Chúa Nhật Đại Lễ Giáng Sinh Năm A

LỄ ĐÊM

(Lc 2,1-14)

  Đêm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội mừng Chúa giáng sinh. Chúng ta có lý do để vui mừng vì Thiên Chúa đã đến với chúng ta trong trần gian khốn khổ này: Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Đây là một biến cố duy nhất trong trời đất và cũng là một mầu nhiệm trung tâm của mọi mầu nhiệm. Đây là mầu nhiệm của tình yêu. Chúa Cha đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình cho thế gian. Chúa Con vì thương thế gian nên đã trút bỏ mọi vinh quang, mang lấy thân phận con người, sống như người trần thế. Chúa Giêsu đã trở thành Emmanuen, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Đây là một ân huệ lớn lao cho thế gian. Chúng ta sẽ đón nhận hồng ân này với tâm hồn như thế nào?

Hãy tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc. Hãy đón nhận tình yêu Chúa qua Người Con Một với tất cả lòng thành, với tất cả tình yêu.

Một biến cố vĩ đại như thế mà thánh Luca chỉ tường thuật sơ sài, ngắn gọn không đầy một trang giấy! Hay ngài để cho chúng ta tự tìm hiểu hơn là chính ngài phải diễn tả một cách tỉ mỉ hơn? Ngài chỉ nói: “Vì không tìm được chỗ trong nhà trọ”. Ngài không nói đến những nỗi nhọc nhằn của Maria khi đi từ Nadaret đến Bêlem, cũng không nói đến những khổ cực của Maria khi phải sinh con một mình nơi hang đá, trong đêm lạnh giá, thiếu thốn mọi sự.

Đêm nay, chúng ta chỉ vui mừng đón nhận tin vui Thiên Chúa ra đời. Chúng ta đâu biết rằng niềm vui của chúng ta là kết quả của những đau khổ vô kể của Mẹ Maria và thánh Giuse và những nỗi thống khổ của Chúa Giêsu khi ra đời. Các anh mục đồng có lẽ đã chứng kiến rõ hơn chúng ta về sự nghèo nàn tột độ của Thiên Chúa khi giáng trần tìm đến chúng ta. Đừng để cho những ánh đèn lộng lẫy xoá mờ những thực tế mà chúng ta đang tưởng niệm, nhưng hãy thành thực trở về với Maria và Chúa Giêsu mới sinh. Đứng trước máng cỏ rực rỡ ánh đèn, chúng ta hãy tưởng nhớ đến cảnh Chúa giáng sinh.

Maria gần ngày. Giuse biết điều đó và có lẽ đã lo lắng nhiều, nhưng không thể trì hoãn. Chàng đặt Maria lên lưng lừa và dắt lừa đi. Đường dài hơn một trăm cây số xuyên qua núi đồi hiểm trở, hai người đã đến Bêlem. Cám ơn Chúa vì cuộc hành trình đã chấm dứt và mọi sự đều bình an. Chắc chắn hành trình dài đã làm cả hai người thấm mệt, giờ đây phải tìm một nơi để nghỉ ngơi và chuẩn bị đi khai số. Bêlem là nơi chôn nhao cắt rốn của Giuse. Gần như cả làng đều là bà con với nhau. Nhưng không ai chấp nhận tiếp đón đôi vợ chồng nghèo khó và người vợ gần ngày này. Thánh sử chỉ tóm gọn một câu : họ không tìm được chỗ trong nhà trọ.

Trời lạnh như cắt, Giuse bắt đầu lo lắng không biết phải làm sao. Ông biết Maria cũng mệt nhoài vì đường xa. Nhưng làm gì đây? Giuse phải tìm một chỗ cho Maria nghỉ ngơi. Túng thế, Giuse đã chọn giải pháp cuối cùng, đưa Maria ra một hang đá, nơi khi xưa ông thường lui tới khi chăn chiên. Chúng ta có thể tưởng tượng hoàn cảnh nào bi đát hơn?

Nhưng đêm nay, Chúa ra đời. Maria làm sao biết được chính xác lúc nào là  sinh con? Sinh con trong một đêm lạnh giá, giữa cách đồng mênh mông. Chúng ta làm sao hiểu được nỗi thống khổ của Maria lúc bấy giờ? Không ai trợ giúp, không một ánh đèn. Maria đâu thể nào sinh con trong hang đá được? Nàng phải ra ngoài tìm một nơi thuận tiện để sinh con, một mình. Sinh con xong, nàng đem con vào hang đá và Giuse lót cho hài nhi một máng cỏ. Hãy nhìn thật kỹ hoàn cảnh thống khổ của em bé. Đó là Thiên Chúa, Đấng tạo thành mọi vật, giờ đây chỉ có tấm tả làm áo che thân.

Cảm tạ Chúa vì đã chịu đựng mọi khốn khổ vì chúng ta.

Nhưng mọi sự đã đổi mới. Thiên thần hiện ra cho các mục đồng gần đấy và báo tin vui cho họ: Một tin vui trong đại và cũng là niềm vui cho muôn dân: “Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em, trong thành vua Đavít. Người là ĐấngKitô, là Đức Chúa”.

Niềm vui lớn cho chúng ta! Niềm vui được trả giá bằng sự khốn khổ tột cùng của Con Thiên Chúa. Nhưng vẫn là một niềm vui lớn. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Người Con Một. Hồng ân trên hết mọi hồng ân. Chúng ta hãy cùng ca lên với thiên thần : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Hãy tiếp đón hồng ân với tất cả lòng biết ơn. Hãy đáp lại bằng yêu thương tình yêu của Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình cho thế gian.  Chúa đã yêu thương chúng ta đến tột cùng, chúng ta hãy đáp lại bằng một cuộc sống đầy yêu thương. “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Con người hôm nay đang xâu xé nhau, đang giết nhau không thương tiếc. Chúa giáng sinh là một lời chúc bình an của thiên đàng. Hãy làm cho lời chúc bình an này thành hiện thực trong cuộc sống hôm nay.

Chúa đến trong máng cỏ khi xưa, hôm nay Chúa đến trong tấm bánh Tình Yêu. Hãy đến với Hài Nhi nhưng cũng hãy đem Hài Nhi đó vào cuộc sống chúng ta bằng cách ăn lấy Ngài để yêu thương được trọn vẹn.

Lm Trầm Phúc
Nguồn: http://giaophanmytho.net/suy-niem-giang-le/bai-giang-le-chua-giang-sinh---giao-phan-my-tho-37158.html


LỄ BAN NGÀY

(Ga 1,1-5.9-14)

Lễ Chúa giáng sinh là một biến cố độc nhất đối với người tín hữu. Hơn hai ngàn năm rồi, Chúa vẫn đến và mỗi năm là một dịp để chúng ta vui mừng nhắc lại biến cố quan trọng này. Chúa đến trong thời gian, nhưng Ngài không lệ thuộc vào thời gian. Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Ngài là khởi đầu của mọi sự. Thời gian là do Ngài tạo nên. Vũ trụ là sản phẩm tay Ngài. Chúng ta cũng là một tác phẩm của Ngài. Tóm lại Ngài là Thiên Chúa.

Lúc khởi đầu. Thánh Gioan nhắc đến những lời đầu tiên của sách Sáng Thế. Ngôi Lời đã có từ thuở đời đời, khi vũ trụ chưa được dựng nên. Ngài được gọi là Ngôi Lời vì Ngài là lời nói cuối cùng của Thiên Chúa với con người : “ Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”. Thánh Gioan cũng nói : “Thiên Chúa đã yêu trần gian đến nỗi ban Con Một mình cho trần gian”. Chúng ta đang đón mừng hồng ân vô giá đó, hồng ân của tình yêu đó.

Hãy mau đến hang đá Bêlem để nhìn thấy tình yêu Chúa thể hiện qua một em bé sơ sinh, nghèo khó, nằm trong máng rơm. Đó là Tình Yêu nguyên chất đã được thể hiện. Và em bé nghèo nàn đó lại là Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngài là ánh sáng và là sự sống cho chúng ta.  Chúng ta nghĩ thế nào khi không có ánh sáng? Nếu chúng ta sống triền miên trong tăm tối, chúng ta nghĩ như thế nào? Thiên Chúa đã thương ban cho chúng ta Ngôi Lời là Ánh Sáng. Hãy cảm tạ Chúa vì tình yêu vô bờ của Ngài. Hãy tiếp nhận ánh sáng như trái đất tiếp nhận ánh sáng mặt trời. Hãy sẵn sàng luôn để đón nhận, một đón nhận vô điều kiện, với một tâm hồn ngây thơ đơn thật.

“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”. Chúng ta có rộn vui khi biết Chúa đến viếng thăm chúng ta không? Chúng ta có vui mừng đón tiếp Ngài với cả tình yêu của chúng ta không? Coi chừng những ánh đèn chúng ta thắp lên làm cho chúng ta quên đi sự tăm tối của tâm hồn và quên rằng chúng ta cần ánh sáng, ánh sáng thật của Ngôi Lời Thiên Chúa, quên rằng chúng ta đang cần sự sống, sự sống thật. Ánh mặt trời mà chúng ta đang hưởng mỗi ngày có là gi so sánh với ánh sáng của Ngôi Lời hằng sống, đầy tràn ân sủng và sự thật mang lại cho chúng ta? Sự sống mà chúng ta đang lãnh nhận có là gì khi sánh với sự sống mà Ngôi Lời mang lại cho chúng ta qua em bé nghèo nàn ở Bêlem? Sự sống đó làm cho chúng ta thành con Thiên Chúa khi chúng ta đón nhận Ngôi Lời. Nhờ đó, chúng ta lãnh nhận ơn này đến ơn khác, từ sự sung mãn của Ngài. Lãnh nhận ánh sáng và sự sống từ Ngôi Lời Thiên Chúa, chúng ta làm gì với những hồng ân tuyệt hảo ấy?

Chúng ta đã được Chúa thương cho chúng ta thành con Chúa, một hồng ân mà chúng ta không có công trạng gì, chúng ta hãy làm như Chúa Giêsu đã dạy: hãy cầu xin cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến. Hãy trở thành những Gioan Tẩy Giả, loan báo và làm chứng cho Ngài. Như Gioan, chúng ta không là ánh sáng, nhưng chúng ta là chứng nhân của ánh sáng, hãy phản chiếu nguồn ánh sáng sự sống cho mọi người quanh ta bằng tình yêu mà chúng ta có thể múc lấy nơi nguồi sung mãn của Ngôi Lời. Đó là cách chúng ta tạ ơn Chúa vì tình thương bao la của Ngài đối với chúng ta.

Hơn thế nữa, chúng ta được quyền ăn lấy Chúa. Một hồng ân trên hết mọi hồng ân, nhờ đó chúng ta cùng sống với Chúa. Thiên Chúa đã trở nên xác phàm trong mỗi người chúng ta, biến chúng ta thành những con người mới, những người con Thiên Chúa. Với Chúa Giêsu, chúng ta có thể mạnh dạn loan báo tình yêu Chúa trên khắp mọi nẻo đường chúng ta đi.

Lm Trầm Phúc
Nguồn: http://giaophanmytho.net/suy-niem-giang-le/bai-giang-le-chua-giang-sinh---giao-phan-my-tho-37158.html

Các bài viết gần đây

Chúa Nhật Thứ III Mùa Chay Năm B

Với bất kỳ tôn giáo nào, Đền Thờ chính là nơi trang trọng nhất để con người gặp gỡ vị thần linh của mình tin cậy. Và vì thế, Đền Thờ phải nói là nơi được xây cất không chỉ kỹ lưỡng mà còn phải trang trí, tô vẽ cho thật đẹp và dùng những […]

Xem Thêm
Chúa Nhật III Phục Sinh

Anh em là chứng nhân. (Trích trong ‘Manna’) Suy Niệm Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con. Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma. Có lần Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ, nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma. Khi Đức Giêsu phục sinh […]

Xem Thêm
Chúa Nhật II Phục Sinh

HÃY NĂNG CHẠM VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA Chúa Nhật II Phục sinh trước đây được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, nay được gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Hai cách gọi nhưng vẫn là một, không hề đối nghịch. Vả lại, đó cũng chính là ước muốn của Chúa Giêsu […]

Xem Thêm
Thánh lễ trực tuyến
Quý cộng đoàn có thể theo dõi các Thánh Lễ trực tuyến của giáo xứ bằng cách nhấp chuột vào đường dẫn dưới đây.
Tham Dự Thánh Lễ
linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram