Chúa Nhật XXVII Thường Niên Năm B

BẢN TRÍCH CÁC BÀI ĐỌC

Bài đọc 1: St 2,18-24

Cả hai thành một xương một thịt.

Bài đọc 2: Hr 2,9-11

Đấng thánh hoá là Đức Giê-su, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc.

Tin Mừng: Mc 10, 2-16

"Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".

NÊN MỘT HUYẾT NHỤC

Trong xã hội và Do Thái giáo thời Đức Giêsu, người phụ nữ không có quyền bình đẳng với nam giới, vì vợ là một thứ tài sản thuộc sở hữu của người chồng. Chỉ người vợ mới phạm tội ngoại tình đối với chồng, và chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ. Đức Giêsu không chấp nhận như thế, vì “Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ”, nghĩa là có sự bình đẳng giữa đôi bên, và hôn nhân là một khế ước cam kết trọn đời, vì vợ chồng sẽ trở nên một huyết nhục.
Buồn thay, số vụ ly hôn nơi Kitô hữu ngày càng gia tăng đáng kể, và để lại một hậu quả khốn đốn cho thế hệ tương lai. Ở đây, chúng ta có thể lấy làm lạ tại sao việc ly dị đã được luật Môsê cho phép (Đnl 24,1) mà người Pharisêu còn “hỏi thử” Chúa Giêsu có chấp nhận hay không. Nếu đã cho phép thì cứ theo luật mà thực hành, hà tất phải đặt vấn đề? Khoa chú giải Thánh Kinh cho biết trong nội bộ phái Pharisêu bấy giờ quả thực đang có tranh cãi kịch liệt về vấn đề này. Phải chăng tự thâm tâm người ta vẫn ray rứt khi họ “phân ly những gì Thiên Chúa đã kết hợp”? Chúa Giêsu cho biết hiện trạng của luật Môsê chỉ là một sự nhân nhượng, vì “lòng chai dạ đá” của họ.

     Ngài nhắc lại nguyên lý đã có ngay từ đầu: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”, để dứt khoát xoá bỏ quan điểm mập mờ cũng như lối thực hành phóng khoáng của luật cũ, đồng thời cho thấy hôn nhân là điều cao quí và thánh thiện.

     Hôn nhân Kitô giáo còn có một ý nghĩa siêu vượt, đó là sự phản chiếu tình yêu thần diệu giữa Chúa Kitô và Hội Thánh Ngài. Thánh Phaolô đã ân cần nhắc nhở:“Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội Thánh”. (Ep 5, 25). Tình yêu là hy sinh, không hy sinh thì chẳng có tình yêu, hoặc đó chỉ là tình yêu trá hình và vị kỷ.

     Cốt lõi của tình yêu còn là lòng trung thành: trung thành khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan; khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu; khi buồn chán và thất vọng về nhau; khi yếu đuối và vấp ngã; khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được… Nhưng không có gì là không giải quyết được trong đời sống vợ chồng: chỉ cần bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương; bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ, thì có thể trung thành với nhau, và đem lại cho nhau an vui và hạnh phúc.

     Hôn nhân là quà tặng của Thiên Chúa cho con người, nhưng con người phải góp phần để gìn giữ và tô điểm thêm luôn. Chính Chúa đã thiết lập giao ước hôn nhân thì chính Ngài cũng ban ơn để vợ chồng có thể “yêu thương và kính trọng nhau suốt đời”. Đó là yếu tố cơ bản để các Kitô hữu có thể tân Phúc-Âm-hoá gia đình mình và đồng thời góp phần Phúc-Âm-hoá các gia đình lương dân.

     Để thực hành lời cam kết trong bí tích hôn nhân, vợ chồng cần có thời giờ ngồi lại với nhau để trao đổi những khúc mắc trong cuộc sống hằng ngày. Va chạm với nhau trong đời sống vợ chồng là điều không thể tránh khỏi, nhưng va chạm là điều cần thiết để hiểu nhau hơn, để nhìn thấy sự thật, để biết sửa sai, đưa tới hòa hợp và yêu thương nhau hơn, chứ không phải tìm cách để hơn thua khiến cho nghĩa vợ tình chồng ngày càng thêm sứt mẻ và khó mà hàn gắn.

     Cần tìm hiểu lý do sâu xa của vấn đề và đặt mình trong tình cảnh của nhau, để có sự đồng cảm và thương mến nhau hơn sau những lần va chạm và sứt mẻ. Vợ chồng cần ngồi lại với nhau và với Chúa trong giờ kinh tối trong bầu khí giao hòa và nối kết lại yêu thương, xóa bỏ mọi thành kiến và nghi kỵ, để tiếp tục làm mới lại tình yêu ban đầu của mình, với tâm tình tha thiết cầu nguyện cho nhau. Vợ chồng biết sống trung thành với Chúa thì càng biết sống trung thành với nhau. Lòng yêu mến Chúa và quyết tâm xây dựng một gia đình tốt đẹp là động lực để vợ chồng dám vượt qua tất cả để sống cho nhau, vì nhau. Đó là điều kiện thiết yếu để đem lại bình an và hạnh phúc cho gia đình trong cuộc sống xã hội ngày càng có những phức tạp.

Lm. Thái Nguyên

Các bài viết gần đây

Chúa Nhật Thứ III Mùa Chay Năm B

Với bất kỳ tôn giáo nào, Đền Thờ chính là nơi trang trọng nhất để con người gặp gỡ vị thần linh của mình tin cậy. Và vì thế, Đền Thờ phải nói là nơi được xây cất không chỉ kỹ lưỡng mà còn phải trang trí, tô vẽ cho thật đẹp và dùng những […]

Xem Thêm
Chúa Nhật Lễ Lá

Ngã rẽ cuộc đời Thánh lễ hôm nay rất ý nghĩa cho giới trẻ. Trong ngày Lễ Lá, biết bao thanh thiếu niên ra đón mừng Chúa. Cả một bầu khí trẻ trung, hăng say, kính mến. Sự trẻ trung bột phát qua việc cầm cành lá, qua lời tung hô đón chào Chúa. Thật […]

Xem Thêm
Chúa Nhật Thứ V Mùa Chay Năm B

Hạt lúa mục nát Mùa Xuân năm ấy, có hai hạt giống nằm cạnh nhau trong thửa đất màu mỡ. Hạt giống thứ nhất hăng hái nói: “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống lòng đất, và đâm chồi xuyên qua lớp đất cứng bên trên. Tôi muốn vươn lên những búp […]

Xem Thêm
Thánh lễ trực tuyến
Quý cộng đoàn có thể theo dõi các Thánh Lễ trực tuyến của giáo xứ bằng cách nhấp chuột vào đường dẫn dưới đây.
Tham Dự Thánh Lễ
linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram