Chúa Nhật Thứ VII Phục Sinh Năm A

Lòng hướng về trời cao

Ngày hôm nay, Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Chúa Giêsu trở về nhà Cha sau khi Ngài đã hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao phó. Sau thời gian 33 năm xa nhà, Chúa Giêsu hồi hương trong vinh quang phục sinh và được đưa về trời ngự bên hữu Thiên Chúa.

Chúa về trời vì chính Người đã từ trời xuống thế: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng đã từ trời xuống” (Ga 3,13). Người đến nhân gian để nói với nhân loại về Nước Trời, mặc khải cho con người biết Thiên Chúa. Người giúp họ thay đổi quan niệm về Thiên Chúa cũng như quan niệm về con người.

Trang Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc Chúa Giêsu lên trời, đây là một minh chứng cho thấy rằng có thiên đàng, có sự sống đời sau. Nhưng lên trời không phải là một di chuyển từ nơi chốn này đến nơi chốn khác. Trời ở đây không phải là nơi chốn có thể đụng chạm, sờ mó được nhưng sâu xa hơn đó là một trạng thái. Chúa Giêsu lên trời có nghĩa là Ngài về cùng với Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần là nơi Ngài đã xuất phát. Trời ở đây có nghĩa là sống trong tình yêu tròn đầy của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, việc Chúa Giêsu lên trời không phải giã từ thế giới đi vào cõi xa vắng mịt mù, nhưng Ngài đi về thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi, sống với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trước khi Chúa Giêsu lên trời Ngài đã nhắn nhủ các môn đệ rằng “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo”. Đây là lệnh truyền của Chúa Giêsu và trở thành căn tính của mỗi người kitô hữu chúng ta, đó là làm chứng nhân tin mừng phục sinh, niềm vui của Chúa Giêsu cho tất cả mọi người không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo. Mỗi người chúng ta có trách nhiệm mang Đức Kitô đến với thế giới hôm nay đang sống trong đau khổ, chiến tranh, bất an, tội lỗi…. để xoa dịu hết tất cả những vết thương của họ.

Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là Ngài không còn hiện diện với chúng ta nữa, trái lại Ngài sẽ ở lại cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Để có thể lên trời như Chúa Giêsu mỗi người chúng ta cần phải hoàn thành hành trình dưới thế của mình như chính Ngài. Dù phải sống ở trần thế này với muôn ngàn thánh giá, thử thách, khó khăn… nhưng chúng ta không quên mục đích tối hậu của chúng ta đó là về quê trời, nơi ấy chúng ta sẽ sống trong tình yêu viên mãn của Chúa Ba Ngôi. Nếu như cuộc đời của người kitô hữu chúng ta thiếu đi cùng đích của đời mình là hướng về sự sống đời sau thì chắc chắn những nỗ lực, cố gắng của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa. Chúa Thăng Thiên cũng cố đức tin của mỗi người chúng ta vào niềm hy vọng tràn trề trong đó mỗi người chúng ta sẽ nếm cảm hạnh phúc thiên đàng sau này.

Chúa về trời, một cuộc tạm biệt chứ không ly biệt. Chia tay để rồi sẽ gặp lại nhau trong một tương quan mới. Chúa về trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Người để rồi đối với chúng ta không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được ở trong Người, đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng. Nhận thức được niềm hạnh phúc ấy, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú vị ngọt ngào. Nơi thiên cung, mọi đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố không còn nữa. Ở đó chỉ có thanh bình, công bằng, và hạnh phúc viên mãn, nhân phẩm và nhân vị con người hoàn toàn được phục hồi trong ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô.

Chúa về trời mở ra sứ vụ mới cho các Tông đồ. Đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu với lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Bảo chứng cho sứ vụ truyền giáo là: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ rồi đến các môn đệ, Chúa Giêsu trở thành người sống đương thời với chúng ta “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội sứ mạng tiếp nối sự hiện diện của Người, Người cũng đòi chúng ta phải có một sự chọn lựa dứt khoá như Người. Chính vì thế, rất có thể đã xảy ra là tại một nơi nào đó, có sự hiện diện của người Kitô hữu, của Giáo Hội, nhưng lại không có sự hiện diện đích thực của Đức Kitô. Sở dĩ như vậy là vì sự chọn lựa của chúng ta đã đi ngược lại với sự chọn lựa của Chúa Giêsu. Chẳng hạn như khi chúng ta có những hành động bất công, bóc lột kẻ khác, thì chính bản thân chúng ta đã bôi nhọ và xoá bỏ sự hiện diện của Đức Kitô.

Người Kitô hữu chân đạp đất nhưng lòng vẫn hướng về trời cao. Niềm hy vọng đó giải thoát ta khỏi nô lệ vào mặt đất nhờ đã biết rõ vật chất chỉ là phương tiện sẽ mau chóng qua đi. Niềm hy vọng đó nâng cuộc sống con người lên vì từ nay ta hiểu rằng định mệnh loài người không phải như loài súc vật, nhưng ngang hàng với thần linh. Niềm hy vọng đó đó làm cho cuộc sống của ta có ý nghĩa, vì Chúa tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi theo quy luật của vật chất mà để con người phát triển, tồn tại đến vô biên, không phải bị kết án vào những đau khổ vất vả trần gian, nhưng đã được tiền định hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Niềm hy vọng đó cho ta thêm động lực phục vụ tha nhân tận tâm hơn vì đó chính là sứ mang Chúa trao phó. Niềm hy vọng đó khuyến khích ta tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì đó chính là điều kiện cho ta được vào Nước Trời.

Chúa Giêsu lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã sai Ngài đến trần gian. Ngài đã tiến nhận cái chết một cách bi thương và đã được quyền năng Chúa Cha làm cho sống lại. Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là bằng chứng chắc chắn về ơn cứu độ và sự tha thứ tội lỗi (Dt 10,22-24). Đây là căn nguyên niềm vui nơi các môn đệ cũng như nơi chúng ta.

Mừng lễ Chúa lên trời, chúng ta không phải chỉ biết ngước mắt nhìn lên cao, mà điều quan trọng đó chính là chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà bằng cả việc làm và đời sống, nhất là bằng sự dấn thân, để thực hiện một sự lựa chọn rõ rệt. Con Thiên Chúa khi làm người và ở giữa chúng ta, đã thể hiện một sự lựa chọn rõ rệt, Ngài không hiện diện một cách chung chung, và vô thưởng vô phạt, nhưng đã hiện diện như một Tin Mừng cứu độ cho nhiều người, đồng thời như một hòn đá vấp ngã đối với một số người khác.

Mừng Lễ Chúa Thăng Thiên hôm nay, Chúa muốn nhắn gởi cho chúng ta một sứ điệp nữa đó là hãy xây dựng thiên đàng tại trần thế này, khi tất cả chúng ta đều xem nhau như là anh em cùng một Cha trên trời. Khi mỗi người chúng ta biết sống từ bỏ, hy sinh và phục vụ nhau.

Huệ Minh

Nguồn: http://giaophanmytho.net/suy-niem-giang-le/suy-niem-le-chua-nhat-vii-phuc-sinh-nhieu-tac-gia-38727.html

Các bài viết gần đây

Chúa Nhật Thứ III Mùa Chay Năm B

Với bất kỳ tôn giáo nào, Đền Thờ chính là nơi trang trọng nhất để con người gặp gỡ vị thần linh của mình tin cậy. Và vì thế, Đền Thờ phải nói là nơi được xây cất không chỉ kỹ lưỡng mà còn phải trang trí, tô vẽ cho thật đẹp và dùng những […]

Xem Thêm
Chúa Nhật III Phục Sinh

Anh em là chứng nhân. (Trích trong ‘Manna’) Suy Niệm Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con. Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma. Có lần Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ, nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma. Khi Đức Giêsu phục sinh […]

Xem Thêm
Chúa Nhật II Phục Sinh

HÃY NĂNG CHẠM VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA Chúa Nhật II Phục sinh trước đây được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, nay được gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Hai cách gọi nhưng vẫn là một, không hề đối nghịch. Vả lại, đó cũng chính là ước muốn của Chúa Giêsu […]

Xem Thêm
Thánh lễ trực tuyến
Quý cộng đoàn có thể theo dõi các Thánh Lễ trực tuyến của giáo xứ bằng cách nhấp chuột vào đường dẫn dưới đây.
Tham Dự Thánh Lễ
linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram