Về việc đọc Sách Thánh trong Thánh Lễ

Thừa tác viên đọc Sách thánh là công cụ mà Chúa dùng để công bố Lời Chúa (qua môi miệng). Việc đọc Sách thánh sẽ rất khác với đọc bài diễn văn, thông báo, kể chuyện, điếu văn (eulogy) … Vì đây là hành vi con người, của thế tục. Khi thừa tác viên công bố Lời Chúa như thế, có nghĩa là chính Chúa nói với chúng ta, chứ không phải chính thừa tác viên nói với chúng ta. Việc công bố Lời Chúa là hành thi thánh, Chúa chính là tác giả của Lời ấy. Hành vi thánh này phải thực thi trong việc đưa người nghe đến Chúa, chứ không được hướng đến bản thân mình. Chính vì tầm quan trọng của hành vi thánh, thừa tác viên cần làm sao để xứng hợp và không gây chia trí cho người nghe Lời Chúa:

  1. Trước Thánh Lễ, người đọc Sách Thánh (hoặc người đọc thông báo, lời nguyện cộng đoàn) cần vào Phòng thánh xem trước, để nếu có thắc mắc gì thì hỏi, hoặc thỏa thuận, hoặc phối hợp với ca đoàn hôm đó về Đáp Ca, Alleluia).
  2. Cần kiểm tra mọi sự trước khi đọc, như bục ambo, ghế ngồi chỗ nào, chỉnh microphone trước về độ cao thấp, nhằm không gây chia trí cho cộng đoàn khi lên đọc.
  3. Giọng đọc cần phải rõ ràng, tự tin, tự nhiên và khoẻ mạnh từ đầu đến cuối. Không sửa giọng cho cầu kỳ, không gằn giọng, không ngẩng đầu nhìn trong khi đọc. Các chữ cần được phát âm chuẩn và nghiêm trang hết sức có thể. Lưu ý đến những dấu chấm, phẩy, xuống hàng để ngừng cho đúng, không đọc liên tục như không có chấm phẩy. Thừa tác viên đọc Sách vì thế cần hiểu Bài đọc mình sẽ đọc, nhằm sẽ truyền tải Lời Chúa tốt nhất có thể.
  4. Y phục cho thừa tác viên đọc Sách Thánh: Ưu tiên là áo alba (trắng dài); Kế đến, mới là đồ thường phục xứng đáng, như nam mặc áo trắng với cà-vạt, nữ áo dài truyền thống Việt nam. Phải tránh lôi kéo người ta hướng về mình qua cách ăn mặc, điệu bộ, cử chỉ. Y phục đẹp hay đắt tiền theo mặt đời không có nghĩa là đẹp trong phụng vụ thánh. Y phục trong Phụng Vụ thánh phải nói lên sự tôn trọng và khiêm tốn trước Chúa. Vì thế, người đọc sách Thánh rất nên mặc áo alba vì đúng ý nghĩa của Phụng Vụ thánh. Màu trắng là màu biểu lộ vai trò rửa tội, và màu trắng cũng là màu của sự Phục Sinh, mang ý nghĩa của sự vinh thắng, huy hoàng, và tinh khiết trên Thiên Quốc.
  5. Sau khi chủ tế đọc lời nguyện đầu lễ, đến câu kết ‘Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô...’ thì người đọc bài 1 mới tiến lên, cúi chào bàn thờ và bước lên bục sách. Không nên bước lên trong khi chủ tế đang đọc lời nguyện ấy.
  6. Người đọc không được đọc ‘’Bài đọc I hay II,’’ cũng không đọc ‘’câu đại ý in nghiêng trước bài đọc, mà chỉ cần đọc ngay vào câu in đứng “Bài trích…” hay "Lời Chúa trong Sách...” Mỗi lần đọc xong Bài Đọc, ngưng 3 giây, rồi ngẩng đầu nhìn cộng đoàn, nói: Đó là Lời Chúa, và đứng đợi để cộng đoàn đáp: “Tạ ơn Chúa” xong thì mới rời khỏi khỏi bục.
  7. Khi Thánh lễ đang diễn tiến, Bàn thờ là trung tâm, là ưu tiên hơn Nhà Tạm, vì thế khi lên đọc sách Thánh, chỉ cúi mình chào Bàn Thờ. Nếu ngoài Thánh Lễ, tín hữu đi vào nhà thờ sẽ cúi chào Nhà Tạm trước.
  8. Giáo xứ chia ra 3 cấp độ cho thừa tác viên đọc Sách. Vào dịp Lễ Trọng, cần giao cho người đọc đúng tiêu chuẩn, người đọc khá hơn thì sẽ đọc trong Lễ Chúa Nhật. Còn lại, người chưa có kinh nghiệm nhiều, sẽ đọc trong những ngày thường. Điều này cũng áp dụng cho những anh chị em đọc kinh Mân Côi trước Lễ, Chầu Thánh Thể, suy niệm… trước cộng đoàn, đặc biệt nếu có trực tuyến, thì phải cẩn thận nhiều hơn để tránh sự chia trí và gây gương mù gương xấu cho người tham dự online tại nhà.

Giáo Xứ thánh Giuse, Vancouver, 2021

linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram