Chúa Nhật II Phục Sinh Năm B

Chiều ngày thứ nhất trong tuần. Sáng ngày thứ nhất trong tuần, các môn đệ khám phá chiếc mộ của Chúa Giêsu trống. Ngài không để họ chờ lâu. Chiều Ngài hiện đến với họ khi họ họp nhau ở nhà Tiệc Ly. Họ đang sợ người Do Thái. Tại sao họ lại sợ? Vì không có Thầy. Họ như rắn mất đầu, như những trẻ mồ côi, co rúm lại với nhau. Sự hiện diện của Thầy, suốt bao nhiêu năm đã là một sự an toàn đối với họ. Nhưng giờ đây Thầy đã chết rồi, chết một cách đau đớn và nhục nhã. Sáng nay, mấy bà trong nhóm họ đã gây náo loạn khi báo tin, xác Thầy đã biến mất khỏi mộ. Phêrô và Gioan đã đến mộ và mới bắt đầu tin, nhưng vẫn còn chưa dám chắc.

Họ sợ người Do Thái. Họ đã giết Thầy rồi, họ sẽ để yên cho các môn đệ của Ngài không? Họ sợ là phải, nhưng còn chúng ta, chúng ta có sợ không? Chúng ta đang lo sợ vì chúng ta đang sống trong một thế giới đang run sợ. Thế chiến thứ ba có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Các dân tộc luôn chuẩn bị cho chiến tranh. Chúng ta lo sợ cho gia đình, cho việc làm ăn, sợ bệnh tật, sợ thất bại, đủ các thứ sợ hãi. Vì không có Thầy ở giữa họ. Thế giới hôm nay bài trừ Thiên Chúa, vì thế họ chỉ nghĩ đến việc chém giết nhau mà thôi.

Biết các môn đệ đang sống trong lo âu, vì thế, ngay chiều hôm ấy, Chúa hiện ra với họ. Các cửa nhà đều đóng kín, nhưng Ngài đứng giữa họ và chúc bình an cho họ. Điều họ đang cần.

Các cửa đều đóng kín, sao Ngài lại có thể đứng giữa họ? Chúa Giêsu, khi sống lại, không còn lệ thuộc vào vật chất nữa. Ngài vẫn mang lấy thân xác nhưng nó đã được biến đổi một cách kỳ diệu. Ngài đứng giữa họ và nói: “Bình an cho anh em”. Nói xong Ngài cho các ông xem tay cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được xem thấy Chúa. Chúng ta nghĩ các môn đệ vui mừng như thế nào? Tất cả mọi lo âu buồn nản, trong giây phút đều tan biến.

Có Thầy. Mọi sự đều như tươi nở. Hôm nay cũng thế. Cuộc sống của chúng ta không có Thầy, sẽ u buồn, nặng nề, tăm tối. Nhưng khi có Thầy sẽ tươi sáng vui mừng. Có Thầy, chúng ta dám đương đầu với mọi khó khăn, có Thầy chúng ta không sợ tai nạn hay thất bại. Chúng ta vững tin.

Nhưng có một người trong các ông vắng mặt, đó là ông Tôma gọi là Điđymô. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Ông không tin và đòi phải được sờ vào các vết thương của Thầy thì mới tin. Phản ứng của Tôma cũng dễ hiểu thôi vì ai có thể tin vào một người chết sống lại?

Tôma khẳng định lập trường của mình là không thể tin vào lời của các môn đệ. Và nếu Chúa không hiện ra một lần nữa và bảo ông sờ vào vết thương của Ngài thì sao? Nhưng Chúa vẫn thương xót Tôma, không nỡ để cho ông nằm mãi trong sự ngờ vực của mình, và Chúa cũng muốn dùng sự cứng tin của Tôma để cho chúng ta một bằng chứng rõ rệt hơn về sự phục sinh của Ngài.

Tám ngày sau Chúa hiện ra như lần trước. Ngài đứng giữa các ông mà cửa vẫn đóng kín và đây là giây phút trọng đại. Chúa gọi ngay Tôma và bảo: Đặt ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy… Đừng cứng lòng nữa”. Ông Tôma thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Không còn nghi ngờ gì nữa, Tôma tuyên xưng đức tin, một lời tuyên xưng đức tin trọn hảo. Chúa lại bảo ông: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những kẻ không thấy mà tin!”

Phúc thay những kẻ không thấy mà tin. Lời này không thể tách rời với câu chuyện này,nếu tách rời sẽ gây hiểu lầm. Không thấy mà tin là tin vào những nhân chứng đích thực, những nhân chứng chắc chắn, chứ không tin bất cứ ai. Với câu nói này, Chúa Giêsu cũng muốn rằng tất cả những kẻ đã tin phải là những nhân chứng đích thực cho Ngài: “Anh em sẽ là nhân chứng của Thầy”. Chúng ta cần suy nghĩ: chúng ta, những kẻ nói rằng mình đã tin Chúa, chúng ta có thực sự là nhân chứng của Ngài không? Tin và làm chứng phải đi đôi, đức tin đó mới thực sự là đức tin sống động, nếu không, chỉ là tin một cách mơ màng thôi. Tin mà không có việc làm là đức tin chết, thánh Giacôbê đã nói như thế. Việc làm đầu tiên phải là làm chứng. Mỗi Kitô hữu phải là một chứng nhân của Chúa bằng cả cuộc sống của mình. Phải sống thế nào để mọi người có thể thấy được Chúa nơi con người chúng ta. Đây là một đòi buộc gắt gao, nhưng cũng là một vinh dự lớn lao cho chúng ta. Đa số tín hữu sợ, như các môn đệ khi Chúa chưa hiện ra. Chúng ta giấu kín Chúa trong chúng ta, sợ người ta thấy. Thật đáng buồn!

Trong thánh lễ, chúng ta được diễm phúc ăn lấy Chúa, làm một với Chúa, chúng ta sợ tỏ hiện Chúa trong sinh hoạt của chúng ta. Không có gì đáng tiếc cho bằng! Cầu xin Chúa cho chúng ta đủ can đảm để cùng sống với Chúa hằng ngày và tỏ hiện tình yêu Chúa cho mọi người trong tình yêu của chúng ta.

Nguồn: http://giaophanmytho.net/suy-niem-giang-le/suy-niem-chua-nhat-ii-phuc-sinh-nam-blm-tram-phuc-30870.html

Các bài viết gần đây

Chúa Nhật Thứ III Mùa Chay Năm B

Với bất kỳ tôn giáo nào, Đền Thờ chính là nơi trang trọng nhất để con người gặp gỡ vị thần linh của mình tin cậy. Và vì thế, Đền Thờ phải nói là nơi được xây cất không chỉ kỹ lưỡng mà còn phải trang trí, tô vẽ cho thật đẹp và dùng những […]

Xem Thêm
Chúa Nhật III Phục Sinh

Anh em là chứng nhân. (Trích trong ‘Manna’) Suy Niệm Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con. Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma. Có lần Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ, nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma. Khi Đức Giêsu phục sinh […]

Xem Thêm
Chúa Nhật II Phục Sinh

HÃY NĂNG CHẠM VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA Chúa Nhật II Phục sinh trước đây được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, nay được gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Hai cách gọi nhưng vẫn là một, không hề đối nghịch. Vả lại, đó cũng chính là ước muốn của Chúa Giêsu […]

Xem Thêm
Thánh lễ trực tuyến
Quý cộng đoàn có thể theo dõi các Thánh Lễ trực tuyến của giáo xứ bằng cách nhấp chuột vào đường dẫn dưới đây.
Tham Dự Thánh Lễ
linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram