Chúa Nhật Thứ IV Thường Niên A

“Phúc thay người nghèo!”

Chúng ta đang đón mừng xuân Canh Tý. Trong những ngày Tết cổ truyền của Dân tộc, ai cũng cầu chúc cho nhau sự thành đạt, giàu có, của cải như nước, luôn dồi dào và dư dả. Ấy vậy mà Lời Chúa hôm nay lại chúc phúc cho những người có tâm hồn nghèo khó. Phải chăng đó là một ảo tưởng, một nghịch lý giữa Đạo và đời, giữa Đức tin và cuộc sống?

Lời chúc phúc dành cho người nghèo là mối phúc đầu tiên trong Bài giảng trên núi. Theo Thánh Matthêu, đây là bài giảng khởi đầu sự sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Bài giảng khởi đầu này cũng tóm lược nội dung của giáo huấn mà Người sẽ rao giảng sau này. Bài giảng này cũng phản ánh chính con người của vị ngôn sứ thành Nagiarét, tức là người ta có thể tìm thấy nơi bản thân Người những mối phúc đã được nêu.

Đừng quên một chi tiết quan trọng trong lời giảng của Chúa, đó là “tâm hồn nghèo khó”. Nếu lời chúc phúc của Chúa Giêsu quá ngắn gọn và cô đọng, thì chúng ta có thể tìm thấy lời diễn giải thêm về ý niệm người có tâm hồn nghèo khó trong Bài đọc I trích sách Ngôn sứ Isaia: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi Danh Đức Chúa. Số dân Israel còn sót lại sẽ không làm chuyện tàn ác bất công, cũng không ăn gian nói dối và miệng chúng không còn phỉnh gạt”. Dưới ngòi bút của Isaia, người nghèo đích thực là người cậy dựa phó thác vào Chúa và sống công chính ngay lành đối với tha nhân. Ông cũng tiên báo, những ai thực thi công chính, được gọi là những người nghèo của Thiên Chúa, sẽ làm thành số dân còn sót lại, tức là những người trung thành với Chúa cho đến cùng, là thành phần ưu tuyển của dân riêng. Qua đó, chúng ta thấy giáo huấn Chúa dạy chúng ta: những người nghèo theo nghĩa trên đây sẽ là những người được thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời.

Nếu Bài giảng trên núi khởi đầu với lời chúc phúc cho người có tâm hồn nghèo khó, thì có thể nói, bảy lời chúc phúc kế tiếp cũng diễn giải những “người nghèo” được hiểu ở nhiều khía cạnh khác nhau. Quả vậy, người nghèo là người chọn Chúa làm gia nghiệp. Một khi chọn Chúa làm gia nghiệp, họ sẽ cố gắng để sống hiền lành. Họ sẽ than khóc thân phận thụ tạo còn nhiều giới hạn của mình để canh tân bản thân; họ sẽ mong ước được nên công chính; họ sẽ biết cảm thương trước nỗi thống khổ của đồng loại; họ sẽ kết nối tình huynh đệ giữa con người với nhau; họ sẽ cố gắng sống cuộc đời thanh sạch để nên hoàn thiện và họ sẽ sẵn sàng chấp nhận đau khổ vì sống công chính. Như thế, mối phúc “nghèo” là nền tảng cho các mối phúc khác. Đó cũng là điều kiện căn bản để người tín hữu có thể nên hoàn thiện như lời mời gọi của Chúa: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”. Một người nghèo sẽ hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa và coi Ngài như đích điểm của đời mình, phó thác nơi sự dẫn dắt của Ngài, là Cha nhân hậu và yêu thương.

Như đã nói ở trên, Đức Giêsu không chỉ chúc phúc bằng những lời nói suông. Chính Người đã đạt được những phúc lành trong những lời Người giảng dạy. Trên cây thập giá, Người đã trở nên người nghèo nhất trong số những người nghèo. Người đã đau khổ với người đau khổ, để giúp họ biết cười vui trong niềm phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha. Cũng trên cây thập giá, Người đã hòa giải muôn loài với Chúa Cha, để dẫn đưa con người tới bến bờ của hạnh phúc. Chính Người đã chịu bách hại cách bất công vì Chân lý và để diễn tả tình thương vô bờ của Thiên Chúa Cha đối với nhân loại. Chúa Giêsu là LỜI CHÚC PHÚC vĩ đại nhất của Thiên Chúa cho nhân loại. Người là mẫu gương cho hết thảy mọi người chúng ta.

Có bao giờ chúng ta cảm nghiệm được hạnh phúc khi là người Công giáo? Có khá nhiều người tín hữu sống Đạo theo thói quen. Việc tham dự Thánh lễ và các bí tích không thực sự đem lại cho họ niềm vui, vì họ chỉ làm chiếu lệ, hời hợt bên ngoài. Nếu chúng ta không cảm thấy hạnh phúc khi thực hành sống Đạo thì làm sao có thể thuyết phục người khác theo Đạo của chúng ta được. Tám mối phúc thật là những gợi ý cụ thể để chúng ta nên thánh. Tám mối phúc là tám ngả đường, cùng dẫn chúng ta đến gặp Thiên Chúa Tình Yêu. Ước chi những anh chị em không cùng tôn giáo nói về chúng ta: “Thật hạnh phúc khi được làm người Công giáo!”.

Trong những Chúa nhật đầu của mùa Thường niên, qua Phụng vụ Lời Chúa, Giáo Hội mời gọi chúng ta cất bước theo Chúa Giêsu bằng việc chuyên tâm thực hiện những điều Người chúc phúc. Chúng ta gọi những lời chúc phúc này là “Tám mối phúc thật”, tức là hạnh phúc lâu bền, có sức cảm hóa cá nhân mỗi người và góp phần lan tỏa sự thánh thiện trong thế giới hôm nay. Giữa một xã hội bát nháo điên đảo và đầy bạo lực, những ai trung thành tìm kiếm Chúa sẽ được gọi là những người khôn ngoan và họ sẽ đạt tới hạnh phúc thật.

ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: http://giaophanmytho.net/suy-niem-giang-le/suy-niem-le-chua-nhat-iv-tn-nhieu-tac-gia-37392.html

Các bài viết gần đây

Chúa Nhật Thứ III Mùa Chay Năm B

Với bất kỳ tôn giáo nào, Đền Thờ chính là nơi trang trọng nhất để con người gặp gỡ vị thần linh của mình tin cậy. Và vì thế, Đền Thờ phải nói là nơi được xây cất không chỉ kỹ lưỡng mà còn phải trang trí, tô vẽ cho thật đẹp và dùng những […]

Xem Thêm
Chúa Nhật IV Phục Sinh B

Mục tử như Chúa Kết quả hình ảnh cho chúa chiên lành Tu viện nổi tiếng nhất nọ cứ một lần trong năm mở cửa thâu nhận duy nhất 1 thỉnh sinh. Viện Phụ đích thân phỏng vấn các ứng sinh chỉ hỏi một câu duy nhất. Nhưng trớ trêu thay, không ai biết được […]

Xem Thêm
Chúa Nhật III Phục Sinh

Anh em là chứng nhân. (Trích trong ‘Manna’) Suy Niệm Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con. Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma. Có lần Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ, nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma. Khi Đức Giêsu phục sinh […]

Xem Thêm
Thánh lễ trực tuyến
Quý cộng đoàn có thể theo dõi các Thánh Lễ trực tuyến của giáo xứ bằng cách nhấp chuột vào đường dẫn dưới đây.
Tham Dự Thánh Lễ
linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram