Chúa Nhật Thứ XIII Thường Niên Năm B

BẢN TRÍCH CÁC BÀI ĐỌC

Bài đọc 1: Kn 1,13-15;2,23-24

Bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian.

Bài đọc 2: 2 Cr 8, 7. 9. 13-15

Sự dư thừa của anh em bù đắp lại sự thiếu thốn của những anh em nghèo khó.

Tin Mừng: Mc 5, 21-43

Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy

MẮT NHÌN TAY CHẠM

Người sống, khi phải nói về người đã chết, thường uất nghẹn và nước mắt chạy vòng quanh. Nghẹn ngào hơn khi đối tượng là một người thân mình hằng yêu dấu. Và lại càng tưởng chừng như không thể khi nói về người mẹ đã đứt ruột xé lòng chắt chiu nuôi nấng mình lớn khôn giờ không còn nữa...

Tôi đã làm điều tưởng chừng như không thể kia cách đây non hơn một tuần. Lệ tuôn trào làm nghẹn lại từng chữ từng lời. Mà chữ và lời cũng gần như vô nghĩa khi nói về nỗi đau sâu thẳm nhất trong mọi nỗi khổ đau này.

Đau đớn vì cái chết đã muôn đời miên viễn cách ngăn người ở bên này và kẻ ở bên kia. Chết! Nghe sao quá hãi hùng! Sao quá tang thương! Và sự hãi hùng tang thương càng tăng thêm cường độ khi chung quanh đầy những màu tang tím. Khi chỉ nghĩ đến khoảng không gian cách ly hiện tại mà quên bẵng đi một đời kiếp thiêng liêng hội ngộ tương lai. Khi niềm tin chỉ giới hạn đến những vật chất hữu hình và không thể đưa mắt nhìn sâu nhìn xa đến những gì tinh thần bao la vô tận.

Và thường khi phải cần đến một bàn tay chạm đến để niềm tin vào đời sống mai sau được muôn đời bừng lên thắp sáng. Như Beethoven một ngày nọ đến thăm một thiếu phụ kia đang gập cúi người nức nở khóc bên cạnh xác chồng. Cảm thông với nỗi đau đớn của người goá phụ tuổi còn đang xuân và nhan sắc còn hồng, Beethoven đến trước đàn dương cầm và thiên tài âm nhạc bậc nhất cổ kim kia đã đan tay chuyễn ngón tấu lên một nhạc khúc Phục Sinh rồi lẳng lặng ra về trước đôi mắt quá đỗi kinh ngạc của người thiếu phụ buồn. Và sự sững sờ kinh ngạc kia cũng chính là sự kinh ngạc sững sờ của các môn đệ Chúa trên thuyền giữa biển khơi cuồng nộ sóng.

Như những thương nhân vượt biển, “họ đã nhìn thấy những kỳ công của Chúa nơi chỗ thâm uyên”. Hạt giống đức tin chỉ có thể nẩy lộc đâm chồi khi tâm trí thấu hiểu vũ trụ Chúa tạo dựng cho con người và vì con người; khi không còn biên giới giữa bên này và bên kia sự chết vì “Thiên Chúa không tạo dựng sự chết” và vì “công chính thì vĩnh cửu và bất tử.”

Hal Lindsey đã viết là “con người chỉ có thể sống bốn mươi ngày không cần ăn, ba ngày không cần nước, tám phút không cần không khí, nhưng chỉ một giây thôi nếu không tin yêu và hy vọng.”

Đã chết khi không tin không hy vọng; khi không còn kinh ngạc khi không biết sững sờ và nhất là khi không chu toàn sứ vụ cai quản làm chủ vạn vật mà Thiên Chúa tín cẩn trao ban. Cũng không còn sống nữa khi tâm trí chỉ nghĩ đến mình mà quên bẵng tha nhân. Đức tin cần đôi mắt giương to nhìn thế giới. Và cần thật cần đôi tay chạm đến những tâm hồn đang ngóng chờ một chút hơi ấm thương yêu.

Như đôi mắt khẩn cầu của người cha cho đứa con gái vừa trút hơi thở cuối. Như đôi bàn tay yếu đuối khăng khiu của người đàn bà kinh niên bệnh hoạn. Đời sống đức tin đã biểu hiện vẹn toàn trong khoé mắt người cha. Trên đầu từng ngón tay người mẹ.

Johann Wolfgang von Goethe cảm thấy như đã chết khi mỗi ngày không nhìn một hình ảnh đẹp, ngâm một đoạn thơ hay hoặc nói vài lời có ý nghĩa. Chẳng còn gì chua xót và đau đớn hơn khi tiến dần về cái chết mà đôi mắt vẫn không buồn mở và đôi tay vẫn khư khư không sờ không chạm. Đến tận cùng thế giới. Và đến mỗi tha nhân...

Lm. Nguyễn Khoa Toàn

Các bài viết gần đây

Chúa Nhật Thứ III Mùa Chay Năm B

Với bất kỳ tôn giáo nào, Đền Thờ chính là nơi trang trọng nhất để con người gặp gỡ vị thần linh của mình tin cậy. Và vì thế, Đền Thờ phải nói là nơi được xây cất không chỉ kỹ lưỡng mà còn phải trang trí, tô vẽ cho thật đẹp và dùng những […]

Xem Thêm
Chúa Nhật III Phục Sinh

Anh em là chứng nhân. (Trích trong ‘Manna’) Suy Niệm Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con. Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma. Có lần Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ, nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma. Khi Đức Giêsu phục sinh […]

Xem Thêm
Chúa Nhật II Phục Sinh

HÃY NĂNG CHẠM VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA Chúa Nhật II Phục sinh trước đây được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, nay được gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Hai cách gọi nhưng vẫn là một, không hề đối nghịch. Vả lại, đó cũng chính là ước muốn của Chúa Giêsu […]

Xem Thêm
Thánh lễ trực tuyến
Quý cộng đoàn có thể theo dõi các Thánh Lễ trực tuyến của giáo xứ bằng cách nhấp chuột vào đường dẫn dưới đây.
Tham Dự Thánh Lễ
linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram