CHÚA NHẬT THỨ VI PHỤC SINH NĂM A

Hãy ở lại trong Thầy

Chuẩn bị mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, Phụng vụ hôm nay muốn khẳng định với chúng ta: dù Chúa Giêsu có về trời, thì Người vẫn ở với chúng ta như lời Người đã hứa với các môn đệ: “Này đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến ngày tận thế”. Người tin vào Chúa sẽ được ở trong Người và Người ở trong lòng họ. Lời mời gọi: “hãy ở trong Thầy”, vừa nêu bật vinh dự lớn lao của người tín hữu, vừa đem cho họ sự an ủi đỡ nâng, giữa biết bao bận rộn lo lắng của cuộc sống trần gian. Ở trong Chúa cũng là một điều kiện thiết yếu để trở nên môn đệ đích thực của Người.

“Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy”. Tuân giữ lời Thầy là bằng chứng của tình yêu đối với Chúa. Ai tuân giữ lời Thầy sẽ được Thầy hiện diện trong tâm hồn người đó. Và, cùng với sự hiện diện của Chúa Giêsu, người tín hữu còn được Chúa Cha và Chúa Thánh Thần ngự trị. Như thế, ngay khi còn sống ở trần gian, họ đã được nếm hưởng hạnh phúc thiên đàng. Bởi lẽ hạnh phúc thiên đàng là gì nếu không phải là được sống trong tình yêu viên mãn của Ba Ngôi Thiên Chúa?

Những ai ở lại trong Chúa sẽ làm được những điều kỳ diệu, nhờ quyền năng và ân sủng Người thông ban. Chúa nhật thứ sáu của mùa Phục sinh nhấn mạnh tới sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Thông thường, khi nói đến cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, chúng ta hay dừng lại ở việc diễn tả một cộng đoàn liên đới, chuyên tâm cầu nguyện và siêng năng tham dự lễ bẻ Bánh. Điều này không sai. Tuy vậy, cũng phải nhấn mạnh tới khía cạnh “động” của cộng đoàn này, tức là khía cạnh truyền giáo. Tác giả sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta thấy cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi là một cộng đoàn hăng say truyền giáo. Sau khi Chúa Giêsu về trời, các tông đồ vẫn tin rằng Người hiện diện với họ. Nhờ sự hăng say nhiệt huyết của các tông đồ, và số tín hữu tăng thêm nhanh chóng. Bài đọc thứ nhất trong Phụng vụ hôm nay kể lại nỗ lực truyền giáo của một trong số mười hai tông đồ, đó là Philippê. Ông rời Giêrusalem để đến miền Samaria là miền đất dân ngoại. Ông rao giảng Đức Kitô và làm được nhiều phép lạ. Sự hiện diện của Chúa thể hiện qua quyền năng Chúa ban cho các tông đồ, nhờ đó các ông có thể trừ quỷ và các chứng bệnh, y như Chúa Giêsu đã làm trước đó. Việc có nhiều người trở lại là niềm vui chung của các tông đồ, vì vậy ông Gioan và ông Phêrô được cử tới Samaria để chia sẻ niềm vui và đặt tay trên các tín hữu để ban Thánh Thần. Những kết quả truyền giáo đã đạt được chứng minh Chúa Thánh Thần cùng hoạt động trong cộng đoàn tín hữu, như lời hứa của Chúa Giêsu: “Thầy sẽ xin Cha, và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng Phù trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi”. Chính sự hiện diện của Chúa Giêsu, với quyền năng của Chúa Thánh Thần, đã làm nên những kết quả kỳ diệu của sứ vụ truyền giáo.

Ngày hôm nay, những thành quả mà Giáo Hội đạt được khi thi hành sứ vụ Chúa Giêsu trao phó, cũng là nhờ sự hiện diện của Người và nhờ tác động của Đấng Phù trợ, tức là Ngôi Ba Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng, hướng dẫn mọi hoạt động của Giáo Hội, làm cho những hoạt động ấy sinh hoa kết trái. Ngài là hơi thở và là linh hồn của Giáo Hội, nhờ Ngài mà Giáo Hội sinh động, tươi trẻ và vươn lên không ngừng.

Mùa Phục sinh cùng với bầu khí lễ hội tưng bừng đang dần khép lại. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta, sự hiện diện của Chúa Phục sinh và lòng nhiệt thành loan báo Lời Chúa không dừng lại khi mùa Phục sinh chấm dứt, nhưng mở ra một giai đoạn mới mà ta gọi là “kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần”. Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống cho trần gian. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội luôn mang diện mạo tươi trẻ và phù hợp với mọi môi trường xã hội, góp phần thánh hóa trần gian.

Được trang bị bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, mỗi tín hữu hãy “sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình”. Thánh Phêrô khích lệ chúng ta, đồng thời khuyên bảo chúng ta hãy tôn trọng và đối xử hiền hòa với những người đang đi tìm Chân Lý. Sống theo lương tâm trung thực ngay thẳng, hiền hòa nhân ái với mọi người, đó là chứng từ hùng hồn nhất về Đấng Phục sinh. Chứng từ này làm cho những ai đang thành kiến với Giáo Hội cũng cảm thấy được thuyết phục.

“Hãy ở lại trong Thầy!” lời mời gọi ấy vang lên mỗi giây mỗi phút trong đời sống chúng ta. Ở trong Chúa, chắc chắc chúng ta sẽ được Ngài che chở đỡ nâng, nhất là khi gặp những gian nan trắc trở trong cuộc đời. Xin Chúa cho mỗi người cảm nhận được sự ngọt ngào khi ở trong Chúa và được Người hiện diện trong tâm hồn.

ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: http://giaophanmytho.net/suy-niem-giang-le/suy-niem-le-chua-nhat-vi-phuc-sinh-nhieu-tac-gia-38727.html

Các bài viết gần đây

Chúa Nhật Thứ III Mùa Chay Năm B

Với bất kỳ tôn giáo nào, Đền Thờ chính là nơi trang trọng nhất để con người gặp gỡ vị thần linh của mình tin cậy. Và vì thế, Đền Thờ phải nói là nơi được xây cất không chỉ kỹ lưỡng mà còn phải trang trí, tô vẽ cho thật đẹp và dùng những […]

Xem Thêm
Chúa Nhật III Phục Sinh

Anh em là chứng nhân. (Trích trong ‘Manna’) Suy Niệm Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con. Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma. Có lần Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ, nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma. Khi Đức Giêsu phục sinh […]

Xem Thêm
Chúa Nhật II Phục Sinh

HÃY NĂNG CHẠM VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA Chúa Nhật II Phục sinh trước đây được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, nay được gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Hai cách gọi nhưng vẫn là một, không hề đối nghịch. Vả lại, đó cũng chính là ước muốn của Chúa Giêsu […]

Xem Thêm
Thánh lễ trực tuyến
Quý cộng đoàn có thể theo dõi các Thánh Lễ trực tuyến của giáo xứ bằng cách nhấp chuột vào đường dẫn dưới đây.
Tham Dự Thánh Lễ
linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram