HỌ BỎ HẾT MỌI SỰ MÀ THEO NGƯỜI
Chúa Giêsu ở biển hồ Ghennêxaret. Dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Vì dân chúng quá đông, Ngài xuống một trong hai chiếc thuyền đang đậu gần bờ để không bị đám đông chen lấn. Chiếc thuyền đó của ông Simôn. Ông đang giặt lưới.
Giảng xong,Ngài bảo ông: “Hãy ra chỗ nước sâu đánh cá.”
Đây là một lệnh truyền chứ không chỉ là một lời khuyên. Những người đánh cá đang giặt lưới, Ngài thấy điều đó, tức là họ đang thu dẹp để nghỉ ngơi, nhưng Ngài vẫn bảo họ ra khơi đánh cá. Điều nầy cho chúng ta thấy rằng Ngài đã chủ ý ra lệnh cho họ, vì Ngài đang định một điều gì khác quan trọng.
Simôn trả lời: “Thưa Thầy, chúng con vật vả suốt đêm mà không bắt được gì”. Nhưng ông chấp nhận: “Vâng lời Thầy, tôi thả lưới”.
Chúa Giêsu muốn kêu gọi ông Simôn và các bạn ông, nhưng trước khi làm việc đó, Ngài muốn cho các ông thấy quyền năng lạ lùng của Ngài.
Simôn chèo thuyền ra và bủa lưới, và lạ thay! Trong chốc lát, cá đầy lưới đến nỗi phải nhờ một thuyền bạn chở cá về.
Trong đời chài lưới của ông chưa từng thấy được cá nhiều và nhanh như thế. Ông cảm nhận đây không phải là một việc bình thường mà ông vẫn thường làm, nhưng là một dấu hiệu lạ lùng mà ông chưa từng thấy và vượt xa những gì ông biết được. Đứng trước sự lạ đó, Simôn kinh sợ. Người Do thái sống trong một thế giới vừa tự nhiên vừa linh thiêng. Họ vẫn còn giữ tâm thức về mối liên hệ với Thiên Chúa. Họ luôn sợ hãi khi đứng trước những dấu lạ bất ngờ mà họ không giải thích được và vì thế họ nghĩ là do Thiên Chúa. Vẫn cảm thấy bàn tay Thiên Chúa luôn can thiệp vào cuộc sống của họ, như đã can thiệp vào lịch sử của cha ông họ. Simôn mang một tâm trạng như thế, do vậy ông kinh sợ trước mẻ cá lạ lùng vừa mới bắt được. Ông cảm nhận đây không phải là một việc bình thường nữa mà là một hiện tượng vượt xa tầm tưởng tượng của ông. Ông nhìn Chúa Giêsu như Đấng Thần linh, không phải người thường.
Ông mang tâm trạng của Môsê trước ngọn lửa tỏa hào quang trong bụi gai, tâm trạng của tiên tri Isaia trong Đền thờ khi diện kiến với Chúa đang ngự trên ngai. Ông phản ứng như Môsê và Isaia, ông sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và nói: “Xin Thầy xa con vì con là kẻ tội lỗi”. Đứng trước một Đấng cao cả như thế, ông cảm thấy mình tội lỗi và bất xứng.
Nhưng Chúa Giêsu bảo ông: “Đừng sợ! Từ nay anh sẽ là người lưới người ta”. Đây là mệnh lệnh thứ hai mà Simôn nhận từ nơi Chúa Giêsu. Mệnh lệnh đầu là: “Hãy ra khơi đánh cá”. Mệnh lệnh thứ hai là: “Anh là người lưới người ta”.
Đứng trước hai mệnh lệnh ấy, Simôn luôn cảm thấy mình bất lực, bất xứng.Chính vì thế mà Chúa đã chọn ông.
Chúng ta cũng thế thôi. Đứng trước lời mời gọi của Chúa, chúng ta không ai xứng đáng cả. Chỉ vì thương mà Chúa chọn chúng ta cộng tác với Ngài. Chính Chúa đã nói: “Không có Thầy, chúng con không thể làm được việc gì”. Và Ngài cũng dạy chúng ta: “Sau khi đã làm xong mọi sự, chúng con hãy nhận rằng mình chỉ là tôi tớ vô dụng”.
Nhiều người trong chúng ta, sau khi thành công được một vài công việc, thường khoác cho mình vòng hoa chiến thắng. Chúa chỉ có thể hoạt động dể dàng trong những tâm hồn nhỏ bé. Chúa chỉ sử dụng những con người biết vâng phục như Simôn. Chính những người đó mới mang lại nhiều kết quả cho các linh hồn.
Các thánh chính là những con người nhỏ bé và khiêm tốn. Thánh Maria Vianney, cha sở họ Ars là một người luôn cảm thấy mình tội lỗi và dốt nát. Ngài đã được Giáo Hội xem như một “kẻ lưới người” vĩ đại.
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu luôn thấy mình bé bỏng trong tay Cha trên trời, đã trở nên gương mẫu cho bao thế hệ kitô hữu, là thầy dạy con đường yêu mến Chúa, là một nhà truyền giáo không bôn ba ngoài thế gian, nhưng là một nhà truyền giáo lừng danh.
Thánh Luca ghi lại: “Họ bỏ hết mọi sự mà theo Người”. Đây chính là điều kiện quan trọng nhất.Người thanh niên giàu có, đầy thiện chí đã đến gặp Chúa Giêsu và được Ngài mời gọi: “Ngươi hãy về bán hết của cải, phân phát cho những người nghèo rồi đến đây theo Ta”. Người thanh niên thiện chí kia không dám bước theo Ngài vì không thể từ bỏ gia sản vật chất để đổi lấy kho tàng quí báu nhất là Ngài.
Lời mời gọi ấy được gởi đến, không phải chỉ cho những tu sĩ hay linh mục mà thôi, mà được gởi đến cho mọi người đã lãnh nhận kho tàng đức tin. Công Đồng Vatican II đã nói đến nhiều lần về ơn gọi của giáo dân là “trở nên nắm men trong bột, góp phần vào việc thánh hóa thế giới từ bên trong, và như thế, họ làm cho người khác nhận biết Đức Kitô… (Hiến chế Giáo Hội số 31). Như thế có nghĩa là họ phải là những kẻ lưới người ta. Đặc biệt hơn, Công Đồng dành riêng một Sắc Lệnh để nói về Tông Đồ giáo dân, vạch rõ những nhiệm vụ và trách nhiệm của giáo dân phải tích cực tham gia vào việc truyền giáo của Giáo Hội.
Hiện nay, chúng ta vui mừng thấy rằng nhiều giáo dân đã nghe theo tiếng gọi đó và đã dấn thân vào việc “lưới người ta”, nhưng vẫn còn quá ít so với nhu cầu. Chúng ta có cả một thế giới chưa biết đạo để Phúc Âm hóa. Vậy chúng ta cần phải làm gì?
Chúng ta được mấy người dám bỏ mọi sự mà theo Ngài? Ngay cả một số đã tự nguyện dấn thân vào đời sống tu trì, nhưng vẫn “cầm cày còn ngó lại sau lưng”, thì huống hồ là giáo dân!
Hãy cầu nguyện, xin Chúa sai nhiều thợ gặt đến trong ruộng lúa, sai nhiều tay chài lưới dám xông pha vào biển cả thế gian đang từ chối Thiên Chúa để bủa lưới. Hãy cầu xin cho mỗi người chúng ta đủ can đảm nghe theo tiếng gọi của Chúa.
Chúa Giêsu đang kêu gọi chúng ta bằng chính sự có mặt của Ngài nơi bàn tiệc yêu thương nầy. Ngài đến như một của ăn để thâm nhập một cách hết sức thực tế vào mỗi người chúng ta, mời gọi chúng ta dành cho Ngài cuộc sống nhỏ bé nầy, thời gian sống cơ cực nầy, để làm cho Nước Cha trị đến. Đứng trước tình yêu tha thiết của Ngài, chối từ là đắc tội. “Hãy đứng lên, chúng ta đi thôi!”.
Suy niệm của Lm. Trầm Phúc