THỜI GIAN LÀ HỒNG ÂN
Hôm nay, là ngày đầu năm mới (2023), ngày mà Giáo Hội chọn làm ngày Quốc Tế Hòa Bình, và cũng là ngày Giáo Hội mừng kính Đức Maria, Mẹ của Thiên Chúa. Với hai sự kiện, diễn ra trong bầu khí Giaùng Sinh: Con Thiên Chúa làm người, sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, như muốn tô đậm thêm nét nổi bật về hình ảnh Đức Maria, với chức vị là Mẹ Thiên Chúa.
Từ một thiếu nữ đơn hèn, sống ở làng quê nghèo Nazareth, sao Đức Maria lại bỗng dưng trở thành Mẹ của Thiên Chúa? Nếu nhìn vẻ bên ngoài, ta thấy Đức Maria không có gì nỗi trội, so với những thiếu nữ thời bấy giờ. Và ngôi làng Nazareth, nơi mà Maria đang sinh sống, cũng rất đỗi bình thường, thậm chí là tầm thường như lời nhận xét của ông Nathanael: “Từ Nazareth làm sao có cái gì hay được?” (Ga 1,46).
“Làm sao có cái gì hay ho nơi Maria, ở làng Nazareth!” Đó là suy nghĩ chung của người dân Do thái trong làng lúc bấy giờ.
Ấy thế mà chuyện không có gì hay ho, lại trở thành chuyện hấp dẫn, tuyệt vời. Chuyện tưởng chừng như “không thể” bổng dưng trở nên “có thể”: “Một Trinh nữ sinh hạ một người con trai, mà không hề biết đến chuyện vợ chồng.” Lạ nhỉ...!
Ngày xưa, làm gì có chuyện thụ thai trong ống nghiệm hay thụ tinh nhân tạo như thời nay: Không cần có chồng, nhưng cũng có thể có con.
Và ngày xưa, nếu một người phụ nữ không có chồng, mà lại mang thai: thì chắc chắn 100% là do cô nàng “tò te ru me đánh đu” với anh chàng nào đó, mới có thể sinh con. Ta nói mạnh như thế, là để dễ hiểu vấn đề hơn.
Trở lại với câu chuyện của Đức Trinh Nữ Maria sinh con, để thấy quyền năng của Thiên Chúa phủ bóng trên con người của Đức Mẹ, một cách nhiệm mầu, khi ta nghe Thiên Thần Gabrien giải thích: “Đối với Thiên Chúa, không có gì mà Thiên Chúa không làm được.” Cho nên, cái chuyện không biết đến việc vợ chồng, mà sinh con, là “chuyện nhỏ” đối với quyền năng của Thiên Chúa…v..v
Sau khi Đức Mẹ hiểu thấu được ý của Thiên Chúa, Đức Mẹ đón nhận với thái độ “Xin vâng” khi thưa rằng: “xin hãy làm cho tôi những gì như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
Nhờ thế mà Ngôi Hai, Con Thiên Chúa nhập thể, làm người trong cung lòng Đức Mẹ, và kể từ đó, Mẹ trở thành Mẹ của Thiên Chúa.
Trải qua thời gian, đến năm 431, Công đồng Êphêsô tuyên bố: Tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, thế là giáo dân chỉ có việc là “tin thôi,” không còn ai bàn cải, và cũng không ai thắc mắc là tại sao lại như thế?
Vì Tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, dựa trên nền tảng Kinh Thánh: theo lời của Tiên tri Isaia tiên báo vào thế kỷ thứ 8 TCN, rằng: “Một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và sẽ đặt tên cho con trẻ là Emmanuel” (Is 7,14).
Và Tin Mừng Thánh Luca diễn tả lại qua lời sứ thần Gabriel báo tin cho Đức Mẹ: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Lc 1,31). Khi nói đến chức vị của Đức Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa, tôi có cảm tưởng như thể là Mẹ đã được chọn, được Thiên Chúa an bài, với sự sung sướng hạnh phúc mà không cần làm gì nữa. Nhưng thực tế, ta thấy Mẹ rất vất vả. Cụ thể là:
Khi Chúa Giêsu được 12 tuổi bị thất lạc, khi gia đình lên Giêrusalem hành hương, Mẹ chạy đôn, chạy đáo, lo tìm kiếm con đến mấy ngày trời, tâm hồn cũng đau khổ chứ có sung sướng gì.
Chưa hết, khi Chúa bị bắt và chịu tử nạn trên thập giá: Lẽ ra, đây là lúc Chúa cần người bên cạnh, để an ủi, trong những giây phút cận kề với cái chết. Vậy mà, người thân lãng tránh, và các môn đệ cũng bỏ trốn. Chỉ có Mẹ, vẫn trung thành, lủi thủi theo con trong nỗi buồn khôn tả, lê bước chân mệt nhoài, đến chân đồi Canvariô để chứng kiến con chịu cực hình. Mẹ chứng kiến từng roi đòn, quân lính đánh vào con, không khác gì quất vào trái tim đau xót của Mẹ. Mẹ nhìn lưỡi giáo đâm thấu tim con, chẳng khác nào lời tiên tri Simêon được ứng nghiệm: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà…”
Vâng, có thể nói rằng: Mẹ đau đớn với nỗi đau tột cùng của con Mẹ. Mẹ chịu đựng những áp lực trong tinh thần lẫn thể xác, rất giống Chúa Giêsu. Cho nên, Giáo Hội có đến 7 sự thương khó của Mẹ, để mà suy gẫm. Điều đó, giúp ta hiểu rằng: Sự hy sinh đau khổ của Mẹ, vẫn có phần liên quan đến sự hy sinh cứu độ của Chúa Giêsu. Nói cách khác: “Mẹ là Đấng hiệp thông cứu chuộc nhân loại.”
Mẹ hiệp thông với Chúa Giêsu, để cứu độ chúng ta, cho nên ta có thể được cứu độ, là nhờ tin vào Chúa Giêsu và nhờ lời cầu bàu của Mẹ Maria.
Như câu chuyện của Thánh Inhaxiô: Thời trẻ, Thánh Inhaxiô đẹp trai, thông minh, tính tình lại hài hước và có tài khiêu vũ rất điệu nghệ. Đến khi vào quân đội, Ngài lại trở thành một sĩ quan gan dạ và cũng nổi tiếng ăn chơi. Đến khi bị thương, nằm viện, ngài đọc được tập sách “Cuộc đời Chúa Cứu Thế,” thì tâm hồn ngài dần dần thay đổi. Lúc đó, ngài muốn “thân mật với Chúa” như thánh Phanxicô khó khăn. Và ngài cũng muốn “nhiệt thành rao giảng Lời Chúa” giống như Thánh Đaminh.
Trong cuốn tiểu sử kể lại rằng: “Một đêm nọ, không ngủ được, Inhaxiô bổng thấy Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu hiện ra. Nhìn Mẹ, mà Inhaxiô cảm thấy ghê tởm cái quá khứ tội lỗi của mình. Tuy nhiên, gặp được Mẹ, phần nào lòng Inhaxiô được an ủi.”
“Gặp Mẹ, lòng được an ủi”: chắc đó cũng là cảm giác của những ai yêu mến Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta.
Để kết thúc bài chia sẻ, tôi xin mượn lời bài hát “Lạy Mẹ xin yên ủi” của Tác giả Nguyễn Khắc Xuyên, như một niềm cậy trông vào sự cầu bàu chở che của Mẹ. Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn. Mẹ từ bi xin phá những nỗi u buồn. Vì đời con gieo rắc biết bao đau thương. Và tràn lan gai góc vướng trên con đường…
Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Hoà Bình, xin ban cho các gia đình chúng con, một sự bình an, trải dài trong suốt năm Quý Mão 2023, để chúng con cảm nếm được sự hạnh phúc và niềm vui khi có Mẹ ở bên cạnh, sẵn sàng phù giúp chúng con. Amen.
Đaminh Lê Minh Cảnh
Nguồn: http://giaophanmytho.net/suy-niem-giang-le/bai-giang-le-thanh-maria-me-thien-chua---giao-phan-my-tho-37158.html