Chúa Nhật Lễ Phục Sinh

NIỀM TIN PHỤC SINH

Trải qua mọi thời, con người vẫn không ngừng nghiên cứu để tìm hiểu xem coi Thiên Chúa là ai và Thượng Đế như thế nào?

Vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19, những người vô thần đã đọc và hiểu sai Dụ Ngôn “Gã Điên” của triết gia Nietzsche, để rồi mạnh miệng phán rằng:“Thiên Chúa đã chết.”  

Rồi bước sang thế kỷ thứ 20, cụ thể là vào năm 1961, một phi hành gia người Liên sô cũ, tên là Gagarine, với chiếc tàu vũ trụ Vostok 1, đã bay ra khỏi không gian, lượn quanh một vòng trái đất với thời gian 108 phút, rồi quay trở về mặt đất, rất tự tin ông khẳng định rằng: “Tôi đã bay ra ngoài vũ trụ, tôi chẳng thấy Thiên Chúa ở đâu cả!” 

Rồi với thời gian, khoa học mỗi ngày mỗi phát triển, lại có người cho rằng khi khoa học tiến bộ, khoa học sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề, và lúc đó, con người sẽ không cần đến sự có mặt của Thiên Chúa nữa. Chẳng hạn như cách đây ít lâu, trên tờ báo phát hành tại California (Hoa kỳ) đưa ra một bản tin “hót” rằng là: Có một công ty mới lạ, chuyên làm dịch vụ ướp xác người chết vào tủ lạnh. Rồi chờ đợi những phát minh mới của khoa học với hy vọng rằng là sau khi tìm ra nguyên nhân cái chết của thân xác đó, để rồi khoa học sẽ làm cho cái xác ấy sống lại và sống mãi không bao giờ chết nữa. 

Anh chị em thân mến,

Cho dù nhân loại có bỏ ra bao nhiêu công sức để nghiên cứu, tìm tòi những phát minh khoa học, nhằm gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của con người, thì Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và có mặt trong thế giới này.

Bởi vì khoảng 2000 năm trước, vào thời của Chúa Giêsu, những quan chức Do Thái cũng đã từng khẳng định như đinh đóng cột rằng: Khi Giêsu bị đóng đinh chết trên cây thập tự, tất cả mọi sự đều chấm dứt: lời rao giảng về Giêsu sẽ tan tành theo mây khói, và niềm tin vào Giêsu cũng sẽ bị chôn vùi trong nấm mồ.

Thế nhưng, mọi chuyện hoàn toàn khác với những gì mà họ nghĩ.  Bởi vì, tảng đá lấp ngôi mộ của Chúa Giêsu đã bị bật tung lên, thân xác của Chúa không bị tan rã, vì Ngài đã sống lại và hiện ra nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau, như Phúc Âm đã thuật lại.  

Ba nhân vật đầu tiên chứng kiến sự việc tại “Ngôi Mộ” không còn xác Chúa.

    1. Maria Mađalêna: Sáng sớm, đi ra mộ, với dầu thơm trên tay, bà định ướp lại xác Chúa cho chu đáo hơn. Vì hôm chôn cất, vội vội vàng vàng chuẩn bị Lễ Vượt Qua, nên chưa kịp ướp xác Chúa theo đúng nghi thức của người Do Thái. Lẽ ra, xác Chúa sẽ phải vẫn còn nằm trong ngôi mộ, nhưng mà mọi sự diễn ra rất khác thường: xác Chúa đã biến mất, mọi vật xung quanh như đã có bàn tay vô hình nào đó xếp đặt. Điều đáng nói ở đây là: bổng dưng có một Thiên Thần xuất hiện báo tin rằng: Chúa đã sống lại rồi. Thế là, vừa rung vừa sợ bà chạy về báo cho các Tông đồ.

   2. Khi nghe tin “xác thầy bị mất”, tâm trạng đầu tiên của Gioan là lo lắng. Lo lắng: vì Gioan là người được Thầy yêu mến nhất. Và ngay lập tức, Gioan tận dụng sức trẻ của mình chạy nhanh ra mộ để xem xét tình hình coi như thế nào. Khi nhìn thấy khăn liệm được cuộn lại ngăn nắp, còn khăn phủ đầu được xếp khá gọn, để riêng một nơi. Như một trinh thám chuyên nghiệp, Gioan xâu chuỗi lại những sự kiện đã xảy ra, cộng thêm ký ức về những điều Thầy đã báo trước, để rồi Gioan tin ngay rằng là Chúa đã Phục Sinh.

  3. Còn Phêrô thì sao? Có lẽ, do lớn tuổi hơn, kinh nghiệm hơn, nên đòi hỏi mọi thứ cần phải thận trọng. Mặc dù Phêrô cũng nhìn thấy những sự việc như Gioan đã thấy, nhưng Phêrô vẫn cứ từ từ quan sát, và kiểm tra thật kỹ, rồi mới dám phán một lời chắc như đinh đóng cột rằng: “Chúa sống lại thật rồi.”

Khi Phêrô lên tiếng báo “Chúa đã sống lại” thì cả thế giới như bắt đầu thay đổi. Mấy hôm trước, khi Thầy chết, các môn đệ buồn đến tan nát cõi lòng, nhưng hôm nay, họ lại vỡ òa vui sướng vì Thầy đã sống lại. Tinh thần của các học trò phấn khởi hơn. Đặc biệt là những lần Thầy hiện ra cùng ăn uống vui vẻ bên nhau. Phải nói là một sự tương phùng mang nhiều ấn tượng đẹp.

Nói đến đây, ta thử đặt vấn đề rằng là: Thân xác của Chúa Giêsu phục sinh là thân xác nào? Câu trả lời chắc chắn là đúng thân xác mà Chúa đã sống ở trần gian. Hay nói một cách khác rằng là: Chính thân xác bị đóng đinh trên thập giá của Chúa, nay đã được Phục Sinh và trở nên “Siêu Việt”. Siêu việt vì không còn bị cản trở bởi vật chất trần gian, cũng không bị lệ thuộc bởi không gian và thời gian nữa. Nói cho dễ hiểu hơn là: Thân xác con người khi được phục sinh thì muốn đi đâu tuỳ thích, có thể xuyên qua tường, vượt qua vạn lý tường thành, giống như nhà ảo thuật nổi tiếng thế giới, David Coperfield.

Theo như Tin Mừng diễn tả rất là rõCăn phòng Tiệc ly, sau khi Chúa Giêsu chết, các Tông đồ ẩn nấp bên trong, cửa luôn đóng kín, vì sợ người Do Thái gây sự, đúng theo kiểu “Nội bất xuất, ngoại bất nhập.” 

Vậy mà, ít là 2 lần, không cần chìa khóa để mở cửa, Chúa Giêsu vẫn vào được Phòng Tiệc Ly đang đóng kín. Đúng là một sự ngoạn mục như lời Thánh Phaolô khẳng định: Khi sống lại, Chúa Giêsu trở thành Người Trời, thiêng liêng và tự do không bị bất cứ điều gì cản trở nữa.

Và đó cũng là tình trạng thân xác của chúng ta vào ngày tận thế sau này. Lúc bấy giờ, thân xác của ta cũng sẽ trở thành “người trời”, tức là: ta trở nên siêu việt và linh thiêng trong thân xác của chính mình. 

Tuy nhiên, về điểm này, trí óc của ta không thể hiểu được một cách tường tận, bởi vì còn bị giới hạn trong không gian, thời gian, và cả trong “thân xác còn phải chết này”, nên ta chỉ có thể cảm nhận được bằng đức tin thôi.

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin Ngài ban thêm đức tin cho chúng con, để  khi suy nghĩ về sự sống lại, chúng con luôn tin rằng: nếu biết sống tử tế ở cuộc đời này, chúng con sẽ được sống lại vinh quang với Chúa ở đời sau. Amen.

Lm. Đaminh Lê Minh Cảnh

Nguồn: http://giaophanmytho.net/suy-niem-giang-le/bai-giang-chua-nhat-phuc-sinh---giao-phan-my-tho-37446.html

Các bài viết gần đây

Chúa Nhật Thứ III Mùa Chay Năm B

Với bất kỳ tôn giáo nào, Đền Thờ chính là nơi trang trọng nhất để con người gặp gỡ vị thần linh của mình tin cậy. Và vì thế, Đền Thờ phải nói là nơi được xây cất không chỉ kỹ lưỡng mà còn phải trang trí, tô vẽ cho thật đẹp và dùng những […]

Xem Thêm
Chúa Nhật IV Phục Sinh B

Mục tử như Chúa Kết quả hình ảnh cho chúa chiên lành Tu viện nổi tiếng nhất nọ cứ một lần trong năm mở cửa thâu nhận duy nhất 1 thỉnh sinh. Viện Phụ đích thân phỏng vấn các ứng sinh chỉ hỏi một câu duy nhất. Nhưng trớ trêu thay, không ai biết được […]

Xem Thêm
Chúa Nhật III Phục Sinh

Anh em là chứng nhân. (Trích trong ‘Manna’) Suy Niệm Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con. Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma. Có lần Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ, nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma. Khi Đức Giêsu phục sinh […]

Xem Thêm
Thánh lễ trực tuyến
Quý cộng đoàn có thể theo dõi các Thánh Lễ trực tuyến của giáo xứ bằng cách nhấp chuột vào đường dẫn dưới đây.
Tham Dự Thánh Lễ
linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram