên Đấng Bảo Trợ hơn bao giờ hết. Sự giúp đỡ của chúng tôi không thể đến từ Mỹ. Nhưng chỉ có thể đến từ Thiên Chúa. Cựu tổng thống George W. Bush cùng với quân đội và các cố vấn quân sự có thể mắc sai lầm. Những sai lầm của họ có thể mang đến sự hủy diệt cho cả thế giới. Ai có thể đủ khả năng để kiểm soát cuộc chiến tranh bùng nổ bằng vũ khí sinh hóa học?

Ai có khả năng thực sự nhận ra ý Thiên Chúa? Ai trong những nhà lãnh đạo các quốc gia và thế giới có thể đọc được ý Thiên Chúa? Liệu tổng thống Bush biết được thánh ý Thiên Chúa không? Phiến quân Hồi Giáo Talibans cho rằng, hành động của họ là công chính vì họ thực thi thánh chiến là do dựa trên ý Chúa.

Đứng trước tất cả sai lầm và hỗn loạn như thế, chỉ có người của Đấng Quan phòng mới có thể đọc ra được thánh ý Chúa. Trong suốt triều đại của hoàng đế Hêrôđê, triều đại mà ông ra lệnh giết các trẻ em dưới hai tuổi. Đức Maria cùng với thánh Giuse đem Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập. Mẹ có thể nhận ra thánh ý Thiên Chúa bởi vì Mẹ là một người khiêm nhường. Mẹ là một người hèn mọn. Hình như rằng, chỉ những ai hèn mọn mới có khả năng đọc ra thánh ý Thiên Chúa.

Khi chúng ta nghe các thông báo của tổng thống Bush và phái liên minh, chúng ta nhận ra điều gì? Thái độ của họ thật khác với thái độ của Đức Maria biết bao! Họ thật kiêu ngạo! Thật là khó cho tổng thống Bush khi thừa nhận rằng Mỹ phải có trách nhiệm với hàng triệu sinh mạng do bởi những vũ khí tiên tiến mà Mỹ đã bán cho những bên tham chiến trên khắp cả thế giới này. Chỉ những ai khiêm nhường mới có thể thay đổi được thế giới. Đức Maria đã làm được!

16. MT KHI CHIÊN B LC

Đôi khi, sự đi lạc xem ra như bị mất tất cả. Có nghĩa là đôi khi chúng ta lại chọn bước theo con đường khác với đường mà Đức Kitô dẫn đắt chúng ta. Con người lang thang trên thế giới này cũng đi trên con đường của chính mình như thế, với những quyến rũ của nó.

Phương tiện truyền thông cho thấy điều này. Báo chí, truyền hình, phim ảnh và Internet vẫn đang quảng cáo và rao bán hàng loạt những sản phẩm tiêu dùng, từ giày dép đến quần áo, từ máy ảnh đến vi tính, từ kem dưỡng da đến nước hoa, từ xa phòng đến những chuyến du lịch bằng máy bay. Liệt kê ra thì vô số kể, vì những sản phẩm mới được sản xuất hằng ngày.  Điều quan trọng là tất cả những sản phẩm ấy trông rất lôi cuốn. Liệu rằng ai trong chúng ta lại đủ thánh thiện để không liếc nhìn và bị cuốn hút, và thậm chí là mua và thử dùng chúng?

Chúng ta phải thừa nhận rằng, chúng ta khó lòng chống cự lại cơn cám dỗ ấy được. Những gì chúng ta nhìn thấy quanh chúng ta chính là cơ hội phát triển thêm tính ích kỷ, sự hám danh, đố kỵ, ghen tương, độc ác, bất lương và thói xấu vị kỷ khác. Nói cách khác, chúng ta đi lạc. Chúng ta quay lưng lại với Thầy, Đấng mà dạy chúng ta hãy không ngừng trở về với Chúa Cha.

Thật an ủi khi chúng ta nghe bài đọc về Mục Tử Nhân Lành tìm con chiên lạc- chúng ta là ai (Lc 15:6-7). Khi ông tìm được con chiên lạc, ông và hàng xóm vui mừng. Gia đình của Chúa cùng chia sẻ trong bữa tiệc mừng.

Một trong những kinh ngiệm đau thương nhất người ta có thể trải qua trong cuộc đời chính là lạc lõng hoàn toàn, và biết chắc rằng chẳng ai thèm quan tâm để ý. Đây là sự khước  từ cuối cùng, ở khía cạnh này, chẳng ai thèm tìm kiếm một người anh em, chị em hoặc bạn bè bị lạc hướng. Chẳng ai thèm nhớ đến anh ấy hay chị ấy. Tôi nhớ vào một buổi tối có một người bạn gửi cho tôi một tin nhắn: “Mình nhớ bạn nhiều lắm.” Tôi gọi lại cho anh bạn đó. Anh thật vui mừng vì tôi gọi lại. Anh nói anh sẽ thăm tôi bất cứ lúc nào.

Điều gì sẽ xảy ra cho một người con cái Chúa nếu anh ta đi lạc và Chúa chẳng hề quan tâm tìm kiếm? Đây phải là một trải nghiệm khủng khiếp và đáng sợ. Hãy nhớ lại một trải nhiệm trong quá khứ khi bạn bị bỏ rơi. Khi cha mẹ hoặc bạn bè dường như chẳng quan tâm. Cuộc sống chẳng còn chút ý nghĩa nào nữa. Nhưng nếu có khoảng khắc nào đó chợt bạn nhận ra rằng họ quan tâm tới bạn, bạn sẽ tìm lại chính mình và bắt đầu đề cao lại vẻ đẹp của cuộc sống.

Thiên Chúa không muốn đưa ra một dụ ngôn. Ngài thường trình bày cho mọi người một dụ ngôn khác để dẫn đưa họ về với Chúa Cha. Dụ ngôn đồng xu bị mất là một ví dụ (Lc 15:8-9). Khi người đàn bà đã tìm thấy đồng bạc bị mất, một lần nữa, bà vui mừng và chia sẻ với hàng xóm.

Hai dụ ngôn này cho chúng ta một thông điệp rõ ràng. Thiên Chúa luôn nhớ đến chúng ta. Đó là lý do Ngài gửi Con của Ngài để tìm và cứu tất cả chúng ta. Và người được cứu đó chính là tôi. Chúa chẳng đi tìm một cá nhân nào khác. Nhưng mà là chính tôi, có tên là Kim, Eugene, Bryan, Và Allan. Tôi thích bài hát có tựa đề là “Amazing Grace” - “Đã có lần tôi đi lạc, nhưng giờ đã được tìm thấy”. Được tìm thấy bởi Thiên Chúa Cứu Độ.

17. NGH THUT ĐI CH

Từ thị trấn nhỏ bé Sagada, tôi bắt đầu chuẩn bị tạm trú tại thành phố Baguio, tôi đã hỏi về lịch trình chuyến đi đầu tiên. Tôi được chỉ cho biết cả một bảng liệt kê dài của các chuyến đi. Chuyến đi đầu tiên bắt đầu lúc 5 giờ sáng. Đó là lời đề nghị của nhân viên điều xe tại bàn hướng dẫn thông tin ở trụ sở thành phố.

Tôi dùng bữa tối lúc 6 giờ và lên giường nghỉ lúc 7 giờ 30 sau khi sắp xếp hành lý xong. Tôi đặt đồng hồ báo thức lúc 4 giờ 15 để có đủ thời gian cho việc sắp xếp cá nhân cho chuyến đi kéo dài 6 đến 7 tiếng đồng hồ.

Trước giờ khởi hành, tôi đến bãi đậu xe dành cho những chiếc xe buýt. Sáng đó trời đổ mưa nhẹ. Có vài chiếc xe jeepney chở người cùng hành lý từ nơi khác đến. Trời khá lạnh nên mọi người phải mặc đồ ấm. Thật may cho tôi khi tôi kịp chuẩn bị cho mình chiếc mũ của người địa phương. Tôi mang chiếc mũ che cả mặt và hai tai.

Xe buýt của tôi vẫn chưa thấy đâu. Tôi đã chuẩn bị tâm lý cho sự trễ nãi này. Nhưng ngay cả nếu tôi có chuẩn bị sẵn tâm lý trước sự trì hoãn được biết trước này đi nữa, tôi vẫn cảm thấy không thoải mái. Tôi thấy mình khó chịu. Tôi tự nhủ: “Tại sao phải vội cơ chứ?” Đáng lẽ ra tôi sẽ phải đi chuyến trễ hơn rồi, tôi trộm nghĩ như thế. Nhiều người quả quyết với tôi là sẽ có một chuyến lúc 6 giờ.

Trong quãng thời gian chờ đợi, tôi học được một điều. Tình huống như thế này cần có nghệ thuật chờ đợi.

Tôi đã quan sát người biết chờ đợi và kẻ không biết. Những người biết chờ đợi là người có một kỹ năng riêng trong một thế giới náo nhiệt vội vã, trong thế giới này thì sự trì hoãn bị xem như là một kinh nghiệm tiêu cực.

Một trong những nhận xét của tôi là mọi người càm ràm trong khi chờ đợi. Người thì chửi rủa. Có người thì giận dữ. Người thì cảm thấy ghét khi phải đợi chờ. Có người thì cứ nhìn đồng hồ liên tục. Mỗi phút trì hoãn như thêm vào một phút ở dưới hỏa ngục.

Phương cách khác đó là tìm ra căn nguyên của sự trì hoãn. Chẳng hạn lúc này, có thể do tài xế thức dậy trễ. Cũng có thể là hành khách đang đón xe ở nơi khác và xe buýt đang đến. Người ta có thể nghĩ ra những lý do hợp lý cho lời giải thích tích cực hơn.

Thái độ thứ hai mang ý nghĩa hơn. Thái độ này làm tâm trí dịu lại, hầu giữ tinh thần nội tâm chúng ta được thanh thản. Không nhất thiết phải biện hộ hoặc giải thích cho những gì ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Khi tôi viết suy nghĩ này, cũng là lúc tôi đang đợi mặt trời lên qua cửa sổ. Tôi biết rằng tôi sẽ nhìn thấy được mặt trời trong vài phút nữa. Tôi đã đợi nơi ấy khi hoàn tất phần cuối suy tư của tôi. Tôi cảm thấy sự ấm áp trên khuôn mặt sau một buổi sáng sớm lạnh giá.

Tôi đã đợi chờ một cách khôn ngoan. Tôi có thể ghi xuống những suy nghĩ và nhận xét trong khi đang chờ đợi. Chúng là những lời ghi chú về nghệ thuật chờ đợi. Đây quả là thời gian thích hợp. Trong khi xe buýt đến trễ, thì việc ghi lại những cảm nghĩ của tôi được thực hiện trong thời điểm chính xác - trong lúc này đây thật cụ thể.

18. NHỮNG BÀI HỌC TỪ GIA ĐÌNH

Hai thập kỷ trước đây, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cập đến gia đình như là một giáo hội tại gia. Có lẽ điều này được đặt ra vì ngài gặp gỡ với nhiều loại người khác nhau trong suốt vô số chuyến đi thăm viếng lịch sử của ngài. Có lẽ điều này càng rõ ràng hơn sau chuyến viếng thăm của ngài đến Châu Phi. Sau khi Thượng Hội Đồng có ý định thảo luận về đời sống mục vụ nơi lục địa này, thì hình ảnh về gia đình đã được chú tâm hơn. Điểm này cũng được nhấn mạnh bởi Thượng Hội Đồng tương tự như thế được diễn ra tại Á Châu về vấn đề gia đình. Thực thế, gia đình là điểm quy tụ mọi suy tư và hành động mục vụ.

Theo hướng này, có lần tôi suy nghĩ đến việc đối chiếu những bài học mà tôi đã học được từ gia đình. Ai cũng được khích lệ để hồi tưởng và suy tư về trải nghiệm trong đời sống gia đình của mình. Vì điều này rất quan trọng cho sự trưởng thành, phát triển và nhận thức của cá nhân mỗi người. Đối với tôi, dường như là có ba phạm trù để học biết trong đời: về Thiên Chúa, về tha nhân và về chính mình.

Những bài học về Thiên Chúa là: Thiên Chúa luôn là người đi bước trước, trao ban ân sủng và sự có mặt của Ngài khắp mọi nơi. Những bài học về tha nhân là: đến với người khác, luôn nói thật, tôn trọng tài sản của người khác và tránh phỉ báng thanh danh của người khác, cầu nguyện cho những người quá cố. Những bài học cho bản thân là: giá trị của sự thinh lặng, xin trợ giúp mỗi khi cần, đề cao những mối tương quan ngay trong gia đình và dấn thân hết mình với công việc, vì chính qua công việc, bản thân mình được lớn lên và sống tròn đầy.

Có những bài học được tiếp thu một cách dễ dàng và thực tế, vì khi người ta lớn lên trong một địa hạt, sống chung quanh xóm giềng, và tương quan qua lại quen biết lẫn nhau. Nên người ta sẽ có ý thức về tính cộng đồng.

Tôi cho rằng, những bài học về Thiên Chúa chính là sự khai mào cho cuộc sống. Chính nhờ Thiên Chúa mà mọi sự được dựng nên và có. Thiên Chúa là đệ nhất, có nghĩa là tất cả mọi sự được hiến tế và được nâng lên cho Chúa Cha để hoàn trọn những điều mà Ngài đòi hỏi được chứa đựng trong Mười Điều Răn. Tất cả hồng ân đều phát xuất từ Thiên Chúa. Do đó, chẳng hạn ở nhà chúng ta được dạy là đừng bỏ phí bất kỳ một hạt cơm nào. Chúng ta nên gìn giữ những vật vẫn có thể sử dụng được bao lâu chúng vẫn còn có thể phục vụ cho mục đích của chúng ta. Tôn trọng những cá nhân, đặc biệt là những người lớn tuổi là điều hết sức tự nhiên. Điều này được ghi sâu vào tâm trí chúng ta và những người thân yêu của chúng ta rằng những người lớn luôn luôn cần được tôn trọng. Chúng ta luôn được nhắc nhở rằng Thiên Chúa ở trong mỗi người và ở khắp mọi nơi.

Những bài học dành cho những người xung quanh đóng vai trò như những mắc xích liên kết cho các mối tương quan. Nơi mà người ta có thể đến thăm nhà láng giềng bất cứ lúc nào, trải rộng lòng đến với tha nhân thực sự là một chuyện dễ dàng và bình thường. Đôi khi có thể cũng có những xích mích nào đó nảy sinh. Tuy nhiên, điều này sẽ mau chóng được giải quyết. Tài sản cá nhân và những ranh giới của người khác cần được tôn trọng. Tuy nhiên, đôi khi có những lúc do say sỉn, người ta đi ra bắt trộm gà bên nhà hàng xóm để làm mồi nhậu tiếp. Nhưng thanh danh của người khác cần được đề cao và tôn trọng trong mọi lúc. Nếu có lời nói nào xúc phạm xảy ra, mọi cảm xúc cần được xoa dịu ngay lập tức. Phải chắc chắn cải thiện ngay lập tức tình thế ấy. Cuối cùng, người sống trong cùng khu vực nên cảm thông thực sự với nhau và đồng cảm với người nhà có người mới qua đời. Tất cả hãy cùng chung vai sát cánh nhau để làm nên bữa ăn ngon. Hãy cùng nhau quy tụ để cầu nguyện chung lúc 8 giờ mỗi tối, và có thể kéo dài như thế ít là chín ngày. Việc cầu nguyện này cũng có thể kéo dài đến bốn mươi ngày.

Ông bà tôi dạy tôi hãy đề cao giá trị sự thinh lặng. Tôi vẫn nhớ rõ ông tôi dành thời gian thinh lặng trong phòng như thế nào. Tôi ở với ông suốt 10 năm trời. Ông tôi thích đọc truyện về sự cứu độ (lịch sử thánh Sagrada bằng tiếng địa phương của chúng tôi). Ông thích đọc sách trong khi nằm thư giãn trên giường. Cha tôi làm việc năm ngày trong một tuần cũng dành ngày Chúa Nhật để đọc “Chân Lý”, một tờ báo phổ biến của Hội Thánh. Đây là vết tích còn lại nói lên ảnh hưởng của các tu sĩ Đaminh trong Tổng Giáo Phận Jaro, illoilo. Người ta nói như thế, bởi vì giám mục đầu tiên ở nơi này là một tu sĩ dòng Đaminh (Monsignor Cuartero), ngài đã xây nên nền tảng chính trong giáo phận này trong suốt thời gian ngài nắm chức vụ giám mục.

Xin tr giúp là điu cn thiết. Vâng, điều này dường như là bài học riêng tư nhất mà tôi học được nơi gia đình. Trong suốt thời gian khó khăn trong sứ vụ của mình với tư cách là một linh mục, bài học đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi cố gắng để mở lòng ra với mọi người mà tôi tin tưởng. Nhiều lần tôi đã được cứu thoát. Điều này cũng giúp tôi xây nên mối tương quan tốt đẹp với họ hàng ruột thịt và bạn bè. Tôi giúp đỡ bạn bè khi họ cần tôi. Cuối cùng, chính giá trị của công việc là phần thưởng thực sự, đặc biệt khi người ta nhìn thấy những hoa trái trong việc lao động của mình. Chúng ta không lúc nào cũng nhìn thấy kết quả của những nỗ lực của bản thân ngay lập tức. Trong công việc của tôi, giáo dục và đào tạo, tôi thấy kết quả như thế rất lâu sau đó mới xảy ra, đó là suốt quãng thời gian 25 năm trong sứ vụ của mình. Thật vậy, phần thưởng sẽ ngọt ngào hơn.

Khi tôi nhìn thấy các bạn trẻ ngày nay quá mải mê vào máy vi tính, điện thoại, những bản nhạc tẻ nhạt và những môn thể thao đầy bạo lực, tôi thầm nghĩ, cha mẹ có thể dạy cho con cái mình thế nào đây với những bài học kinh nghiệm tương tự và lành mạnh mà tôi được đặc ân nhận được trong quá trình tôi lớn lên nơi gia đình tôi.

Do đó, cha mẹ nên can đảm để tìm ra con đường và phương tiện để những giá trị tốt đẹp và bền vững được khắc sâu vào trong tâm hồn con cái. Như thế, những bài học từ gia đình sẽ là những bài học chuẩn bị cho cuộc sống sau này.

19. ĐỔI HỌA THÀNH PHÚC

Chẳng ai muốn nghe một nhà giảng thuyết nói về ngày tận thế và sự chết. Điều mà nhà giảng thuyết nói chỉ toàn là họa. Vì thế người ta phản kháng lại thái độ và bài giảng ấy cũng là bình thường và tự nhiên thôi. Không có gì lấy làm lạ khi Đức Giêsu không được chấp nhận và lắng nghe. Thính giả của Ngài thích nghe một thông điệp khác hơn từ những mối quan tâm đương đại.

Hai nơi đã bị Ngài lên án, đó là Chorozin và Bathsaida. Những nơi này đồng nghĩa với những kẻ cứng lòng tin. Vùng Tyre và Sidon cũng nổi tiếng về sự cứng lòng tin như thế. Nhưng những người thuộc Chorozin và Bathsaida có thể được cứu nếu họ làm chứng về các công trình của Thiên Chúa. Đây không chỉ là trường hợp của những người không tin để rồi cuối cùng như vùng Chorozin và Bathsaida đã bị lên án, nhưng mà có một nguyên do đặc biệt và nổi cộm hơn: sự cứng đầu!

Hai vùng này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay chứ? Có lẽ thế, Chorozin và Bathsaida, họ đang gặp nhiều tai họa, đây là hình ảnh tượng trưng cho mỗi chúng ta. Vì bất cứ nơi nào có sự ngoan cố thì nơi ấy vẫn còn những tai họa trong cuộc sống.

Chẳng hạn, một ông chồng nếu chẳng hề quan tâm để bảo vệ vợ; thì cũng thế, bà vợ cũng sẽ không quan tâm đến việc nhắc nhở chồng mình nữa; một sinh viên không muốn nghe những lời cảnh báo của thầy giáo; thì đáp lại, thầy giáo cũng sẽ chẳng nhìn nhận nhu cầu thực tế của sinh viên ấy. Đó là những dẫn chứng diễn tả về sự ngoan cố. Chúng ta cũng có thể là những kẻ cứng đầu nếu chúng ta chẳng quan tâm gì đến người tốt và người chân tình. Tại sao vậy? Liệu có hy vọng nào cho chúng ta không?

Chắc chắn vẫn có hy vọng. Chính Chúa đã thiết lập một điều kiện duy nhất. Ngài nói: “Hãy nghe đây”. Vâng, Chúa đã khuyến khích chúng ta cần phải biết lắng nghe. Vì thế, những lời chúc phúc sẽ xảy ra hay không là tuỳ thuộc vào cách sống của chúng ta. Lắng nghe có thể thực sự tạo nên những mối tương quan tốt giữa chúng ta và lắng nghe cũng mang lại một điều bất ngờ đầy ý nghĩa: đó là, ơn cứu độ nhờ lòng tin.

Ngày thứ sáu đầu tiên này nhắc chúng ta về những cái họa trong cuộc sống, nhưng cũng có thể được biến đổi để trở nên những lời chúc phúc. Tại sao chúng ta không trao lại cho Chúa những ích lợi nảy sinh từ sự nghi hoặc? Thế giới cần phải lắng nghe ý kiến của Đức Thánh Cha khi cuộc Thế Chiến Thứ Ba đang đe dọa. Nước Mỹ phải học biết lắng nghe những ý kiến đôi khi trái ngược hẳn với ý kiến của Tổng thống George W. Bush và những cố vấn quân sự cũng như chính trị. Chính phủ của chúng ta cần phải biết lắng nghe tiếng nói những người đói khát đang sống trong sự hỗn loạn của cuộc cách mạng EDSA III. Sinh viên cần học biết lắng nghe thầy cô giáo và ngược lại, giáo sư cũng phải biết lắng nghe sinh viên mình.

Khi chúng ta biết lắng nghe nhau, chúng ta thực sự sẽ biết lắng nghe Đức Kitô, đặc biệt qua những đề tài nói về hòa bình, sự công bằng, sự tốt lành, tính khiêm tốn, sự hiểu biết, tình đoàn kết, hiệp nhất, đối thoại và những điều tương tự. Quả tim của Chúa Giêsu là quả tim biết lắng nghe. Hãy cố gắng cầu xin lòng xót thương của Ngài bằng tấm lòng thực sự ăn năn sám hối. Bạn sẽ cảm nghiệm được sự ngọt ngào của lời đáp trả nơi Thánh Tâm. Ai biết lắng nghe đồng loại mình thì cũng sẽ biết lắng nghe Chúa Giêsu như người anh người bạn của kẻ ấy. Do đó, chúng ta hãy biến những cái họa thành các phúc lành.

20. NGƯỜI TR HÃY TRI DY

Những hình ảnh ghê rợn về cái chết đang không ngừng thống trị trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chúng ta chứng kiến những khuôn mặt buồn rầu của những người đã mất đi người thân yêu, khi tham dự lễ tang. Nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi sự đau khổ của sự chết. Sự chết không chỉ gây ra đau đớn, mà nó còn hiện hữu như kết quả của sự đắng cay, thất bại, cảm giác mất mát, và ngay cả quyết tâm để trả thù và báo thù. Chẳng có một ai muốn đón nhận cái chết cả.

Câu chuyện trong Tin Mừng về cái chết đứa con duy nhất của bà goá (Lc7,11-17), một bà mẹ bị tước đoạt, cũng cảm động như câu chuyện về những cái chết ở New York và Washington D.C. Cộng đoàn của bà goá ấy cùng cảm thông chia sẻ nỗi mất mát của bà. Chính Chúa Giêsu cũng cảm thấy sự mất mát này và điều này đã thôi thúc Ngài đến với người thanh niên trẻ: “Hãy trỗi dậy.”

Về phần bạn, bạn cũng có thể đồng cảm với người đàn bà này, nhưng hãy để ý đến cụm từ “hãy trỗi dậy”. Dĩ nhiên, không nhất thiết nói về cái chết mà thôi, nhưng có thể chết được hiểu như sự lãnh đạm, lười biếng, sự mệt mỏi, chán chường, thất vọng, tuyệt vọng và dường như chúng là những gánh nặng không thể nào vác nổi.

Hãy trỗi dậy từ một tinh thần lãnh đạm được biểu hiện ra ngoài khi bạn tham dự Thánh Lễ không nghiêm túc, hãy trỗi dậy từ sự ươn lười được thể hiện ra ngoài bằng sự ù lỳ trước các công việc được giao phó. Hãy trỗi dậy khỏi sự buồn chán khi bạn việc lãng phí thời gian, hãy trỗi dậy khỏi sự chán chường và thất vọng khi mình không đạt được số điểm mong muốn trong thi cử. Chúng ta nên trỗi dậy, trỗi dậy, và trỗi dậy từ những hoàn cảnh như thế.

Điểm mấu chốt và dấu hiệu của sự biểu lộ cho việc trỗi dậy đó được nhận biết nhờ vào đức tính khôn ngoan của người đó. Tinh thần khôn ngoan thì nhạy bén với chương trình mà chính bạn lấy làm say mê cùng song song với chương trình của trường. Bạn sẽ không phải người hoàn hảo, vì vậy bạn cần cố gắng hơn để chế ngự những thất bại nảy sinh từ sự nản lòng buồn chán.

Về điểm này, chúng ta phải nghe lời của Chúa Giêsu: Hãy trỗi dậy! - không phải từ giấc ngủ dài của sự chết nhưng là từ những cách sống dễ dãi. Có những sinh viên chứng tỏ họ thật sự học nghiêm túc trong những tháng ngày của học kỳ vừa qua, chúng tôi khích lệ họ. Chúng tôi cũng chân thành gửi đến bạn những lời chúc mừng.

HÃY TRỖI DẬY!


21. TRÂN TRỌNG NHỮNG CON CHIÊN LẠC

Khi người ta rời khỏi nhà nhiều ngày và không ai hay biết gì và chẳng ai mảy may quan tâm đến sự vắng mặt của người đó - có gì đó không ổn. Điều này cho thấy rõ ràng người đó không được coi như là một thành viên của gia đình, thậm chí chẳng ai nhớ nhung người đó. Chẳng có người thân ruột thịt nào thèm bỏ công sức để đi tìm anh ta. Quả thực đây là điều không may mắn cho anh. Dĩ nhiên, một người bị quên lãng như thế sẽ cảm thấy buồn đau. Có lần tôi nhớ một thanh niên nọ đã phải òa khóc khi chẳng ai nhớ đến sinh nhật của anh. Anh ta là người cao to nhưng cũng dễ rơi nước mắt và suy sụp.

Tin Mừng về dụ ngôn mục tử nhân lành tìm kiếm một con chiên lạc, anh ta đã để lại 99 con chiên mà chỉ tìm con chiên đi lang thang đâu đó (Lc15,1-32), nói về mục tử trân trọng con chiên lạc đó đến độ nào. Hãy nghĩ về một người cha luôn mong mỏi đứa con đã trốn khỏi nhà lúc đêm khuya ngoài giờ giới nghiêm mà gia đình quy định. Nếu bạn là những người cha thì bạn sẽ hiểu được cảm giác này. Đó là một tình trạng tâm lý pha trộn nhiều xúc cảm như bất an, sợ hãi, lo lắng, nhưng phần lớn là nóng giận. Hãy nghĩ về một người mẹ khi sáng sớm, sau buổi tiệc đêm, không thấy con gái mình đâu nữa. Chắc chắn người mẹ ấy sẽ gọi điện cho những bạn bè của con để hỏi thăm hiện con mình đang ở đâu.

Dụ ngôn trên làm cho chúng ta hiểu được lòng yêu mến trân trọng của người mục tử dành cho con chiên lạc hướng và bị mất khỏi đàn. Thật thế, lòng yêu mến của mục tử không chỉ dành cho con chiên lạc hướng và bị mất. Người mục tử lúc nào cũng ra đếm tất cả số chiên trước khi anh ta đi ngủ. Anh ta biết tất cả chiên của mình, từng con một. Anh ta dễ dàng có thể phân biệt chiên với dê ngay tức khắc.

Đáng lẽ ra mỗi người trong cộng đoàn nên có một lần cần trải nghiệm việc bị xa khỏi đàn chiên trong đời mình. Những linh mục chúng ta cần biết điều này khi người ta tìm đến chúng ta xin giúp đỡ và hướng dẫn. Họ xin chúng ta giúp họ quay trở về với đàn chiên của Cha. Đôi khi có người đã đi lạc ròng rã nhiều năm trời. Người ta càng đi lạc lâu chừng nào thì cảm giác bị chối từ, chán nản và bỏ rơi thực sự càng làm người ấy đau đớn bấy nhiêu.

Chúng ta có thể kể những chuyện về những người quay trở về. Đó có thể là chuyện một người già cả. Đó cũng có thể là chuyện của những bạn trẻ đã giã từ nô lệ cho nghiện hút. Chúng có thể là chuyện ngắn hay dài. Nhưng một khi ân sủng Chúa đến với tâm hồn người ta, thì người ta sẽ nhận ra lời mời gọi của Ngài, nhiều người đáp trả lại lời mời gọi đó bằng cách quay trở về lại với đàn chiên của Cha.

Mục Tử vẫn còn kiếm tìm chúng ta không? Chúng ta không còn nghi ngờ về điều này nữa. Chúng ta phải luôn nhớ rằng chúng ta không chỉ lạc xa mái ấm gia đình của mình mà còn lạc xa Chúa nữa. Vì thế, chúng ta cần sẵn sàng để trở về nhà của Cha chúng ta. Không phải vì Ngài cần chúng ta đâu. Nhưng chính là, Ngài yêu chúng ta rất sâu thẳm!

Cũng như cha mẹ, anh chị em trên trần thế này đang tìm kiếm và đợi chờ người thân đi lạc trở về; Thì Chúa cũng vậy, họ hình ảnh của Chúa, Đấng luôn quan phòng và chăm lo cho hết thảy chúng ta - Cha của chúng ta.

22. DƯỚI CHÂN THP GIÁ

Kinh Thánh họa lại giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu trên cây thập giá như sau: Dưới chân thập giá có Mẹ Maria và thánh Gioan, cùng với hai phụ nữ khác. Sự kiện này xét về mặt lịch sử khá chính xác. Tin Mừng theo Thánh Luca (19,25-27) cũng đưa ra hình ảnh này trong trình thuật của ngài. Ngài cũng phác học chân dung đặc thù này.

Đây là bức tranh của hơn hai ngàn năm trước. Thánh Gioan đã lãnh được phần thưởng của mình và Mẹ Maria cũng thế. Những đau khổ của Mẹ khi đứng dưới chân thập giá đã được thưởng công như hình ảnh vinh quang và chói lọi của người phụ nữ toàn thắng được đề cập trong sách Khải Huyền. Người phụ nữ này đã bảo vệ con cái của mình cho dù bà đang cận kề với cái chết trần thế.

Lúc này ngay tại nhà thờ chúng ta, chúng ta thấy Chúa Giêsu ở ngay trung tâm. Chúa Giêsu vẫn còn đang bị treo trên thập giá, nhưng lần này Ngài không có ai bên cạnh. Liệu có ai dám đến bên Ngài?

Tôi nghĩ đây là một tình thế chúng ta nên suy gẫm. Một vài người cần trở ngược về cảnh tượng quá khứ ấy và tự đấm ngực, đau buồn vì có những lần mình bỏ rơi Chúa. Thực vậy, đây là lời mời gọi cho bạn và cho tôi ngày hôm nay khi chúng ta suy gẫm về cảnh tượng của hơn hai ngàn năm trước đây.

Cảnh tượng trên cần được hoàn trọn nơi tất cả những ai đã được tiền định và sẵn sàng không muốn bỏ rơi Chúa Giêsu nhân tính hiện đang treo trên thập giá cần làm cho sự kiện xảy ra hơn hai ngàn năm trước. Những người đó chính là những ông bố đang khốn đốn vì con cái mình sa vào nghiện hút. Những người đó chính là những bà mẹ đang đau khổ vì con gái mình bị các đấng mày râu và những kẻ lạ mặt khai thác tình dục. Họ cũng là những người trẻ đang phải đương đầu với những vấn đề khác nhau trong gia đình, với những người bạn bè và với những người khác. Tất cả đều là những nạn nhân của sự hãi hùng và bạo lực. Phần lớn họ là những người nghèo khổ, đói khát; Họ không chỉ đói khát thức ăn mà đặc biệt hơn họ đói khát sự quan tâm và chăm sóc. Họ cũng có thể là mỗi người trong chúng ta, những người đang phải mang những trách nhiệm và đấu tranh hằng ngày để giữ lòng trung tín trong những nhiệm vụ chúng ta được giao trong cuộc sống.

Không còn có thánh Gioan, Mẹ Maria và hai phụ nữ khác mới hoàn thành nốt cảnh tượng cuối cùng trong câu chuyện của thầy Giêsu. Câu chuyện này vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay. Đứng dưới chân thập giá, tất cả mọi người chúng ta theo một nghĩa nào đó hãy làm vơi bớt đi sự cô độc khi Chúa bị bỏ rơi. Như thánh Phaolô cho biết, chúng ta cần phủ đầy cái đang còn thiếu trong cơn đau khổ Chúa Kitô. Tạ ơn Chúa, Thầy của chúng ta không có cô độc. Bạn và tôi hãy ở đó để đồng bạn với Người.

23. HÃY ĐN VI MUÔN DÂN:

Ý THC V S MNH CA MÌNH

Trong ngày lễ mừng kính thánh Luca theo lịch phụng vụ Công Giáo, tất cả các bài đọc đều tập trung vào việc ý thức về sứ vụ truyền giáo. Lời Chúa phải được mang đến tất cả mọi nơi. Thế giới cần Chúa Giêsu. Mọi người cần cảm nhận sự hiện diện của Chúa Giêsu trước tiên, rồi sau đó mới tới nhiệm vụ loan báo Tin Mừng.

Đối với chúng ta, điều khác biệt liên quan đến việc cử hành lễ kính thánh nhân là lúc bấy giờ tôi đang đọc thông điệp về sứ vụ truyền giáo tại bảng thông báo trước nhà thờ chánh toà Đức Maria Trinh Vương ở Sagada. Vào ngày 11 tháng 10 năm 2001, có 10 tín hữu sùng đạo và các cha xứ đã vinh dự mừng lễ kỷ niệm 100 năm sứ vụ của họ hiện diện tại đây.

Sagada là một trong những vùng của đất nước chúng tôi đã đón nhận Tin Mừng trước tiên. Những nhà chức trách Anh giáo không ủng hộ những người Công Giáo. Do đó, người Anh giáo đã chọn sống tại những khu vực mà cách đây một trăm năm Kitô giáo chưa được rao giảng.

Từ ngọn đồi Thăng Thiên, Tin Mừng đã được mang đến những nơi thuộc tỉnh Mountain. Đây là một hành trình dài vượt không gian và thời gian.

Nhờ những thừa tác viên Anh giáo này, sứ vụ được định hình. Việc loan báo Tin Mừng của họ đã tạo nên những cấu trúc khả thi như: giáo xứ, nhà thờ, trường học, việc thăng tiến con người, hỗ trợ cho ngành công nghiệp dệt may, mối quan tâm về hệ sinh thái học và tôn trọng những văn hoá bản địa.

Một linh mục như tôi sẽ nhận ra rằng chúng ta không phải là người độc quyền loan báo Tin Mừng. Y thức về sứ vụ của tôi là tại nơi tôi ở và duy trì lòng trung tín trong các nhiệm vụ tôi được giao. Tôi tin rằng, nhiều người nam nữ có thiện chí đang dấn thân một cách sâu sa trong việc truyền bá Lời Chúa sẽ làm cho họ sống khiêm tốn thật sự. Vì thế, mỗi người phải biết sử dụng ân sủng của mình để phục vụ Lời.

Khi tôi suy tư về điều này, tôi đã đến gặp gỡ vài gia đình của những nhà truyền giáo (đó là cách họ tự giới thiệu). Đó là những gia đình trọn hảo sống quanh khu vực Sagada. Họ cho tôi biết rằng họ ở xung quang đây để dõi theo những nhà truyền giáo sống thế nào để có thể giúp đỡ. Những cộng đồng trong đất nước này rất cần để trợ giúp.

Họ đang xây dựng một nhà thờ như một phần của sứ vụ truyền giáo của họ.

Chúng tôi cũng có một vài gia đình người Phi-líp-pin ở xung quanh để tham gia vào công việc rao giảng. Tôi biết rất rõ về gia đình của người bạn học trước đây của tôi mà bây giờ hiên đang ở Thái Lan. Các gia đình Công Giáo cần phải xem lại thời gian rảnh của mình hơn nữa, hầu dấn thân cho sứ vụ truyền giáo. Điều này sẽ được thực hiện vào tháng 10, tháng của sứ vụ, khi các tín hữu được khuyến khích để học biết tinh thần truyền giáo nhằm phục vụ cho sứ mạng tốt hơn.

24. NN ĐÁ CHÍNH LÀ CON NGƯỜI

Suốt chuyến viếng thăm đến thị trấn Sagada, sau một buổi tối nghỉ ngơi, tôi thức dậy trễ hơn mọi khi và dùng bữa sáng ở căng tin và nhà hàng thánh Giuse. Tôi thưởng thức món xúc xích bản xứ, cơm và trà. Một người có lẽ là quản lý đang kiểm tra các món ăn của một vài vị khách. Tôi yêu cầu anh ta hướng dẫn về cách thức đi đến sông ngầm Latang và hồ Botong. Anh ấy rất sẵn lòng đưa ra cho tôi những chỉ dẫn cụ thể về cả hai động trên.

Đi bộ đến động Latang chỉ khoảng 10 phút. Còn động Botong khoảng 15 đến 20 phút.

Chỉ dẫn hướng về động trên hình như rất gần nhau. Chỉ có 2 bảng gỗ nhỏ chỉ đường để báo trước cho du khách nên dừng lại. Tuy nhiên, tôi đã vượt qua luôn, băng qua một con đường được đổ đá lởm chởm đặt cạnh nhau. Suốt con đường này toàn là dốc khoảng chừng 35 đến 45 độ.

Tôi tiến về phía trước với sự cẩn trọng cao độ. Thỉnh thoảng tôi phải cúi mình xuống để không va vào những cành cây phía trên đầu. Nhiều lần, tôi không có thể nhìn thấy những viên đá được lát. Sau đó, tôi có thể nhìn thấy lối dẫn vào hang động. Sau khi chụp hình từ máy quay phim, tôi bước vào trong. Trông lạ chưa kìa, có dấu hiệu rõ ràng là nước đã lên. Tôi có thể nhìn thấy hỗn hợp giữa bùn và cát. Sông ngầm chỉ rộng khoảng 4 mét. Tôi bơi một đoạn ngắn trong làn nước lạnh. Tôi chú ý đến những hình vẽ trên vách hang khi tôi di chuyển lên theo hướng của con sông, để đưa ra cửa sông. Tôi nhìn thấy một tia nắng rọi vào.

Việc quay trở lại con đường chính sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nỗi sợ hãi nào đó cùng với sự cô đơn đã từng hiện diện trong tôi, giờ thì lại biến đâu mất. Cảm giác chỉ có mình tôi ở đó thật kỳ lạ làm sao, nó cứ lảng vảng trong tâm trí tôi, không ai quấy rầy tôi nữa, tôi được hòa nhập với đồi núi, sông ngòi và cây cỏ.

Rồi tôi tiếp tục đi đến hồ nước Botong. Con đường này không khó đi lắm. Một người bạn trẻ đã chỉ đường cho tôi rồi. Tôi nhớ bấy giờ tôi vô cùng kích động. Tôi có thể nhìn thấy những thác nước chảy, khi tôi giữ thăng bằng trên đỉnh mô đất. Tôi hỏi những người nông dân chỉ dẫn để đến các thác nước này.Tôi thấy thoải mái hơn khi tôi đi lên con đê bao quanh những thác nước. Có một người nông dân gần đó đang kiên trì chuẩn bị cho nền đất để gieo trồng mùa vụ lần thứ hai. Hẳn ông ta đã ở đó rất sớm, vì ông ta có thể tự mình nấu bữa điểm tâm cho mình. Những viên đá, trước đây ông ta từng dùng để đánh lửa, nhưng về sau được sử dụng để tạo nên những phần nhỏ của nền đất đang được sửa chữa. Tôi ngồi xuống cạnh bờ hồ chăm chú nhìn người nông dân đó, trong khi dòng nước vẫn lững thững chảy qua.

Tôi nhớ đến điều đã đọc và đã nghe trước đây: Người dân bản xứ đang than khóc về việc tàn phá và xói mòn của nhiều nền đá. Nhiều phần của nền đá trong tỉnh Mountain cần được xây lại. Tôi đã có câu trả lời trước mặt. Tôi đang nhìn một người nông dân kiên trì phục hồi lại bề mặt của những nền đá.

Những nền đá được ghép từ nhiều miếng đá và hòn đá đặt gần nhau. Có hai người mà tôi thấy từ xa đang chăm sóc những cây cải mới được trồng. Thật vậy, trước đó tôi đã chụp một số bức ảnh từ máy quay phim của tôi. Có cả những người đàn ông mà trước đó tôi đã hỏi đường đi đến hồ thì cũng có mặt. Họ sắp sửa kết thúc thu hoạch rau cải trên một mảnh đất rộng. Có vẻ như họ đang canh giữ những mảnh đất khác sắp sửa có dấu hiệu cho ra sản phẩm trong vài ngày tới.

Những nền đất là những người trẻ tôi đã gặp trong khi tôi quay trở lại. Họ mang đến vài thứ: một thùng dùng để lấy nước, một nồi cơm lớn để nấu ăn, và một giỏ rau. Họ cho tôi biết họ sắp sửa nghỉ ngơi và ngồi ăn bên cạnh bờ hồ.

Nhưng những nền đất cũng là những phụ nữ đang khen ngợi những công việc cày bừa của các ông. Trước đó, tôi thấy một người phụ nữ đang chà gạo vừa mới gặt xong.

Những nền đất là tất cả những gì làm cho cuộc sống cộng đồng tiếp tục trải rộng ra với thời gian: ngày này qua ngày khác, tuần này qua tuần khác, tháng này qua tháng khác và năm này qua năm khác.

Những nền đất là con người.

Chúng là nước, là gạo, là rau quả, là mùa màng. Chúng là một phần trong dự phóng của con người được tạo ra từ tài khéo léo của người dân bản địa hơn hành trăm thế kỷ. Tất cả những điều này làm nên mầu nhiệm con người: những phát minh kỳ diệu của hệ thống tưới tiêu và kỹ thuật thích hợp dẫn đến việc tạo ra những thửa ruộng bậc thang. Tất cả những nền đất này hình thành nên một thể thống nhất. Một người bạn bảo tôi rằng: khi tôi đi trên những nền đất này, tôi nghĩ ngay đến Thiên Chúa và sự quan phòng của Người. Hai du khách đến từ Thuỵ Sỹ mà tôi đã gặp ở nhà nghỉ, đơn giản cho biết: Thật tuyệt vời và đáng kinh ngạc!

25. NIM TIN ĐƯỢC

TÌM THY GIA CHÚNG TA

Niềm tin đang hiển lộ giữa con người sau cuộc tấn công vào tòa Tháp Đôi của Trung Tâm Thương Mại Thế giới, New York. Theo một nghĩa nào đó, sự biểu hiện này mỗi lúc lan rộng khắp nơi. Mọi người từ nhiều niềm tin khác nhau đã ngồi lại với nhau để cầu nguyện. Mọi người đủ mọi tầng lớp, những công việc, những trách nhiệm cũng như nhiều chủng tộc khác nhau dường như đều có chung một phản ứng bộc phát: “Ôi, Chúa tôi!” Đây không phải là điều tuyệt vời hay sao? Dường như bi kịch này tưởng chừng như không may nhưng hóa ra lại là may.

Khi viên đại đội trưởng bày tỏ niềm tin của ông vào Đức Giêsu (Lc7,1-10), ông đã đến với Chúa khi người nô lệ được ông tin cẩn, chứ không phải là đứa con trai của ông. Tên nô lệ này đang ở trong tình trạng gay go - anh ta đang bị ốm nặng. Viên đội trưởng đã nghe biết về Chúa Giêsu với những dấu lạ Người thực hiện ở Galilê. Ông tin vào sức mạnh của nhà giảng thuyết mà ông ta đã biết này. Phần thưởng vì ông đã tin là việc người đầy tớ đau bệnh được chữa lành. Viên đội trưởng đã bày tỏ niềm tin thật tuyệt vời.

Tôi cố gắng để trở thành một người dám luôn tin vào sự tốt lành của con người, ngay cả có lúc người ta cho tôi biết tôi sai lầm hay tôi là kẻ không biết đọc ra được tình thế xung quanh. Tuy nhiên, sâu thẳm lòng tôi, tôi quyết trải rộng lòng ra với mọi người: đối với những người thân quen cũng như đối với những người chẳng mấy thân thiện. Dĩ nhiên, tôi cũng tự hỏi đâu là giới hạn cho chính bản thân.

Tôi tin vào lòng Chúa thương xót. Tôi có thể tin vào những tổ chức khác nhau của giới sinh viên, tôi có thể tin vào những thành viên trong ban quản trị địa phương của trường đang sát cánh bên tôi và cũng thế, tôi tin tưởng vào Câu Lạc Bộ của Khoa. Nếu Chúa Giêsu sống trong thời đại hôm nay và ở trong hoàn cảnh của tôi, Ngài cũng sẽ làm như thế.

Gần đây, chúng tôi đã gặt hái được những hoa trái của niềm tin đó vào Thiên Chúa và vào những người xung quanh. Do đó, tôi mong mỗi lúc có thêm tình liên đới trong suốt thời gian học. Tôi quảng bá mọi người hãy biết cho đi hết sức có thể, cả những sinh viên cũng như những nhân viên trong khoa. Cần thiết để đọc ra đâu có nhu cầu cần được đáp ứng. Tinh thần tự nguyện là đỉnh cao trong bối cảnh xây dựng cộng đoàn. Vì thế, một người nào đó làm việc chung với người khác thì dù có thích hay không thích, người đó cũng đang dâng lên Chúa một hiến lễ vì tình liên đới.

 Chúng ta có thể thực hiện điều này cách thành công nếu chúng ta cho phép Chúa Giêsu trú ngụ thực sự trong chúng ta. Ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn và phúc tạp mà chúng ta đang đương đầu cũng có thể là điều rất cần thiết giúp cho chúng ta có một nhận thức sâu sắc hơn. Chẳng hạn, những người dân New York đã phải trải qua kinh nghiệm kinh hoàng trước khi họ có thể tìm lại sự vững mạnh bên nhau. Nếu không, họ sẽ biến thành rô-bô, vốn chẳng hề biết quan tâm chăm lo cho người khác. Đặt ra vấn đề về Giấc Mơ Hoa Kỳ lúc này đây thật là đúng đắn. Chúng ta phải chấp nhận những tổn hại của chúng ta và khám phá ra những lý do ẩn sau chúng là gì.

 Tôi rất tự hào về điều này – đó là sự khiêm cung của chúng ta trong suốt chương trình của khoa về việc phát triển con người. Thái độ khiêm tốn này mở đường cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa sinh viên và khoa trong trường của chúng ta.

Tạ ơn Chúa! Và cảm ơn các bạn!

26. ĐIỀU GÌ XẢY RA Ở THƯỢNG NGUỒN: KẺ BÉ NHỎ CÓ THỂ LÀ NHỮNG VỊ CỨU MẠNG TA

Chuyện ngụ ngôn này được thuật lại trong một hội nghị quốc tế. Đó là câu chuyện nói về một vụ bạo lực xảy ra trong một đất nước Châu Phi. Sự giết hại lan tràn. Những xác người bị ném vào khúc sông ở thượng nguồn. Sau đó, những cái xác này trôi xuống hạ nguồn. Điều này đã kéo dài trong nhiều ngày. Mọi người cũng quen với việc nhìn thấy những tử thi lềnh bềnh trên dòng nước, cho đến ngày nọ, ai đó có hỏi: “Điều gì đang xảy ra trên thượng nguồn? Tại sao có quá nhiều tử thi nổi lên như vậy?” Câu hỏi đó cuối cùng cũng đánh thức mối quan tâm của nhiều người để tìm kiếm câu giải đáp. Cuối cùng cũng có câu trả lời, để cho đất nước Phi Châu tìm lại sự bình an. Những người ở hạ nguồn sẽ không thể có được bình an nếu họ không biết câu trả lời.

Ngày kia có một sinh viên đến gặp tôi. Hiện nay anh ta vẫn còn ở với tôi. Rõ ràng, anh ta bị hoang mang bởi điều anh ta nhìn thấy hằng ngày. Anh ta để ý đến một gia đình đang sống nhờ những gánh hàng rong dọc theo con đường Dapitan. Anh ta hỏi tôi: “Thưa cha, Đại Học Thánh Tô-ma (UST) đã làm gì cho gia đình đó?” Khó lắm tôi mới trả lời cho anh ta được.

 Cách giải đáp của tôi là bàn luận quanh câu trả lời ấy. Tôi cho anh ta biết về việc công việc mở rộng trường học của chúng tôi ở Tondo, công việc tông đồ của chúng tôi ở Tarlac. Nhưng, tôi cảm thấy rằng tôi không thực sự mang lại câu trả lời thỏa mãn cho câu hỏi xem ra rất cơ bản và quan trọng đó.

Sau đó, tôi đã nhận ra khi trò chuyện với những người có cùng mối quan tâm. Tôi nhắc lại điểm căn bản mà cha Timothy Radcliffe, O.P đã viết trong cuốn sách bán chạy nhất: “Hát lên bài ca mới- Ơn gọi của Kitô hữu”, trong đó có đề cập đến vấn đề giáo dục và thần học: “Khả năng hiểu biết đích thực cần được nối kết cách sâu sắc với lòng trắc ẩn, với những đau buồn của người khác. Điều này được nhìn nhận trong suốt thời gian học thần học, chính thời điểm này mà chúng ta cố gắng để hiểu mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa đối với chúng ta - Đấng đã yêu thế gian đến nỗi đã sai Con Một đến để cứu tất cả chúng ta. Một nền thần học vẫn còn trừu tượng lắm, không đụng chạm gì đến những đau khổ trong một thế giới đầy dẫy bạo lực và nghèo đói, nên nền thần học đó vẫn chưa làm được gì cả. Không thể tách những người nghèo đói ra khỏi một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn.”

Một lần nữa, chúng ta có thể khởi sự công việc đích thực của mình chưa? Đối với tất cả những gì chúng ta đã làm được, chúng ta hãy tạ ơn Chúa. Với những gì chúng ta vẫn còn chưa làm được, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta khám phá ra ai là những người bé nhỏ, kẻ mà Ngài đã rất mực yêu thương. Ngài muốn chúng ta hãy thắc mắc về những con người như thế.

 Những kẻ bé nhỏ đó có thể là những người cứu chúng ta.

27. CHIÊN GIA BY SÓI

Có những người chúng ta chẳng hề muốn nhìn đến. Bề ngoài của họ làm chúng ta thấy không cảm tình chút nào. Những người này ăn mặc nghèo nàn, lôi thôi dơ dáy, lang thang vất vưởng bên lề xã hội. Họ là những người nghèo khổ mà có lần Chúa Giêsu đã nói họ lúc nào cũng ở bên chúng ta. Chẳng phải chính thánh Phanxicô Assisi cũng đã xuất hiện trong diện mạo như thế cách đây 800 năm đó sao? Đâu là sự khác biệt giữa thánh nhân và những người nghèo khổ trong xã hội hôm nay?

Thánh Phanxicô là con trai của một thương gia giàu có ở thành Assisi. Hãy làm moat chuyến đến thị trấn của ngài sẽ thấy được điều đó. Ngôi nhà của song thân thánh Phanxicô vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Nhìn vào ngôi nhà là biết ngay họ rất có thân thế trong xã hội thời bấy giờ. Tuy nhiên, Phanxicô đã quyết định sống khác hẳn với gia đình. Thậm chí thánh nhân đã trao trả lại những quần áo mà mình đang mặc cho thân phụ. Sau đó, Đức Giám Mục đã phải lấy áo choàng của mình mà khoác lên tấm thân trần trụi của thánh nhân. Đúng là một tình cảnh quá bi thảm! Quyết định của thánh Phanxicô được mọi người xem là đúng đắn. Đó không phải là sản phẩm của chủ nghĩa lãng mạn. Đó là một sự lựa chọn nghiêm túc. Sự lựa chọn này được gợi hứng từ lời kêu mời trong Tin Mừng theo thánh Luca (Lc10,1-12) đối với người môn đệ của Chúa: “Đừng mang theo túi tiền, đừng mang theo bao bị và dép”. Thánh Phanxicô đã tuân theo Lời Chúa, và ngài quyết định sống một cuộc đời như thế.

Cách sống đó của thánh Phanxicô đã thu hút được một số anh em tiên khởi. Sau đó, vài anh em trong số đó nghĩ rằng quyết định của thánh nhân như thế thật sai lầm, nên những anh em ấy đã rời bỏ con người hèn mọn này - người mà chỉ thấy lúc nào cũng luôn làm bạn với chim muông, hoa cỏ, mặt trời mặt trăng. Thế mà, thánh Phanxicô vẫn đứng vững. Con chiên này không thấy khó khăn gì khi phải sống giữa những bầy sói và thậm chí lại có thể còn biến đổi những con sói người đó theo lối sống của mình.

Sự khác biệt giữa thánh Phanxicô và những người nghèo ngày nay là cái nhìn và sứ vụ mà thánh Phanxicô đã lãnh nhận. Sống nghèo khó là một cơ hội nên thánh. Những người nghèo ngày nay bị nghèo đói vì những hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát hay mong muốn của họ. Chính những cơ cấu xã hội xem ra rất bất công. Do đó, phần lớn những người nghèo cần phải được giải thoát khỏi những cơ cấu bất công đó.

Những bạn trẻ muốn trở nên người phục vụ Tin Mừng cần phải nghĩ về điều này một cách nghiêm túc và sâu sa. Những thập niên thế kỷ 21 vẫn còn có những người nghèo, trừ khi sự tự nguyện sống đời giản dị bởi những thừa tác viên Tin Mừng. Chúng ta cần suy đi nghĩ lại về cách thức sống với những nhu cầu cơ bản và tối thiểu, để thực thi và áp dụng vào cuộc sống. Bởi vì trong thế giới hiện nay, chúng ta bị chủ nghĩa tiêu thụ khích lệ chúng ta sống với vô số những nhu cầu nảy sinh chứ không phải là những nhu cầu căn bản. Đây là moat thách đố thật sự cho những ai muốn trở thành người phục vụ Lời, phục vụ Chúa Giêsu.

Làm thế nào chúng ta có thể làm gia tăng những người giống như thánh Phanxicô? Chúa nói tiếp: “Anh em là nhng con chiên gia by sói. Điều này đúng là như thế. Tuy nhiên, thế giới này vẫn có một chứng nhân về con chiên với đặc sủng và thậm chí còn mạnh hơn cả bầy sói. Ngài Mahatma Ghandi – Mahatma có nghĩa là linh hồn vĩ đại – ngài đã lật đổ chế độ thống trị của Anh Quốc tại Ấn Độ nhờ việc tự khổ chế bản thân và sự bất bạo động. Điều này được ngài áp dụng để sống với niềm xác tín về mặt chính trị, văn hóa và tôn giáo. Mẹ Têrêsa thành Calcutta cũng là một thánh Phanxicô thời hiện đại. Những nhà lãnh đạo thế giới khâm phục Mẹ. Những nhà hướng dẫn tâm linh cũng là ví dụ điển hình về việc những con chiên đã cảm hóa được bầy sói trong thời đại của họ.

28. THÓI QUEN N LUT

Chúa Giêsu hầu như không thoát khỏi thói quen nệ luật của các Kinh sư và Pharisêu. Điều này cũng đúng với cả thánh Gioan Tẩy Giả. Khi Chúa Giêsu ăn uống với những người tội lỗi thì các Kinh sư và Pharisêu đã lên án chỉ trích Ngài. Thánh Gioan ăn chay trong hoang địa thì họ lại nói ngài bị “quỷ ám”.

Các bạn có kinh nghiệm gì về điều này không? Có thể các bạn không phải là Chúa Giêsu hay thánh Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, chúng ta nên học hỏi Tin Mừng bao nhiêu có thể. Khi các bạn lớn lên, mỗi ngày các bạn sẽ đối diện với các bạn học cùng lớp cùng trường, những thân bằng quyến thuộc và những người mà không cùng quan điểm với bạn vì do bất đồng. Bạn cần mạnh mẽ để đương đầu với thái độ như thế này.

Bạn hãy cố gắng sống khác với những kẻ chống đối với Chúa Giêsu. Thay vì làm làm tăng thái độ hiềm khích vốn muốn chất vấn mọi việc và mọi người, bạn hãy mặc lấy thái độ của Chúa Giêsu, là đừng vội xét đoán. Ngài vẫn để mọi sự xảy ra trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng khi thuận tiện, Ngài làm cho những quan điểm của Ngài được tỏa sáng.

Thái độ tốt nhất cần hướng tới là phải tích cực và trợ giúp mọi người, đặc biệt là với người đang sống quanh bạn. Thay vì bạn dùng tài năng của mình để đối đầu với người khác, thì bạn hãy dùng để bổ xung vào tài năng của người khác. Hãy để người thân cận được lớn lên, vì chính họ cũng để cho bạn lớn lên.

Mỗi ngày các bạn nên cố gắng học hỏi và hiểu sâu sa hơn những người đang sống cạnh bạn. Ai ai cũng đều có một câu chuyện mảnh đời cá nhân. Có những cái ảnh hưởng lên đời họ theo hoàn cảnh khác nhau. Bạn có cha mẹ khác nhau và có nền văn hoá gia đình cũng khác nhau. Không gia đình nào giống gia đình nào cả.

Hôm nay bạn hãy cố gắng quyết định giúp đỡ nhau một cách thật lòng. Hãy chia sẻ khả năng bạn có, hãy trở nên quảng đại, hãy thông cảm hiểu nhau, và hãy múa nhảy theo bài tình ca của Chúa Giêsu. Và bài tình ca Giêsu là gì? Ngài nói với chúng ta rằng Ngài ở giữa chúng ta, khi hai hay ba người họp lại nhân danh Ngài. Ngài dạy chúng ta phải yêu thương nhau. Ngài dạy chúng ta phải thảo kính cha mẹ và những người lớn tuổi. Ngài nói chúng ta hãy mặc áo cho kẻ mình trần, cho người đói ăn, cho người khát uống. Bài tình ca của Ngài cũng là bài tình ca của Chúa Cha. Chúng ta đang múa nhảy không phải với những âm thanh tạo ra từ những đàn sáo, nhưng với nhịp điệu của trái tim và trí lòng của Chúa.

29. ĐỐI DIỆN VỚI CHÂN LÝ VĨ ĐẠI

Cuộc tấn công vào Tòa Tháp Đôi của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York và Lầu Năm Góc ở Washington D.C. sẽ để lại ấn tượng khó phai trong tâm trí của rất nhiều người trên thế giới. Tính đến nay, không ai biết chính xác số người đã tử vong.

Tôi sẽ trình bày một bức tranh khác, nơi đó số các nạn nhân chắc chắn là lớn hơn rất nhiều nếu như chúng ta có thể đếm được. Một kiểu giết người khác: giết người hàng loạt. Số các nạn nhân không phải là hàng nghìn nhưng mà là hàng triệu. Bạn có thể tìm hiểu hình ảnh đó qua Internet. Đó là số các thai nhi bị giết cheat để phục vụ tại các nhà hàng Đài Loan. Những gì được bày biện ra trên bàn ăn, đó là, những thai nhi rất mỏng manh yếu ớt được chuẩn bị, được xẻ ra, được xào nướng và được phục vụ cho nhu cầu ăn uống của con người.

Một thông tin khác đó là bài bình luận trên radio. Bài này cho thấy có biết bao nhiêu người đã thiệt mạng vì Mỹ đã cung cấp súng ống cho các nước trong các cuộc chiến. Hãy nghĩ về việc Mỹ và khối Đồng Minh NATO chế tạo các khẩu súng, mìn, xe tăng, và tên lửa… hiện đại. Họ cung cấp vũ khí cho các cuộc xung đột vũ trang ở tại chính đất nước chúng ta, ở Mindanao.

Ai là tội nhân? Nước Mỹ và những người phá thai hay nhóm người khởi xướng những cuộc tấn công ở New York và Washington D.C.?

Trong tất cả trường hợp trên, câu hỏi cho bản thân chúng ta trước những vấn đề kéo theo cũng như các hậu quả do những hành động của con người, giờ đây đang đe doạ và muốn chấm dứt sự sống con người với bất cứ thời điểm nào và dưới hình thức nào.

Sự thách đố của Tin Mừng ngày hôm nay chính là phải đối diện việc rao giảng Lời Chúa về sự sống vĩnh cửu. Thiên Chúa gửi Con Một Ngài xuống thế gian để con người có được sự sống đời đời.

Giây phút quan trọng khi đối diện với những nạn nhân bị tấn công tại Mỹ đã diễn ra.

Người ta bị buộc phải nhảy ra khỏi những toà nhà đang bốc cháy. Người lính cứu hoả cố gắng dùng những phương tiện tốt nhất để giải cứu nhiều người bao nhiêu có thể. Các nhân chứng được đưa ra khỏi khu thảm kịch. Họ khóc lóc, giận dữ và cuồng nộ. Họ lên án cuộc tấn công. Đã có bao giờ họ thắc mắc, tại sao chuyện này lại xảy ra cho nước Mỹ không?

Từ quan điểm Tin Mừng, đó là giây phút thử thách, giây phút của sự thật. Đó chính là một thử thách cho chúng ta về điều Chúa Giêsu đã nói về sự sống vĩnh cửu có thật hay không. Dĩ nhiên với chúng ta thì không có vấn đề gì cả. Bí tích Thánh Thể mang lại sự sống đời đời. Đối với những người có trách nhiệm về vụ tấn công trực tiếp vào các nạn nhân vô tội ở New York và Washington D.C., và với những ai cung cấp vũ khí cho các nước đang có chiến tranh và với những kẻ đã giết đi những thai nhi vô tội – tất cả đều phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình.

30. TẤT CẢ CHÚNG TA LÀ NHỮNG NGƯỜI HAY CHỈ TRÍCH

Chỉ trích. Đây thực sự là lý do của những người phỉ báng Chúa trong sách Tin Mừng. Những kẻ thù của Đức Giêsu không thể chấp nhận một sự kiện, đó là Ngài ngày càng được ưa chuộng, trong khi các Kinh sư và những người Pharisêu ngày càng trở nên ganh tỵ hơn với con người miền Galilê này. Những kẻ phỉ báng có thể đã nói thầm trong tâm trí: “Người này xuất thân từ Galilê thì có gì hơn chúng ta đâu.”

Cảm giác của Thầy có thể là gì lúc đó? Khó chịu ư? Giận dữ ư? Lúng túng ư? Hay tha thứ? Tất cả đều là phỏng đoán của chúng ta. Nhưng Tin Mừng vẫn diễn tiến, và cho chúng ta biết chiến lược của kẻ bị lên án: Ngài đã chu toàn những gì Luật dạy cho chính bản thân Ngài và cho cả thánh Phêrô nữa.

Tôi đã tiếp xúc với nhiều hạng người, với các sinh viên, giáo sư, giáo dân và những hối nhân, họ thường than phiền chê trách người khác để chạy trốn chính bản thân họ. Họ đổ tội lên người vợ, người cha, người con, người giáo viên đồng nghiệp, hay nhân viên văn phòng. Khi điều này xảy ra, tôi nhớ lại đoạn Tin Mừng này.

Những kẻ chỉ trích. Tất cả chúng ta đều là những kẻ như thế cả. Khi một ai đó thua cuộc trong trận thi đấu, khi một doanh nhân bị phá sản, khi chúng ta thi trượt, hay khi chúng ta thua trong các cuộc tranh luận, chúng ta thường đổ lỗi cho những người khác. Ai ai cũng tìm cớ để cho mình vô tội.

Phương cách cao quý nhất đó là trước tiên hãy suy xét cẩn trọng tình thế của chúng ta trong sự thinh lặng, và trong tinh thần khiêm nhượng chúng ta hãy can đảm nhận lỗi mà chúng ta đã thực sự trót phạm hoặc chúng ta có. Không có gì dễ làm cho bằng đổ lỗi cho người khác. Vì việc ấy sẽ chẳng giải quyết được gì cho vấn đề nếu thực sự có. Chân lý sẽ giải thoát chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta phải rất thận trọng khi đổ lỗi cho người khác.

Chúng ta sẽ làm gì nếu chúng ta là nạn nhân của những người thích chỉ trích kẻ khác? Những người hay chỉ trích thường sẽ khỏi đầu một ngày mới bằng việc kiếm chuyện chỉ vì các việc không xảy ra theo như họ muốn. Thật là đáng sợ khi người vợ, người chồng, con cái, anh chị em, hay một người cấp trên mà chỉ nhìn thấy những mặt xấu xa của cuộc sống ngay trong giờ phút khởi đầu của ngày mới. Chúng ta cần nhận thức điều này nếu sự việc ấy xảy ra trong chính gia đình chúng ta, trong công sở hay cộng đồng của chúng ta.

Tất cả chúng ta hãy cố gắng chế ngự thói thích chỉ trích lên án của mình và đón lấy một tinh thần khẳng khái.

31. RAO GIẢNG NÉT ĐẸP HÔN NHÂN

Khi tôi nhìn quanh, trò chuyện với mọi người ở nơi này nơi khác và sẽ nhận ra ngay những gì đang xảy đến cho các gia đình, tôi nhận thấy rằng chúng ta may mắn dường nào khi được sống trong gia đình của mình. Cha tôi mất vào năm 1977 ở độ tuổi bảy mươi. Mẹ tôi qua đời ở tuổi tám mươi sáu. Nhìn lại cuộc đời của các ngài, tôi nhận ra rằng chính ân sủng đời sống hôn nhân đã làm cho các ngài mạnh mẽ. Nhưng không phải lúc nào cũng êm ả, cuộc sống không phải lúc nào cũng như lòng mình mong đợi khi cả hai đồng tâm nhất trí trong đời hôn nhân. Tuy nhiên, họ đã vượt qua biết bao thăng trầm với nhiều tình thế khó khăn của cuộc sống và đã thành công rực rỡ.

Kinh Thánh cho chúng ta biết chúng ta nên làm gì trong đời sống hôn nhân. Về điều này Chúa Giêsu đã đề cập rất rõ. Ngài đã phác họa rõ nét những ơn gọi khác nhau trong cuộc sống mà con người có thể tự do lựa chọn. Hoặc bạn kết hôn và đặt trọn niềm tin vào người phối ngẫu hoặc bạn sống một cuộc sống độc thân. Cả hai đều là ơn gọi. Điẻm chung giữa hai bậc sống là mỗi người phải tự lựa chọn bậc sống cho riêng mình. Thiên Chúa sẽ bảo vệ và củng cố mỗi cá nhân trong sự lựa chọn của chúng ta.

Tính duy nhất của hôn nhân được chính Chúa Giêsu dạy và được Giáo hội Công giáo gìn giữ có lẽ thực sự là một điều kiện và một giáo huấn khó khăn. Điều này đặc biệt đúng đối với những ai có trái tim cứng cỏi. Chúng ta hãy nghe những người ủng hộ việc ly hôn và những biện pháp khác đã làm tổn hại đến quan điểm hôn nhân của Giáo hội thế nào; hãy xem xét đời sống riêng tư của họ; hãy nhìn vào trải nghiệm gia đình của họ. Thông thường họ hay có thái độ phản kháng lại trước những điều đã kinh qua trong gia đình suốt quãng thời gian ấu thơ cũng như đến đời hôn nhân của họ. Dường như như họ là những người có tiếng nói mạnh mẽ nhất trong gia đình. Việc đấu tranh và phản kháng của họ chỉ là một sự ngụy biện cho tình trạng đời sống thực tế của mình.

Còn chúng ta, hầu hết chúng ta có nhiều kinh nghiệm quý báu trong đời sống gia đình thì thế nào? Đâu là tiếng nói của chúng ta? Chúng ta làm gì? Chúng ta không chỉ có an phận trong sự thinh lặng của mình chứ? Chúng ta có thực sự quan tâm đến đời hôn nhân không? Hay chúng ta chẳng cần lưu tâm? Không nhất thiết chúng ta phải la lớn hết sức và công khai để nói cho mọi người biết vẻ đẹp trong đời sống hôn nhân của cha mẹ chúng ta, của cô chú chúng ta, và của những người hàng xóm chúng ta?

Chúng ta sẽ không bị gục ngã nếu chúng ta ở trong Hội Thánh. Hội Nghị Thế Giới về Đời Sống Gia Đình mới đây đã được tổ chức tại Manila. Trong vai trò là những linh mục, giáo dân, những nhà sư phạm, chồng và vợ, và người con trong gia đình, chúng ta có những hành động cụ thể nào để giúp cho việc công bố vẻ đẹp của đời hôn nhân thánh thiện? Hãy ra đi và nói cho thế giới về vẻ đẹp của hôn nhân mà bạn biết.

32. MỐI PHÚC “MỚI”

Các mối phúc luôn là chủ đề của các bài giảng của những nhà giảng thuyết vĩ đại, trong quá khứ cũng như hiện nay. Lời Chúa theo thánh Luca (6,20-26) gợi lại cho chúng ta bài giảng vĩ đại của Thầy Chí Thánh. Tôi đang suy tư về một phương pháp trình bày mới hầu có sức thu hút và dễ hiểu cho thuộc thế hệ hiện đại hôm nay.

“Phúc cho những người có tinh thần nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của họ.” Nếu triển khai sứ điệp này, thì chúng ta cũng có thể nói: “Phúc cho những người giầu có, khi họ biết chia sẻ những gì họ có cho người nghèo khó ngày hôm nay.” Diễn tả điều này thì không có nghĩa là chúng ta loại trừ bất kỳ một ai. Điều này khẳng định rằng nếu người giầu có học biết cách chia sẻ với người khác, họ thực sự là người nghèo khó về tinh thần.

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.” Điều này chúng ta có thể diễn đạt lại như sau: “Phúc cho những người no lòng nếu họ cũng biết làm thoả cơn đói khát của những người nghèo khổ xung quanh chúng ta. Những người no đủ có sức khoẻ để làm việc nhằm giúp cho người đói được của ăn và người khát được nước.

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.” Ai là những người hạnh phúc? Những người hạnh phúc này không thể mang lại cũng cùng một hạnh phúc như mình cho người khác sao? Làm cho người khác cũng được hạnh phúc là làm việc thiện. Niềm vui chính là quà tặng của Thần Khí. Người hạnh phúc là con người của thần khí, có nghĩa là niềm hạnh phúc trong sáng và chính trực.

“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.” Những ai có cảm nếm về tình yêu thương nơi cha mẹ, nơi anh chị em là những người có khả năng nhất để lan tỏa tình yêu. Hận thù sinh ra hận thù. Nhưng tình yêu thì xác quyết, xây dựng, khích lệ, củng cố và làm những điều không thể thành có thể.

Tôi cho rằng vẫn có lối giải thích theo chiều kích văn hóa về một mô thức các mối phúc. Nhờ việc tái thiết lập nên mô thức các mối phúc, chúng ta sẽ không làm méo mó ý nghĩa đích thực các mối phúc. Việc tái thiết lập ấy làm cho ý nghĩa các mối phúc được nắm bắt dễ dàng hơn. Người giàu có sẽ có khả năng giúp thêm nhiều người hơn; người no đủ có thể cho người đói ăn và cho người khát uống. Người hạnh phúc lại có thể xây dựng hạnh phúc của các gia đình và cộng đồng. Những ai biết yêu thương có thể làm cho thế giới tràn ngập tình yêu mạnh mẽ của Thiên Chúa.

Với sự hiểu biết mới mẻ này về các mối phúc sẽ làm cho các mối phúc có sức hấp dẫn hơn và có thể dễ dàng thực thi.

33. LIỆU RẰNG NHỮNG VIỆC LÀNH CÓ LÀM CHO BẠN NỔI GIẬN?

 Tại sao những người xung quanh Đức Giêsu lại nổi giận với bao việc tốt lành Người đã làm? Đây quả là một câu hỏi khá lạ lùng. Trong Tin Mừng (Lc 6,6–11), Đức Giêsu đã chữa lành người bại tay. Nhưng những người tự cho mình là những người bảo vệ Lề Luật lại trở nên giận dữ trước sự tỏ bày việc tốt lành ấy. Tại sao vậy?

Nếu chúng ta nhìn lại những trải nghiệm của chúng ta trong đời và so sánh chúng với những việc của Đức Giêsu, chúng ta nhận ra có điểm gì đó tương đồng. Chẳng hạn, khi chúng ta làm điều tốt nào đó thì tự nhiên lại thấy một số người nổi giận với chúng ta mà không có bất kỳ lý do nào cả. Trong một tình thế hay những hoàn cảnh tương tự như thế, đâu là nguyên tắc để chúng ta thực hiện?

Trước tiên, chúng ta nên học biết cách để phớt lờ những chỉ trích lên án tiêu cực và sự ganh tỵ của người khác. Thứ đến, chúng ta nên tiếp tục làm việc tốt. Chúng ta không được phép buông bỏ những công việc tốt đẹp giữa chừng chỉ vì những người khác không hạnh phúc vì những việc đó. Chúng ta vẫn nên tiếp tục công việc tốt đẹp của mình miễn là chúng ta không xâm phạm đến những quyền lợi của bất kỳ ai.

Những công việc mà chúng ta thực hiện sẽ có sức mạnh thuyết phục thực sự từ bên trong. Sự thật bao giờ cũng có sức thuyết phục hơn bất kỳ lý thuyết nào của kẻ chỉ trích lên án. Và kết quả cuối cùng, những kẻ thích chỉ trích sẽ rơi vào vực sâu của sự tủi hổ.

Cầu nguyện cho những kẻ lên án chỉ trích chúng ta chính là phương thế hữu hiệu và tốt đẹp để chống lại những người có suy nghĩ tiêu cực. Ngay cả chỉ một cụm từ “Lạy Cha chúng con” cũng sẽ làm cho chúng ta trở nên khác lắm rồi. Chẳng phải chúng ta vẫn luôn hằng cầu xin Cha tha thứ trong lời kinh Lạy Cha đó sao? Theo kinh nghiệm của tôi, cầu nguyện rất có hiệu quả.

Cuối cùng, mọi người sẽ chấp nhận những công việc tốt lành của chúng ta và chấp nhận chúng ta. Tiến trình đi đến sự chấp nhận của họ sẽ sớm xảy ra. Điều đó giống như việc thu hoạch trái cây. Đó sẽ là một mùa gặt bội thu. Thường thì kết quả vượt quá sự mong đợi của chúng ta.

Sau hết, chúng ta nên cầu mong sự tốt lành đến với hết thảy mọi người: những người ủng hộ chúng ta; những người chất vấn chúng ta; và cả những người hủy diệt chúng ta. Lòng nhân hậu chính là vũ khí sắc bén có sức chinh phục ngay cả những kẻ vô tín cứng lòng nhất.

Đừng bao giờ để cho người khác có nguyên cớ khiến chúng ta bị rối trí. Nếu chúng ta gặp phải những người thân cận lắm chuyện ngay cả khi chúng ta đang làm điều tốt, tệ hơn là nếu họ có được lý do thực sự để chỉ trích lên án chúng ta, chúng ta hãy quảng đại và nhân hậu.

Thiên Chúa sẽ thưởng công chúng ta vì sự nhẫn nhục của chúng ta. Điều ngạc nhiên hơn là phần thưởng ấy sẽ ngoài những gì chúng ta có thể tưởng nghĩ đến.

34. KHI KHIÊM TỐN LÀ THỰC SỰ

Khi một người chọn ngồi ở vị trí rốt hết, thì chúng ta có thể nói rằng người đó khiêm tốn. Điều này được Tin Mừng theo thánh Luca (14,1-14) nói rõ. Khi Chúa Giêsu nhìn những Kinh Sư và người Pharisiêu dành lấy những vị trí quan trọng nhất trong bữa tiệc, Người đã không để cho hoàn cảnh này xảy ra mà không đưa ra một bài học hữu ích.

Những gì xảy ra trong thời của Chúa Giêsu thì cũng đúng cho thời đại ngày nay. Nếu sứ điệp của Người vẫn sống động thì chúng ta cũng chẳng có nhiều vấn đề trong Quốc Hội hay Thượng Viện. Chúng ta sẽ ít gặp vấn đề hơn trong các Giáo phận và các Giáo xứ. Xã hội sẽ tốt đẹp hơn.

Khiêm tốn là điều cần thiết để con người đón nhận chân lý. Chỉ khi con người khiêm tốn thì mọi việc mới có thể giải quyết được. Chân lý thì mang tính rất cá nhân. Hãy dành thời gian để quan sát khi anh chị vạch ra cho bạn thấy một khuyết điểm hay một thiếu sót. Thông thường thì phản ứng bạn là gì? Kháng cự! Khi điều này xảy ra, sẽ chẳng giải quyết được gì cả. Bạn sẽ không có cơ hội để tăng trưởng. Sự tăng trưởng chỉ xảy ra khi trước hết bạn dám chấp nhận cách thành tâm những sai lầm của mình.

Ngoài ra, một phản ứng khác nữa là bạn buộc tội các chứng nhân có thiện chí. Có lẽ trường hợp này chúng ta đã nghe quá quen thuộc vẫn trình chiếu trên màn ảnh truyền hình. Có những phản kháng vô cùng mãnh liệt khi người ta phạm những tội ác khủng khiếp. Nhưng bằng chứng cuối cùng là cũng chẳng giải quyết được gì. Hình như mọi luật lệ không có răng thì phải, đặc biệt khi các quan toà và thẩm phán có thể được mua chuộc bởi sức mạnh của hàng triệu đô-la.

Biện pháp hướng tới sự khiêm nhường khỏi tính tự phụ  được trình bày qua dẫn chứng sau: Khi một ai đó biết giữ bình tĩnh và duy trì tinh thần vui tươi cho dù bị thất nghiệp; khi một ai đó chấp nhận hậu quả đau buồn bởi một vụ tai nạn; hay khi một người chấp nhận rút lui một cách độ lượng, vẫn biết rằng một trang sử mới trong cuộc đời mình rồi sẽ đổi thay, nhưng mình sẽ được một sự đền đáp tương xứng. Tất cả những điều này đều có thể xảy ra vì người ấy biết cách xoay sở đời mình.

Câu chuyện của Tin Mừng cần được đọc đi đọc lại nhiều lần, từ đó chúng ta sẽ có được giải pháp cho vô số sự dữ đang không ngừng gây hại cho cả Hội Thánh cũng như cho xã hội.

35. MÔ THỨC ĐỂ TĂNG TRƯỞNG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN

Gần đây, chúng ta nghe nói về rất nhiều về mô thức để suy tính trong cuộc sống. Có những mô thức để: chăm sóc con trẻ, để trở thành một sinh viên giỏi, một công dân tốt, một Kitô hữu ngoan đạo, hay một tu sĩ đạo hạnh.

Tin Mừng Máthêu 19,16-22 cũng nói về một mô thức. Nguồi cội của mô thức này chính là con người Đức Giêsu. Đức Giêsu đã chỉ cho người thanh niên biết làm thế nào để trở nên một người con ngoan của Thiên Chúa. Thật đúng khi liệt kê những yếu tố như:

Ngươi không được giết người.

Ngươi không được ngoại tình.

Ngươi không được trộm cắp.

Ngươi không được làm chứng gian.

Ngươi phải thờ cha kính mẹ.

Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.

Bạn thấy quen thuộc với các yếu tố này không? Chắc chắn là có rồi!

Vào hoàn cảnh đời sống của bạn ngay lúc này đây, bạn cho yếu tố nào là quan trọng, hay bạn phải suy nghĩ tiếp? Có phải làm chứng gian không? Hay thiếu yêu thương đồng loại nào đó chăng? Vậy thì điều gì? Tất nhiên chúng ta chưa thể nói rằng chúng ta là hoàn hảo được. Luôn có chỗ cho sự tăng trưởng. Ai mà dám nói mình hoàn thiện sẽ đứng trước nguy cơ bị giam hãm lại trong đời sống ân sủng.

Chàng thanh niên giàu có, người đã được Chúa Giêsu nói đến, cho Đức Giêsu biết rằng anh ta đã thực hiện tốt các yếu tố trên trong mô thức đã định sẵn. Khi Chúa yêu cầu anh bán tất cả những gì mình có và theo Người, anh trở nên buồn rầu. Đây chính là một mặt của đời anh, ở mặt này anh đang sa lầy và bất phục tùng.

Tôi tự hỏi không biết mình có những gì mà mình vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ không, không phải để bán hay để dính bén vào. Rất quan trọng để trả lời cho câu hỏi này. Có thể, đây cũng là lãnh vực mà bạn đang sa lầy và bất tuân đó. Bạn có sẵn sàng khám phá ra ngóc ngách ấy trong cuộc đời bạn không?

Chúng ta đều có những trải nghiệm rất khác nhau để có thể chia sẻ trong nhà nguyện này: nhiều người có trí tuệ sắc bén, một số thì trông ngớ ngẩn, số khác thì luồn lách lươn lẹo, và số khác thì đầy khôn ngoan vốn đến từ chính cuộc sống bản thân.

Họ có mang lại sự thay đổi bên trong không? Nếu sự thay đổi này diễn ra, thì chúng ta có thể sẵn sàng chờ đón những kết quả tích cực hơn: ít vội xét đoán gay gắt hơn, nhạy bén hơn với những nhu cầu của đồng loại hơn, ngôn từ mang tính giáo dục hơn, phê bình có tính xây dựng hơn, tiếp đãi ân cần như là một nhân vị hơn, biết nuôi dưỡng tài năng của người khác hơn. Nói tóm lại, là trở nên những người con cái Thiên Chúa.

Giờ này chúng ta đang đứng ở đâu? Như một phần trong yếu tố xây dựng cho chứng từ đức tin của chúng ta, chúng ta có thật tâm thực hiện mô thức mà Chúa Giêsu đã đưa ra cho người thanh niên giàu có không?

36. DỤ NGÔN VỀ CÁC DẤU ẤN

Những dấu ấn rõ nhất mà Thiên Chúa đã để lại cho chúng ta là những người đã được Ngài huấn luyện. Có 12 tông đồ, được Thiên Chúa tuyển chọn và đặt tên trong Tin Mừng (Lc 6,13-19). Tuyển chọn sao cho tốt đẹp là việc hết sức hệ trọng. Chúa đã phải cầu nguyện suốt đêm trước khi Ngài tuyển chọn tông đồ.

Từng cá tính của mỗi tông đồ là những bức tranh đẹp của giáo huấn Chúa Giêsu. Họ là các những bản sao của Ngài. Những gì họ dạy sau này dựa trên những gì họ đã nghe được từ Thầy của mình. Những gì họ viết là những gì họ đã nhớ lại sau khi Thầy phục sinh.

Những người đã được Chúa chữa lành cũng có những dấu ấn tốt đẹp về những gì Chúa Giêsu đã làm. Những dấu chứng được thấy trên cơ thể họ. Hãy tưởng tượng rằng trước khi Chúa Giêsu đi vào cuộc đời của họ, họ là những con người tàn tật, đi khập khiễng, những con người với cặp mắt mù lòa, họ là những con người bị quỷ ám.

Nhưng Thiên Chúa đã tỏ long xót thương đối với họ. Những thân thể được chữa lành mang dấu ấn về những phép lạ của Chúa Giêsu. Những cơ thể lành lặn của họ là những dấu chứng thực tế về lòng nhân hậu và khoan dung của Chúa Giêsu.

Tôi thầm hỏi về mỗi người chúng ta: khi lương tâm bất ổn được chữa lành, tâm hồn trĩu nặng được chiếu sáng bằng ân sủng Thánh Thể, và tinh thần chán nản được soi sáng bằng những lời cầu nguyện. Nếu Thiên Chúa làm những điều đó cho chúng ta, thì có dấu ấn nào đọng lại nơi chúng ta không?

Có lẽ đời sống và mẫu gương phục vụ của chúng ta là những tấm gương phản ánh công việc của Thiên Chúa trong chúng ta.

Tối qua, tôi đã nghe câu chuyện về một đôi bạn bị bắt cóc ở tỉnh Palawan. Họ bị nhóm Hồi giáo cực đoan Abu Sayaf bắt dẫn tới đảo Basilan. Họ đã kể lại những thử thách và sự giải thoát của họ. Điều làm tôi có ấn tượng nhất là cách thế mà họ xử sự với những người bắt giữ họ. Đôi bạn rất nhớ và sống với các ưu tiên căn bản trong cuộc đời họ. Thiên Chúa là trung tâm và bất cứ gì xảy đến đi nữa, Ngài đều đóng một vai trò hoạt động trong đó. Họ sống hết mình từ ngày này sang ngày khác. Họ bày tỏ tình yêu và sự cảm thông với những người bắt cóc họ. Lòng trung tín vào Thiên Chúa và lòng trung thành của họ với Đấng là Tình Yêu đã củng cố họ thêm sức mạnh trong lúc gian truân.

Tất cả chúng ta khi thực sự yêu thương người khác sẽ trở thành dấu ấn của Thiên Chúa cho những người thân cận. Chúng ta phải thận trọng trong lời nói, hay cái nhìn mà chúng ta trao ban, những phê bình xét đoán mà chúng ta thực hiện, các công việc chúng ta làm, những việc kinh doanh chúng ta đang giải quyết, những bài học mà chúng ta truyền đạt.

Chúng ta phải để lại các dấu ấn tình yêu ấy của Đấng là Tác Giả của tất cả.

37. THÂN XÁC ĐƯỢC VINH HÓA

Thân xác vinh hóa được chúc phúc, được loan báo bởi thần trí vui mừng phấn khởi trong Thiên Chúa, được giải thoát do lòng khiêm nhượng. Đó là một con người đón nhận lòng xót thương Thiên Chúa, và được ngập tràn bao điều tốt lành. Đây là bài suy niệm của Đức Maria liên quan đến Mẹ đã trở thành gì sau khi Mẹ nhận làm mẹ của Con Thiên Chúa.

Khi bà Elizabeth xưng tụng người em họ Maria với lời “chúc phúc”, Thần Khí đã tuyên bố trên môi miệng người đàn bà cao niên khó mà có thể làm mẹ, bà là người đại diện đầu tiên cho tất cả những ai đón nhận Thánh Ý Thiên Chúa. Cũng thế, không chỉ riêng Mẹ Maria là người được chúc phúc, nhưng mà là tất cả những ai đặt Thánh Ý Thiên Chúa lên trên tất cả mọi sự. Lời kinh ngợi khen Magnificat của Đức Mẹ cũng có thể là lời kinh ngợi khen của bạn và của tôi.

Thần trí vui mừng của Đức Maria là kết quả cứu thoát từ lòng khiêm nhượng. Một người phụ nữ, một người hèn mọn xuất thân từ Nazareth, chẳng có công chi xứng đáng nhưng đã được Thiên Chúa giải thoát do lòng khiêm nhường và từ sức mạnh của những con người vĩ đại trên thế giới. Vì thế, Mẹ được tặng ban thần trí vui mừng khiến Mẹ cất lời ngợi khen Thiên Chúa. Trong Mẹ, Thiên Chúa cũng phấn khởi vui mừng. Người khiêm nhượng là sự vinh quang của Đấng Thánh.

Lòng xót thương của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi người mà Thiên Chúa thấy là xứng đáng và được sống trong cung lòng của Mẹ, mà cả thế giới cũng không thể chứa nổi người ấy như Mẹ. Người Con của Sự Sống, Người là chính Sự sống, Người mà tìm thấy được hơi thở nhân loại của mình trong buồng phổi của một thụ tạo. Lòng xót thương và chỉ có lòng xót thương mới là lời giải thích có giá trị về sự tuyển chọn của Thần Linh được thực hiện nơi Đức Maria. Lòng xót thương Thiên Chúa không chỉ được tỏ lộ trên Mẹ nhưng còn trên bất cứ ai, bạn và tôi, những người xưng thú sự hèn mọn phận người. Trong sự mọn hèn của chúng ta, và cho dù trong yếu đuối và tội lỗi, Thiên Chúa vẫn không ngừng bày tỏ lòng thương xót thánh thiêng của Người cho chúng ta.

Mẹ Maria được tràn đầy phúc lành. Vì thế từ nơi cung lòng Mẹ là mạch suối tuôn đổ mọi phúc lành. Nhưng không chỉ Mẹ là người được hưởng đặc ân để ngập tràn mọi điều tốt lành. Khi Mẹ chuyển cầu cho chúng ta, cũng như khi tất cả chúng ta kêu xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta, là những người tội lỗi, trái tim rất thánh của Con Mẹ quả thật không thể cưỡng lại lời khẩn cầu của người Mẹ nhân loại, đấng luôn mãi dịu hiền. Dưới chân thánh giá trên đồi Calvary, Mẹ Maria đã đón nhận ân sủng làm thân mẫu. Mẹ đã được con Mẹ trao phó để chăm sóc thánh Gioan, ngài cũng là đại diện cho mỗi người chúng ta lúc bấy giờ và tại đó.

38. CƠ HI ĐƯỢC TH THA DÀNH

CHO MI NGƯỜI

Câu tục ngữ Tagalog nói rằng:

Magsisi ka man sa huli

Walang mangyayari

Trong vùng Bikol, phía nam của Phi-líp-pin, câu ấy được dịch là:

Magbasol ka man sa huli

Mayo na nin mangyayari

Tại tỉnh Maguindanal, khu tự trị của Hồi giáo, câu đó được dịch là:

O sindet ka ma sa mauli na,

Dala bon maghalula ning ka.

Tất cả được dịch sang tiếng Anh là: “Cho dù bạn có hối hận, nếu quá muộn màng, bạn vẫn chẳng được gì”.

Câu tục ngữ này dường như muốn truyền đạt một lối sống bi quan mang tính văn hóa. Thống hối hay pagsisisi có thời gian nhất định của nó. Ngoài quãng thời gian này, sự thống không còn ích gì nữa.

Câu tục ngữ này có chỗ đứng như thế nào trước Tin Mừng về sự thống hối? Có cách nào để thanh tẩy và sửa lại câu tục ngữ dân gian này không?

Thông điệp chính của Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 21 tập trung vào tính khả khể mà những kẻ tội lỗi có thể “bước vào Vương Quốc Thiên Chúa” vì họ có thể thống hối ăn năn. Đó là những cô gái điếm và những người thu thuế, những người bị gạt ra bên lề xã hội Do Thái giáo bấy giờ. Qua tinh thần thống hối, họ được nên công chính và được bảo vệ trước mặt Thiên Chúa giàu lòng thứ tha.

Quả là nghịch lý khi nhận thấy rằng Chúa Giêsu  bày tỏ ý định này cho các Thượng Tế và Kỳ Mục trong cộng đồng Do Thái giáo. Ngài cho họ biết những gì sẽ theo họ vào vương quốc không phải là địa vị của họ trong cộng đồng nhưng là sự sẵn sàng thực thi Thánh Ý Cha trên trời. Các Thượng Tế và Kỳ Mục, những kẻ đã không sống theo Thánh Ý Cha, sẽ ở xa vương quốc Ngài. Mặt khác, những người tội lỗi như các cô gái điếm và các người thu thuế biết thống hối ăn năn sẽ được xem là công chính trước mặt Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã giải thích thái độ lạc quan trong Kinh Thánh xuyên suốt sách các ngôn sứ. Những ai biết thay đổi tâm hồn mình sẽ luôn được Chúa đón nhận. Đức Chúa, theo giáo huấn trung thành của các ngôn sứ, luôn chờ đón sự trở lại của con người. Nhưng dù Ngài phẫn nộ, Ngài vẫn kiếm tìm và vẫn đợi chờ tâm hồn không thống hối ăn năn.

Cơ hội để được Chúa thứ tha dường như là điều lợi ích cho tất cả mọi người. Mosê đã được thứ tha. David đã được thứ tha. Phêrô cũng đã được thứ tha. Mỗi người, một lúc nào đó trong cuộc đời, từng làm tổn thương đến Thiên Chúa nhưng họ biết cách trở về với Thiên Chúa, họ cũng sẽ được thứ tha.

Quả thực, mỗi người đều có cơ hội trở về với Thiên Chúa. Những cô gái điếm, những kẻ trộm cắp, những người thu thuế, tất cả đã được Chúa Giêsu chào đón. Cho đến ngày nay, điều này vẫn đúng như nó vẫn từng đúng.

Bất cứ lúc nào cũng là thời điểm tốt để con người nói lời thống hối ăn năn về lỗi lầm đã phạm. Thống hối có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Đừng ai trở nên chậm trễ trong việc xin ơn tha thứ của Cha. Cho dù ai đó đã không xin điều này suốt hai mươi năm, hay mười năm, hay chỉ một năm, hay một tháng, hay mới hôm qua, thì hôm nay, người ấy vẫn có thể xin ơn tha thứ.

Câu tục ngữ trên giới hạn sự thống hối (pagsisisi hay magbasol) trước thời gian định sẵn nào đó thì hình như trở nên vô ích khi rao giảng về một tình yêu vô biên của Chúa Cha. Hãy đặt mình trước Tin Mừng, thì sẽ thấy câu tục ngữ dân gian trên có nhiều khiếm khuyết.

Nhiều người trong chúng ta, nếu không muốn nói là tất cả, đang trung thành với Giáo Hội, đều có kinh nghiệm riêng của bản thân về ơn tha thứ của Cha. Đó là một kinh nghiệm vui mừng phấn khởi. Đó là một tình trạng cảm nếm sâu sa lòng thương xót của Thiên Chúa. Và chúng ta có thể nói với tất cả thế giới rằng cơ hội để được tha thứ đều dành cho hết thảy mọi người không trừ một ai.

39. THNG HI VÀ SA ĐI

Có một câu chuyện về một linh mục nọ đang hấp hối vì nhồi máu cơ tim đang thuật lại sự lên án và vu khống chống lại ngài. Đó là chị giáo dân, một trong những kẻ chủ mưu xúc phạm đến ngài, đến và xin sự tha thứ từ vị linh mục này mà sắp qua đời: “Thưa cha, con rất hối hận về nhiều tội như dèm pha, làm giảm uy tín và vu khống mà con đã gay ra chống lại cha. Nếu có bất cứ điều gì con có thể làm được, hãy nói cho con biết, con sẽ rất vui lòng thực hiện nó”.

Linh mục sắp qua đời này kéo chiếc gối đang kê dưới đầu yếu ớt, đưa cho chị ta và nói: Con hãy leo lên tháp nhà thờ và thả tất cả các lông trong chiếc gối này ra.”

Để làm vui lòng vị linh mục đạo hạnh, người phụ nữ bèn ra đi và thực hiện những gì vị linh mục đó yêu cầu. Tất cả sợi lông chim trong chiếc gối bị gió cuốn bay đi tứ tung khắp hướng. Cô ta quay trở lại để cam đoan với ngài rằng cô đã thực hiện xong những điều ngài yêu cầu.

Vị linh mục bèn nói, “Vậy bây giờ, con hãy đi ra và thu gom lại tất cả mọi lông chim đó và đem nhét chúng vào lại chiếc bao gối.”

“Không thể được, thưa cha!” Người phụ nữ thốt lên. Gió đã thổi tung tóe các lông chim đó đi xa. (Bruno Hagspiel)

“Hãy ăn năn, vì Nước Trời đã gần đến.” Đây là bài học chính trong Tin Mừng Mát-thêu 3,1-12. Tuy nhiên, mỗi hành vi thống hối đều gắn vào một khách thể nào đó của nó bởi vì ăn năn không thể chỉ là lý thuyết suông. Giờ đây, khách thể của hành vi thống hối phụ thuộc vào loại hành vi phi luân đã gây ra.

Như trường hợp trong câu truyện trên, thì khách thể của sự thống hối phải có là phục hồi lại thanh danh cho vị linh mục mà chính người phụ nữ đã sát hại bằng lời nói hành vi chống lại ngài.

Khi chúng ta suy gẫm về việc thống hối, chúng ta phải nhìn nhận những thiếu sót cụ thể của chúng ta. Mỗi thiếu sót cần phải có một hành động cụ thể nhằm sửa chữa.

Cuộc sống sẽ không có hạnh phúc nếu chúng ta không chịu sửa đổi lỗi lầm như đòi hỏi. Hủy hoại thanh danh của bạn bè thì sẽ cần nói lời xin lỗi. Trộm cắp thì phải hoàn trả. Hiếp dâm thì phải ở tù. Sùng bái tà thần thì phải xưng tội với Thiên Chúa là Đấng chân thật.

Điều cần thiết đối với mỗi người trong chúng ta là luôn luôn kiếm tìm cõi long sâu thẳm của mình trước khi chúng ta có thể xác định rõ mà chúng ta cần sửa đổi điều gì. Tuy thế, bất kể bao lâu đi chăng nữa, chúng ta hãy tìm kiếm tận sâu trong tâm khảm mình sẽ luôn luôn có một góc nhỏ mà chúng ta không thể chạm đến được.

Hơn thế nữa, cần phải có nhiều nghị lực để nhận ra hành động cụ thể để thực thi. Bất kỳ hành động nào chúng ta làm để sửa chữa lại, thì hành động ấy phải tương xứng với điều mình đã gây ra.

Trong câu chuyện trên, người phụ nữ không thể thu gom được hết những lông chim trong chiếc gối. Điều này tượng trưng cho việc không thể nào hoàn trả lại và đền bù hết những hậu quả mà tai hại đã gây ra.

Do đó, điều này sẽ khiến cho chúng ta phải quỳ xuống trong tinh thần thống hối, nài xin lòng thương xót Chúa. Khi con người không thể thỏa mãn trọn vẹn điều gì đó thì ân sủng tuôn chảy từ lòng thương xót Chúa sẽ bù lấp cho những gì còn thiếu vắng.

40. “THIÊN CHÚA GN CHÚNG TA,

NGÀI VI CHÚNG TA”

Hình như Thiên Chúa ở xa chúng ta thì phải. Tại sao vậy? Bởi vì có nhiều người vẫn nghèo đói, nhiều người vẫn còn bệnh tật và nhiều người sống nhưng không có sự bình an.

Nhiều người vẫn đau bệnh, trẻ cũng như già. Cứ thử đến viếng thăm một bệnh viện nhi đồng hoặc một khoa nhi nào đó. Những đứa trẻ được sinh ra với nhiều loại căn bệnh khác nhau, chủ yếu bởi vì mẹ các bé sử dụng ma túy, rượu hay bị nhiễm HIV. Những vị lớn tuổi thì bị bệnh tiểu đường, viêm khớp, các loại dị ứng và ung thư.

Nhiều người sống mà không có thức ăn. Vô số những bức tranh nghèo đói khủng khiếp được phác hoạ lên là những khuôn mặt của hàng tỷ người ở Châu Phi, Châu Á, Trung Quốc và Manila. Bảy mươi phần trăm dân số trên thế giới là những người nghèo.

Nhiều quốc gia không có hòa bình. Nhiều cuộc chiến ở đang xảy ra Châu Âu, chẳng như ở Bosnia, Georgia và Chechyna. Tiếp đến là những xung đột ở vài quốc gia thuộc Châu Phi, đặc biệt là Somalia và Ethiopia. Châu Á, Ấn Độ và Pakistan đang xung khắc với nhau ở vùng đất Kashmir, thuộc Trung Á. Tại đất nước chúng ta, đa phần của vùng Mindanao là những khu chiến trường.

Thiên Chúa đã mạc khải chính Ngài cho tất cả các dân tộc. Đó là lý do tại sao chúng ta nói rằng Thiên Chúa gần gũi với chúng ta. Thiên Chúa không chỉ mạc khải chính Ngài cho dân Israel hoặc cho các Kitô hữu mà thôi nhưng còn cho tất cả mọi dân. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người, như ngôn sứ I-sai-a nói: “Mọi người trên khắp cùng cõi đất sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.” (Is52,10)

Thiên Chúa đang trò chuyện với chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta nói rằng Thiên Chúa ở gần với chúng ta. Thánh Cả Giuse và Mẹ Maria là những chứng nhân về điều này. Các mục đồng và người dân làng Nazareth cũng là những nhân chứng (Lc2,15-17). Hơn thế nữa, thánh Phêrô, Giacôbê, Gioan, và những tông đồ khác đã chứng kiến những công việc của Chúa Giêsu làm. Đám đông đã được nuôi ăn no thỏa và được nghe giảng dạy. Nhiều người được chữa lành bệnh. Họ chẳng làm gì hơn là trở nên những nhân chứng cho mọi người.

Thiên Chúa cư ngụ giữa chúng ta. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa ở gần chúng ta. Cách thức cư ngụ của Thiên Chúa gồm hai phần. Trước tiên Thiên Chúa cự ngụ trong dân Israel. Thứ hai Thiên Chúa cư ngụ trong chính thâm tâm thẳm sâu của con người. Tất cả con người đều có khả năng đón mời Thiên Chúa vào trong tâm hồn của mình.

Thiên Chúa không ở xa chúng ta nữa. Sứ mạng của các tín hữu Kitô giáo đơn giản hơn những gì mà chúng ta thường nghe từ các nhà giảng thuyết. Chúng ta đừng làm cho sứ mạng của chúng ta ra phức tạp. Chẳng hạn, đơn giản chúng ta chỉ cần nói cho mọi dân tộc biết rằng, Thiên Chúa luôn luôn ở gần.

Thiên Chúa hiện diện ngay trong bệnh tật, trong sự đói nghèo, và cả trong chiến tranh, nhưng vì do bệnh tật, nghèo đói và chiến tranh là những tình thế khiến cho con người dễ dàng nhận biết Thiên Chúa vẫn tồn tại. (Câu hỏi của chủ bút: Tính từ “dễ dàng” được sử dụng ở đây liệu có đúng không?)

Sứ mạng của chúng ta là tuyên bố cho các dân tộc biết rằng Thiên Chúa đang ở gần. Quả thực là rất gần! Chúng ta nói cho mọi người biết rằng ngôi nhà của Thiên Chúa là chính trong tâm hồn con người. Hồi Giáo, Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Do Thái Giáo và nhiều đạo khác sẽ không gặp khó khăn để hiểu điều này. Thông thường những ai cho rằng có Thiên Chúa, thì đều biết Thiên Chúa chẳng ở xa đâu. Ngài chính là Đấng cư ngụ ngay trong tâm hồn của mỗi người.

Các bài viết gần đây

Chúa Nhật Thứ III Mùa Chay Năm B

Với bất kỳ tôn giáo nào, Đền Thờ chính là nơi trang trọng nhất để con người gặp gỡ vị thần linh của mình tin cậy. Và vì thế, Đền Thờ phải nói là nơi được xây cất không chỉ kỹ lưỡng mà còn phải trang trí, tô vẽ cho thật đẹp và dùng những […]

Xem Thêm
Chúa Nhật IV Phục Sinh B

Mục tử như Chúa Kết quả hình ảnh cho chúa chiên lành Tu viện nổi tiếng nhất nọ cứ một lần trong năm mở cửa thâu nhận duy nhất 1 thỉnh sinh. Viện Phụ đích thân phỏng vấn các ứng sinh chỉ hỏi một câu duy nhất. Nhưng trớ trêu thay, không ai biết được […]

Xem Thêm
Chúa Nhật III Phục Sinh

Anh em là chứng nhân. (Trích trong ‘Manna’) Suy Niệm Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con. Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma. Có lần Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ, nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma. Khi Đức Giêsu phục sinh […]

Xem Thêm
Thánh lễ trực tuyến
Quý cộng đoàn có thể theo dõi các Thánh Lễ trực tuyến của giáo xứ bằng cách nhấp chuột vào đường dẫn dưới đây.
Tham Dự Thánh Lễ
linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram