Thiên Chúa và César
Đọc lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy có những giai đoạn, thần quyền và thế quyền hợp làm một. Điều này có nghĩa, Giáo Hội vừa có uy quyền đối với các tín hữu, vừa có quyền hành mang tính quyết định trong xã hội. Tình trạng này đem lại lợi ích không nhỏ cho Giáo Hội, nhưng cũng làm cho Giáo Hội mất đi tinh thần của Chúa Giêsu, Đấng Sáng lập Giáo Hội. Mặt khác, đã là quyền hành chính trị thì bao giờ cũng có thủ đoạn âm mưu, bao giờ cũng có kẻ ủng hộ, người chống đối. Chính vì vậy, nếu Giáo Hội của Chúa Giêsu tham gia vào quyền lực chính trị, thì sẽ có nhiều kẻ thù. Lịch sử đã chứng minh điều ấy. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu phân biệt dứt khoát: Của César thì trả cho César, và của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa. Cần phân biệt rõ ràng thần quyền với thế quyền, để Giáo Hội mang gương mặt của Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa cao sang đã trở nên khó nghèo vì chúng ta, đồng thời giúp Giáo Hội thực thi sứ mạng của mình, là tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu để loan báo Tin Mừng cứu độ.
Thiên Chúa là Chủ của lịch sử. Ngài vừa sáng tạo vũ trụ thiên nhiên và con người, vừa nâng đỡ điều khiển để vũ trụ tồn tại và xoay vần trong trật tự. Vua Ki-rô được coi như vị cứu tinh Chúa gửi đến để giải phóng người Do Thái khỏi ách lưu đày bên Babylon. Ngôn sứ Isaia (Bài đọc I), đã diễn tả việc Chúa chọn vua Ki-rô rất chi tiết: Ngài cầm lấy tay ông, cho ông một tước hiệu và ban cho ông sức mạnh với quyền năng. Với việc tuyển chọn vua Ki-rô, Thiên Chúa tỏ ra Ngài là Cha của gia đình nhân loại. Mọi quyền hành đều từ Ngài mà đến và phải phục vụ lợi ích của con người. Những ai nắm quyền hành trong tay mà đi ngược lại với ý muốn của Thượng Đế và đàn áp bóc lột dân nghèo, thì quyền lực của họ không vững bền. Họ sẽ phải diệt vong. Sau này, Đức Giêsu tuyên bố với Philatô: Ông chẳng có quyền gì trên tôi nếu không từ ơn trên ban cho.
César vừa là tượng trưng cho quyền bính thế gian, vừa diễn tả ảnh hưởng của vật chất trần thế. Cũng như những quyền lực trần gian có những lúc huy hoàng hùng mạnh, nhưng rồi cũng đến lúc phải suy thoái tiêu tan, vật chất trên đời có thể giúp con người làm được mọi sự, nhưng cũng có thể là chiếc bẫy làm cho con người gục ngã. Sống ở đời, cần phải biết phân biệt César với Thiên Chúa, để có một mối tương quan quân bình trong cách sử dụng và tích luỹ của cải.
Người tin Chúa không bị bứng khỏi thế gian, nhưng sống giữa thế gian. Họ sống ở đời này nhưng hướng về đời sau. Họ được mời gọi chung tay xây dựng cuộc sống xã hội nhân ái yêu thương, nhưng quê hương vĩnh cửu của họ lại ở trên trời. Chính vì vậy, người tín hữu phải biết phân biệt điều gì thuộc về Thiên Chúa và điều gì thuộc về thế gian. Họ không được phép để cho thế gian lôi kéo và nhấn chìm trong những ràng buộc đam mê đến nỗi họ đánh mất hạnh phúc Nước Trời. Trong giáo huấn của mình, Chúa Giêsu luôn đòi buộc những ai muốn theo Chúa phải chọn lựa dứt khoát, để xứng đáng trở thành môn đệ của Người. Hình ảnh người cầm cày còn ngoái lại đàng sau diễn tả những người bắt cá hai tay hay đức tin nửa mùa. Cũng vậy, những ai đã tin vào Chúa còn cậy dựa và những thế lực thần thiêng khác, thì không phải là môn đệ đích thực. Ngỏ lời với giáo dân cộng đoàn Thê-sa-nô-li-ca, Thánh Phaolô khen ngợi lòng bác ái của họ. Một cộng đoàn được thúc đẩy bởi Đức tin, Đức cậy và Đức mến, dồi dào sức sống và nhiệt thành truyền giáo. Tình yêu thương và liên đới giữa cộng đoàn tín hữu đã làm toả lan sự thánh thiện và diễn tả hình ảnh sống động về Đức Giêsu, Đấng cứu độ trần gian. Tình liên đới và quảng đại của cộng đoàn Thê-sa-nô-li-ca, là mẫu mực cho các cộng đoàn đức tin của chúng ta hôm nay.
Hôm nay là Chúa nhật thứ ba của tháng Mười, là ngày Truyền giáo. Truyền giáo là bản chất của Giáo Hội. Mỗi người tín hữu, nhờ Bí tích Rửa tội, đều có bổn phận truyền giáo, tuỳ theo khả năng, trình độ và địa vị của mình. Lệnh truyền của Chúa Giêsu phục sinh cho các môn đệ hai ngàn năm qua vẫn mang tính thời sự cấp bách. Cùng với lời cầu nguyện, mỗi chúng ta hãy làm toả lan sự thánh thiện qua đời sống hằng ngày của mình, để trình bày hình ảnh của Giáo Hội và hình ảnh của Đấng Cứu thế nơi trần gian. Noi gương Chúa Giêsu không mệt mỏi đi đến với mọi người, đem cho họ sự chữa lành và an ủi phần xác cũng như phần hồn, mỗi tín hữu cần ra khỏi chính mình để đến với tha nhân, khởi đầu từ những người thân thuộc lân cận, rồi đến với những người không cùng niềm tin hay bất đồng quan điểm đang sống xung quanh chúng ta.
ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: http://giaophanmytho.net/suy-niem-giang-le/suy-niem-le-chua-nhat-xxix-tn--nhieu-tac-gia-39206.html