TIN MỪNG : Mt 18,15-20
Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
15 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.
18 “Thầy bảo thật anh em : dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy ; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.
19 “Thầy còn bảo thật anh em : nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”
SUY NIỆM
SỬA DẠY TRONG YÊU THƯƠNG
Thánh Augustinô đã từng nói rằng: “Khi có ai xúc phạm đến ta, hãy để tâm thật nhiều không phải chỉ là xúc cảm của riêng ta nhưng còn là nỗi đau khổ, dằn vặt trong tâm hồn của người xúc phạm đến ta”.
Đức Giêsu không muốn thấy tội nhân phải hư mất và Người cũng chẳng mong thấy cảnh các môn đệ, người thì làm ngơ, kẻ thì xa lánh người có tội. Vì thế, Người dạy dỗ các môn đệ hãy cố gắng cứu vãn những người anh em đang sống trong tội.
Cụ thể hơn, vì Đức Giêsu thấu hiểu rằng việc nhắc lỗi là một chuyện cực kỳ tế nhị, “dục tốc bất đạt”, nên Người đã bày ra trước mắt các ông từng bước một để có thể sửa lỗi và chinh phục cõi lòng người anh em. Và, việc sửa lỗi đó phải được khởi đi từ lòng yêu thương, sửa lỗi hầu cứu vãn chứ không phải trù dập, để người anh em của mình nhận ra được lòng khoan dung. Bước đầu, “chỉ mình anh với nó” chân thành gặp gỡ cá nhân, rồi sau với “một hay hai người nữa”, sau cùng mới đưa đến Hội Thánh. Nếu không được, thì hãy kể nó như “người ngoại hay một người thu thuế”.
Tuy nhiên, nói như vậy, tức là khi xem họ như người ngoại, không có nghĩa là chúng ta bỏ mặc hay coi khinh, nhưng lại phải quan tâm và thương yêu họ nhiều hơn nữa. Vì như chúng ta biết, chính Đức Giêsu khi ở tại thế, Người đã chẳng từ chối ai, nhưng yêu thương và ôm vào lòng cả kẻ nghèo, người ngoại, hạng thu thuế và phường tội lỗi.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin gia tăng lòng can đảm nơi con để con có thể đến với anh em, và xin biến con thành khí cụ để có thể đem bình an và tình thương cho mọi người. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Ơn chức bậc là gì?
Ơn chức bậc là gì? Nó có nghĩa là ai ở chức vụ nào thì được Chúa ban ơn để thi hành chức vụ ấy thành công mỹ mãn hay không?
Từ ngữ “ơn chức bậc” xem ra có vẻ lạ tai đối với một số người, nếu chưa nói là hơi quê mùa. Thực ra thì không dễ gì tìm được một từ ngữ chính xác để dịch cho hết ý nguyên gốc La-tinh “gratia status”, chuyển sang tiếng Pháp thành “grâce d’état”. Người nào không hiểu thần học thì có thể yên trí dịch ra là “ân huệ Nhà Nước”, và chúng ta không thể trách là dịch sai, bởi vì ngay cả các nhà thần học cũng chưa nhất trí với nhau về nội dung của nó. Có người hiểu theo một nghĩa khá rộng là “ơn Chúa gọi vào một bậc sống”. Như chị đã biết, thần học cổ truyền nói đến ba bậc sống trong Hội thánh: giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân. Trong bối cảnh đó, người ta cho rằng để gia nhập vào hàng giáo sĩ hay tu sĩ, cần phải có ơn Chúa kêu gọi. Và ơn Chúa gọi ai vào một bậc sống đặc biệt cũng kèm theo những ơn cần thiết để thực hiện ơn gọi đó. Chẳng hạn như ai được Chúa gọi vào hàng linh mục thì cũng được Chúa ban ơn để thi hành chức vụ linh mục nữa. Từ sau công đồng Vaticanô II, các nhà thần học muốn mở rộng quan niệm về “bậc sống”, theo nghĩa là không nên chỉ giới hạn ơn gọi vào bậc giáo sĩ và tu sĩ, mà cần mở rộng đến bất cứ một tình trạng sinh sống nào ở trên đời này, chẳng hạn như: bậc gia đình, bậc cha mẹ; thậm chí có thể mở rộng đến cả các chức nghiệp nữa, thí dụ như: giáo sư, bác sĩ, luật sư, chính trị gia, vv.
Thế còn hiểu theo nghĩa hẹp thì sao?
Nghĩa hẹp thì được hiểu vào ơn gọi vào một chức vụ cụ thể nào đó. Chẳng hạn như cha Phêrô đã được Chúa gọi vào hàng giáo sĩ rồi; nay cha được bổ nhiệm về làm cha sở một họ đạo nào đó, thì người ta nói rằng cha sẽ được ơn Chúa giúp đỡ dể chu toàn chức vụ làm cha sở.
Đó là “theo như người ta nói”, (nghĩa là theo ý kiến của một số người), hay đó là đạo lý của Giáo hội?
Vấn đề này hơi phức tạp, nhất là khi hiểu theo nghĩa hẹp. Nếu hiểu theo nghĩa rộng, thì Giáo hội vẫn tin việc gia nhập vào một bậc sống (cách riêng hàng ngũ giáo sĩ và tu sĩ) là kết quả của một ơn gọi riêng biệt, mà chúng ta quen gọi là “đặc sủng”. Thực vậy, không phải hết mọi người đều được gọi để sống sự khiết trịnh trọn hảo của đời tận hiến. Đó là một ơn gọi mà Chúa ban cho một số người, được chọn lựa để phục vụ Nước Chúa. Và một khi Chúa đã gọi và chọn thì Chúa cũng ban những trợ lực cần thiết để theo đuổi ơn gọi đó. Đó là nói trên nguyên tắc. Còn khi áp dụng vào từng cá nhân thì vấn đề trở nên phức tạp hơn, theo nghĩa là làm thế nào mà biết được rằng Chúa đã gọi người ấy? Chúa không hiện ra kêu gọi đích danh từng người, như là trong trường hợp của ông Samuel, ông Isaia, hoặc ông Simon Phêrô. Sự nhận định ơn gọi thực hiện qua việc tìm hiểu và kiểm chứng nhiều dấu hiệu khác nhau (chẳng hạn như khả năng, khuynh hướng, đức hạnh, vv). Đôi khi tiến trình nhận định ơn gọi kéo dài cả bao năm trường, nhưng kết cục vẫn chưa thể khẳng định 100% rằng đương sự có ơn gọi. Và dầu biết được rằng Chúa đã gọi tôi, nhưng tôi cũng chưa thể khẳng định rằng ơn Chúa sẽ theo sát tôi suốt đời như đinh đóng cột. Lịch sử cho thấy đã có nhiều trường hợp mất ơn gọi (chứ không phải chỉ thiếu ơn gọi).
Như vậy thì trên thực tế “ơn chức bậc” không có giá trị gì hết hay sao?
Ngày nay, các nhà thần học đã đặt lại toàn diện vấn đề của ơn chức bậc, không những là qua những nghĩa rộng hay nghĩa hẹp như đã nói trên đây, mà nhất là về mục tiêu của ơn đó nữa. Thường thì chúng ta quen hiểu ơn chức bậc theo nghĩa là ơn giúp đỡ để thi hành chức vụ mỹ mãn (chẳng hạn như ơn chức bậc dành cho một cha xứ là thi hành chức vụ mục tử cách tận tụy, và được các tín hữu mộ mến). Nhưng hiểu như vậy là đã thu hẹp mục tiêu của ơn thánh Chúa, bởi vì chúng ta chỉ đánh giá hiệu quả của ơn thánh qua những tiêu chuẩn phàm trần, tựa như là thành công thắng lợi. Không phải như vậy; mục tiêu thứ nhất của ơn thánh là giúp cho chúng ta sống và tăng trưởng trong tình nghĩa với Chúa. Hiệu quả của ơn thánh cần được nhìn trong bối cảnh này, kể cả khi nói về ơn chức bậc. Như vậy, nếu người nào được Chúa kêu gọi vào phục vụ Hội thánh trong hàng linh mục, thì chúng ta có quyền tin rằng Chúa cũng ban những trợ lực cần thiết để cho đương sự được nên thánh trong tác vụ linh mục, kể cả qua những thử thách thất bại mà đương sự gặp thấy trong suốt cuộc đời. Chúng ta đã thấy nhiều gương của các linh mục (cũng như nhiều tín hữu khác) được thánh hóa qua những thử thách, hiểu lầm, do Chúa quan phòng xếp đặt như dụng cụ để thanh lọc và tôi luyện các nhân đức. Nếu giải thích “ơn chức bậc” theo nghĩa này thì chúng ta thấy có cơ sở thần học chắc chắn. Khi Chúa kêu gọi chúng ta vào một bậc nào thì Ngài ban cho ta những phương tiện cần thiết để thực hiện ơn gọi ấy. Đồng thời, chân lý này cũng thúc đẩy chúng ta tìm cách sống trung thành với ơn gọi của mình; bởi vì qua đó mà chúng ta tuân hành ý Chúa. Và chúng ta càng trung thành với ơn Chúa bao nhiêu thì càng giúp cho ơn thánh đạt tới hiệu năng bấy nhiêu, nghĩa là đạt tới lý tưởng tăng trưởng trong sự thánh thiện.
Như vậy, không nên hiểu “ơn chức bậc” theo nghĩa là Chúa sẽ giúp cho mỗi người thi hành chức phận có kết qủa mỹ mãn hay sao?
Về điểm này, ý kiến của các nhà thần học không đồng nhất. Một lý do là vì họ chưa nhất trí về ý nghĩa của từ “chức bậc” (hoặc hàng ngũ). Trước đây, người ta chỉ giới hạn vào hai ơn gọi chính trong Hội thánh là ơn gọi giáo sĩ và ơn gọi tu sĩ. Nhưng ngày nay thì không những người ta đã mở rộng đến hàng ngũ giáo dân, hàng ngũ hôn nhân, mà thậm chí còn muốn áp dụng cho các nghề nghiệp chẳng hạn như giáo sư, bác sĩ. Liệu có thể quả quyết được rằng một người nào đó được Chúa gọi làm bác sĩ hay không? Theo tôi nghĩ, có thể khẳng định là có ơn gọi làm bác sĩ, ít là theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là không phải bất cứ ai cũng có thể trở thành bác sĩ; cần phải có một vài năng khiếu nào đó, ít là để theo học ngành y khoa. Nghĩa thứ hai mang tính cách cao thượng hơn, đó là coi việc hành nghề bác sĩ như là cơ hội để phục vụ tha nhân, xoa dịu những nổi đau khổ của họ. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng một khi người nào nhận định được việc hành nghề bác sĩ như một ơn gọi của Chúa thì chắc chắn họ sẽ được ơn Chúa giúp để nên thánh trong nghề nghiệp đó.
Thế còn ơn thánh Chúa có giúp cho ông ta hành nghề đắc lực hay không?
Dĩ nhiên là chúng ta không thể nào hình dung được một ông bác sĩ tốt mà hành nghề dở, không những đã không giúp bệnh nhân được lành mà còn tiễn đưa họ sang bên kia thế giới. Không, một khi người nào đã ý thức rằng mình đã được Chúa gọi vào phục vụ tha nhân trong nghề bác sĩ thì đương sự sẽ cố gắng trau dồi kiến thức, cũng như cố gắng thi hành chức nghiệp cách tận tâm. Tôi nghĩ là hai điều kiện này đủ để bảo đảm cho ông ta hành nghề cách đắc lực. Ngược lại, nếu một bác sĩ cứ y rằng Chúa sẽ ban ơn chức bậc cho mình, và ông không cần biết gì đến chuyện trau dồi kiến thức chuyên môn, hoặc lơ đễnh lúc chẩn bệnh và chữa bệnh, thì chúng ta đủ có thể mường tượng những hậu quả tai hại của thái độ tắc trách ấy. Trong trường hợp này không phải là tại vì ông thiếu ơn Chúa nhưng tại vì ông ta đã không cộng tác với ơn Chúa.
Trên đây, cha có nói đến ơn chức bậc hiểu theo một nghĩa rất hẹp nữa, đó là ơn gọi vào một chức vụ cụ thể, chẳng hạn như một linh mục được đặt vào chức vụ quản hạt. Có cơ sở thần học nào để nói tới ơn thánh Chúa trong một chức vụ cụ thể như vậy không?
Cách đây 21 năm (1999), chính đức Gioan Phaolô I đã kể lại kinh nghiệm cá nhân có liên quan đến vấn đề này. Trong mật hội bầu giáo hoàng, khi thấy số phiếu cao của các hồng y được dồn cho mình, ngài cảm thấy run sợ. Một hồng y ngồi bên cạnh đã trấn an rằng: ngài đừng lo, nếu Chúa gọi ai vào chức vụ nào thì sẽ ban ơn để thi hành chức vụ đó. Dĩ nhiên đây là một câu nói để an ủi, nhưng thử hỏi: nó có cơ sở thần học đến đâu? Thực ra chúng ta có thể lồng trong bối cảnh quan phòng phổ quát của Thiên Chúa. Tất cả mọi sự xảy ra trên đời ta đều nằm trong kế hoạch an bài của Ngài, kể cả những chuyện mà chúng ta cho là rủi ro xui xẻo. Nhưng không dễ gì mà khẳng định rằng cứ làm liều đi, rồi Chúa sẽ tới giúp cho. Giả như hội đồng hồng y cứ bầu đại một người nào đó dù bất tài lên làm giáo hoàng, và tin rằng Chúa sẽ không thể nào bỏ rơi Hội thánh, thì chúng ta không nghĩ rằng các hồng y ấy có đức tin mạnh mẽ, nhưng phải nói rằng họ điên rồ và họ sẽ chịu trách nhiệm nặng nề về thái độ vô trách nhiệm này. Về phía người được bầu cũng vậy: nếu mình thấy không có khả năng thì mình nên từ chối kết quả của cuộc bầu cử, chứ không nên nhận liều vì tin vào ơn chức bậc. Thí dụ vừa rồi quá phi lý một cách trắng trợn; nhưng mà trên đời này còn nhiều trường hợp rắc rối hơn nhiều, khi phải tính chuyện bổ nhiệm hay bầu cử các chức vụ trong xã hội hay trong Giáo hội. Không thể nào cắt cử một người vô tài bất lực vào một chức vụ, với bình phong là Chúa sẽ ban ơn chức bậc để bù đắp. Nhất là khi một người thiếu tư cách mà cũng vận động chạy chọt, hoặc dùng thủ đoạn để chiếm một chức vụ, thì ơn chức bậc lại càng xa vời hơn nữa. Dù sao, để kết luận, tôi cũng xin thú nhận là trên đời, tuy chúng ta vẫn lấy sự khôn ngoan thận trọng làm tiêu chuẩn hành động, nhưng thật là khó mà vạch ra biên cương giữa khôn ngoan với liều lĩnh, hoặc giữa thận trọng với nhút nhát. May thay, như tục ngữ Âu Tây đã nói, “Thiên Chúa có thể viết dòng chữ ngay thẳng, kể cả với ngòi bút lệch lạc”.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.