BẢN TRÍCH CÁC BÀI ĐỌC
Bài đọc 1: Mk 5,1-4a
Từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en.
Bài đọc 2: Hr 10,5-10
Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.
Tin Mừng: Lc 1,39-45
Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?
Phân ưu: Giáo xứ xin chân thành phân ưu và cầu nguyện cho các anh chị em đã qua đời trong tháng 10,11&12:
- LH Dunroe Kathleen Mary
- LH Anita Pagtakhan
- LH Maria Đinh Thị Cấp
- LH Madalena và Đa Minh
- LH Maria Hà Thị Tỵ
- LH Teresa Phạm T. Thiên Thanh
- LH Giuse Đỗ Minh Lý
- LH ông cố Giuse Lê Văn Tôn
- LH Maria
- LH Phaolo Đoàn Quan Quyền
- LH Phaolo Đỗ Thanh Lợi
- LH Maria Nguyễn Thị Mến
- Giuse Nguyễn Văn Tiết
- LH Anna Nguyễn Hoàng Anh
- LH Đa Minh Phạm Ngọc Hiến
LÝ DO PHÁ THAI LÀ SẢN PHẨM CỦA CHỦ NGHĨA HOÀI NGHI
Chủ nghĩa hoài nghi là một cách nhìn thế giới trong mối liên hệ với tâm trí con người. Dù là một hình thái tư tưởng xa xưa nhưng chủ nghĩa hoài nghi vẫn hoạt động mạnh mẽ hôm nay và có tầm ảnh hưởng trong thời đại chúng ta.
Có vẻ như chủ nghĩa hoài nghi tác động chủ yếu đến đời sống luân lý của con người vì nó phủ nhận cái thiện hay cái ác nội tại, biến đạo đức thành một vấn đề quan điểm đơn thuần, và rồi không còn một luật luân lý phổ quát nào cần phải tuân theo. Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét một tội ác luân lý hiện nay, tội ác ấy dường như đang trở thành một hành vi “bình thường” nhất của con người, đó là phá thai. Khi thấy được chủ nghĩa hoài nghi tiếp tay cho hành vi phá thai, chúng ta sẽ phải đối phó với hình thức này của chủ nghĩa hoài nghi để mọi người
biết rõ phá thai tự bản chất là một tội ác luân lý.
Có phải chúng ta không thể biết được thực tại?
Trong thế kỷ qua, đáng tiếc khi phá thai đã trở nên rất phổ biến trên thế giới. “My body, my choice” (Cơ thể của tôi, chọn lựa của tôi) là khẩu hiệu mà các nhà nữ quyền và những người ủng hộ phá thai khác sử dụng để biện minh cho tội ác của họ. Rõ ràng, lối suy nghĩ này bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hoài nghi.
Lập luận chính của họ là chúng ta không thể biết những gì bên trong bụng người mẹ có phải là con người hay không. Chủ nghĩa hoài nghi tin rằng chúng ta không thể thực sự biết được điều gì, thường do trích dẫn sai thánh Augustinô [về câu nói “Dubito ergo sum” – Tôi nghi ngờ nên tôi hiện hữu]. Do đó, theo lôgíc này của chủ nghĩa hoài nghi, chúng ta có thể tự do làm bất cứ điều gì mình muốn với những gì ở trong bụng người mẹ bởi vì rốt cuộc nó cũng chỉ là một mẩu vật thể. Thậm chí đôi khi họ còn gọi đứa trẻ trong bụng mẹ là “sản phẩm của quá trình thụ thai”.
Đây là lập luận ngớ ngẩn mà những người ủng hộ phá thai sử dụng để biện hộ cho hành vi của họ, họ ngụy biện rằng phá thai không phải là một hành động xấu xa. Dĩ nhiên, kiểu tư duy này đưa đến kết luận luật tự nhiên không tồn tại và quyền tự trị cá nhân trở thành nguồn chính của đạo đức.
Từ chối Siêu hình học
Căn nguyên của chủ nghĩa hoài nghi là việc trực tiếp phủ nhận không thể có siêu hình học: nghĩa là, nếu chúng ta không thể biết bất cứ điều gì, thì chúng ta cũng không thể biết mình có linh hồn siêu việt hay không, và do đó có thể làm bất cứ điều gì mình muốn với vật thể bên trong bụng người mẹ: đơn giản nó không phải là con người với phẩm giá vốn có và quyền được sống. Hình thức này không hẳn là chủ nghĩa hoài nghi vì nó không chối bỏ tri thức về thế giới vật chất tự thân (per se). Do đó, sẽ thích hợp hơn nếu gọi hình thức này là chủ nghĩa tương đối bởi vì người ta chọn lựa những hành động không phải theo thực chất nhưng theo cách mà mỗi người nhìn nhận những hành động đó như thế nào.
Việc nhận ra sự khác biệt này rất quan trọng vì mặc dù khoa học (ví dụ: di truyền học, công nghệ siêu âm, v.v.) đã cho thấy những gì trong bụng người mẹ là một thực thể sống, nhưng một số người vẫn phủ nhận ngay cả tri thức chắc chắn này. Khoa học không chỉ ra được những gì trong bụng người mẹ là một con người với phẩm giá và quyền lợi – nó chỉ cho thấy đó là một thực thể sống. Do đó, nếu bạn làm gián đoạn quá trình phát triển sự sống này, bạn đang giết một thực thể sống.
Chúng ta không chỉ biết có một thực thể sống đang phát triển bên trong bụng người mẹ, mà còn biết nó kết thúc thế nào. Nó kết thúc khi trở thành một con người. Vấn đề ở đây là chúng ta định nghĩa con người như thế nào. Là con người thì phải có khả năng suy luận, chơi thể thao và học tập? Đây hẳn là việc đánh giá con người theo khả năng chứ không phải theo bản chất. Thật là một sai lầm.
Đúng hơn, con người là một bản thể cá biệt có bản chất lý tính. Để khẳng định sự sống bên trong bụng người mẹ là một con người với đẩy đủ phẩm giá và quyền lợi vốn có, trước tiên chúng ta phải bác bỏ chủ nghĩa hoài nghi qua việc chứng tỏ rằng có thể lĩnh hội được tri thức siêu hình.
Mâu thuẫn lôgíc
Những người hoài nghi tin rằng không thể biết được chân lý. Chính trong lời tuyên bố này, họ gặp phải một mâu thuẫn: khi khẳng định “không thể có chân lý”, họ đang nói rằng sự thật là chúng ta không thể biết chân lý. Đây là lời khẳng định tối hậu. Vì vậy, họ đang tự mâu thuẫn với chính mình khi cho thấy quả thực có thể biết được chân lý.
Đây được gọi là nguyên lý không-mâu-thuẫn, vốn là một chân lý hiển nhiên chi phối cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nguyên lý này nói rằng, một vật không thể vừa là vừa không là trong cùng thời điểm và cùng khía cạnh. Tương tự, chúng ta không thể vừa phủ nhận tri thức về chân lý vừa đồng thời cho thấy tuyên bố này là một chân lý chắc chắn.
Con người có sinh khí
Khi đã nhận thấy mâu thuẫn của lôgíc hoài nghi, bây giờ chúng ta có thể thảo luận xem liệu những gì đang sống bên trong bụng người mẹ có phải là một con người hay không. Chúng ta biết rằng trong thế giới có những thứ chuyển động mà chúng ta gọi là những thực thể sống hay có sinh khí, và những thứ khác không chuyển động, gọi là bất động, không có sinh khí hay không có sự sống. Một cách nào đó, những thực thể sống này phải có một thứ gì đó khiến chúng trở nên sống động mà những thực thể bất động không có.
Chúng ta gọi đây là anima, hồn. Thánh Tôma định nghĩa hồn là nguyên lý sự sống đệ nhất [sinh nguyên] trong các vật sống, nghĩa là mô thức của chúng. Không phải vật chất khiến chúng trở nên những thực thể sống, bởi nếu đúng như thế, thì mọi vật chất sẽ trở nên sống động, nhưng dựa trên kinh nghiệm, điều này là sai lầm.
Thánh Tôma xác định ba loại năng lực hồn trong thế giới: dinh dưỡng (vegetative), cảm giác (sensitive) và trí năng (intellectual). Chỉ có con người mới có linh hồn [trí năng]. Chúng ta biết mình có linh hồn khi nhận thấy trong con người có một năng lực hay hoạt động, hoàn toàn phi vật chất và vượt trên vật chất. Hoạt động này là trí năng. Như đã lưu ý ở trên, chúng ta có thể thủ đắc tri thức chắc chắn về chân lý thông qua trí năng. Trí năng hiện diện trong linh hồn khiến con người trở thành sinh vật cao quý nhất trong thế giới vật chất. Trí năng khiến chúng ta giống hình ảnh Thiên Chúa, cho chúng ta lãnh nhận phẩm giá và quyền lợi đến từ Ngài.
Khoa học đã lên tiếng
Khoa học đã chứng minh rằng những gì bên trong bụng người mẹ là một thực thể sống, do đó phải có hồn. Chúng ta cũng biết hồn này là linh hồn (trí hồn) vì biết rằng nó có thể phát triển thành một người trưởng thành như thế nào. Ngay lúc này, ai đó có thể nói thực thể sống ấy chưa phải là một con người bởi vì không có trí năng. Đúng là trí năng vẫn chưa phát triển trong đứa bé, nhưng nó có tiềm năng (mà thánh Tôma gọi là “tiềm lực”) phát triển. Điều này có nghĩa thực thể sống ấy đã là một con người nhưng chưa trưởng thành. Những năng lực của linh hồn bị giới hạn bởi vật chất và chúng ta phải đợi não phát triển để có thể sử dụng trí năng.
Nói cách khác, trí năng thì luôn có, nhưng con người chưa thể sử dụng được. Dẫu vậy, cách nói này không loại bỏ việc đó là một con người thực sự với phẩm giá và quyền lợi. Nếu đi theo lập luận phá thai, chúng ta có cảm tưởng việc giết tất cả trẻ em khi chúng không hoàn toàn sử dụng được lý trí là điều được phép bởi vì chúng chưa phải là những con người trưởng thành đầy đủ. Do đó, chúng ta nhận ra rằng con người không được định nghĩa bởi những khả năng, nhưng bởi việc nó sở hữu một linh hồn với phẩm giá và các quyền lợi vốn có.
Nguồn: giaophannhatrang.org