Chúa Nhật Thứ XXVI Thường Niên A

Cách hành xử của Thiên Chúa 

Có nhiều người coi thường thân xác, coi thân xác như ngục tù giam hãm linh hồn; tuy nhiên, con người là tạo vật tuyệt vời của Thiên Chúa. Theo Kinh Thánh, khi Thiên Chúa sáng tạo con người, Ngài thấy chúng rất tốt lành.

1. Còn thân xác là còn có thể lựa chọn

Platon và những người chịu ảnh hưởng bởi triết lý của ông cho rằng thân xác là ngục tù giam hãm linh hồn. Linh hồn được giải phóng vào giờ chết. Quan niệm này không chỉnh vì không đánh giá đúng đắn giá trị của thân xác. Theo quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về mầu nhiệm Hội Thánh Thông Công, chính con người tại thế có thể lập công cho mình và giúp đỡ những linh hồn trong luyện tội bằng việc hy sinh vượt thắng những cám dỗ. Những linh hồn trong luyện tội có thể cầu nguyện cho những người tại thế, nhưng không thể lập công đền tội cho mình như những người tại thế.

Với thân xác, con người chịu chung số phận của vật chất: có sinh có tử, lớn lên và cằn cỗi, sai lầm và sửa chữa, vui và buồn, hy vọng và thất vọng. Hôm nay một người có thể đã hoặc đang làm điều bất chính, nhưng ngày mai họ có thể hối hận và trở thành con người mới. Hôm nay họ dở nhưng mai có thể họ tốt hơn. Hôm qua họ là kẻ bất nhân bất nghĩa nhưng hôm nay họ có thể là người tuyệt vời. Đã đành không dễ để một người thay đổi từ dở thành tốt, nhưng khi con người còn tại thế, con người có thể biến đổi. Ai có thể giúp một người biến đổi, hoặc làm sao để một người được biến đổi thành tốt hơn, là một điều khác; nhưng điều căn bản được lưu ý đặc biệt: con người có thể biến đổi thành tốt hơn hoặc dở hơn, tùy chọn lựa của mỗi người. Khi con người còn tại thế, còn có thể thay đổi chọn lựa của mình. Khi không còn thân xác, người ta không thay đổi chọn lựa của mình nữa; đó cũng là lý do tại sao những người ở hoả ngục không thể lên thiên đàng nữa, bởi vì họ đã vĩnh viễn cố tình chọn lựa thù hận.

Con người tự do, nghĩa là con người có thể chọn lựa, có thể làm điều này hay làm điều khác, có thể yêu hay ghét, giúp đỡ hay thù hận, đón nhận hay ruồng rẫy từ bỏ. Chính cái hay thay đổi, thuộc tính của vật chất, lại là điều làm con người đang ở trong tình trạng xấu còn có thể trở thành người tuyệt vời. Thời gian lữ hành, là thời gian con người còn có thể biến đổi chính mình, dở hơn hoặc tuyệt vời hơn. Khi còn ở trong thời gian, là con người còn có thể hy vọng.

2. Thời gian giúp con người trở nên tuyệt vời

Khi một người tốt bỏ đường công chính mà phạm tội ác, nó phải chết vì tội nó phạm; Ngược lại nếu người trước làm điều gian ác mà nay từ bỏ đường gian ác mà làm điều tốt, thì nó được sống. Người ta thường than trách Thiên Chúa đã đối xử bất công, đã quên những điều tốt hoặc xấu một người đã làm trước. Người ta đoán xét người khác bằng quá khứ, qua những điều bên ngoài; còn Thiên Chúa biết con người từ trong sâu thẳm của mỗi người, và Ngài đoán xét con người như họ đang là, theo như “họ là” ở giây phút này.

Trong dụ ngôn hai người con, người con thứ nhất khi được người cha mời đi làm vườn nho, đã từ chối không đi nhưng sau đó lại hối hận đi làm; còn người con thứ hai lúc đầu nói sẵn sàng đi làm nhưng cuối cùng lại không đi. Ai cũng nhận định được rằng chính người con lúc đầu từ chối lời gọi của người cha mà sau đó đi làm, là người đã vâng lời người cha; còn người con lúc đầu trả lời vâng lại là người không vâng lời cha. Quá khứ cũng quan trọng, nhưng hiện tại quan trọng hơn. Hiện tại quan trọng hơn cả quá khứ lẫn tương lai. Cho dù một người đã sống tốt ở quá khứ nhưng hiện tại lại sống dở, thì người đó vẫn dở; còn nếu một người có một quá khứ tội lỗi nhưng bây giờ họ trở lại, họ đã là người tốt trước mắt Thiên Chúa cho dù người đời vẫn đánh giá họ xấu và coi thường họ. Nếu một người cố gắng làm tuyệt vời những gì phải làm ở giây phút hiện tại, người đó là người tuyệt vời. Giây phút hiện tại là giây phút tuyệt vời, là giây phút làm con người trở nên thánh hay thành qủy, làm một người trở nên đáng yêu hay đáng sợ.

Thiên Chúa là Đấng làm điều tuyệt vời. Ngài cho con người thời gian, để rồi với thời gian con người hình thành chính mình. Với ân sủng Thánh Thần, Thiên Chúa vẫn đang giúp con người trở thành người tuyệt vời trong từng giây phút sống, cho dù con người đã từng từ bỏ Ngài. Thiên Chúa tạo dựng con người với thân xác, và qua đó Ngài cho con người thời gian và tự do để trở nên con cái Ngài. Thiên Chúa vẫn đang làm con người trở nên con cái của Ngài.

3. Cách hành xử của Thiên Chúa

Tự do là món quà rất quý Thiên Chúa ban cho con người. Ngài chấp nhận tất cả khi Ngài ban tự do cho con người. Ngài chấp nhận cả khả thể con người phản bội Ngài; tuy nhiên Ngài yêu con người vô cùng, và Ngài tin rằng tình yêu của Ngài có thể biến đổi lòng người. Ngài luôn mời gọi con người sống trong tình yêu của Ngài.

Với cơ cấu con người tại thế, giây phút hiện tại, là giây phút của tự do, và cũng là giây phút của vĩnh cửu. Sống trọn vẹn giây phút hiện tại, con người sẽ cảm nhận bình an và hạnh phúc. Con người được mời gọi chọn Chân Thiện Mỹ trong từng giây phút sống. Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người; Ngài đã sống như một người với những giới hạn của thân xác, và Ngài đã xử dụng tự do một cách tuyệt vời. Chính khi làm người, Thiên Chúa làm cho con người nhận biết Thiên Chúa tuyệt vời đến độ nào; chính khi chấp nhận cái chết thập giá như một người, Ngài mặc khải giá trị tuyệt vời của con người với thân xác. Đức Giêsu trở thành mẫu gương sống của từng Kitô-hữu. Ngài trở thành người mẫu, thành người lý tưởng của các thanh thiếu niên. Con người trở thành tuyệt vời khi âm thầm khiêm tốn sống yêu thương như Ngài. Nếu muốn là người nổi danh, là người trổi trang, là người có cách sống của người hiền triết hiểu biết uyên nguyên sự vật, thì phải là người sống tự hủy khiêm tốn yêu thương như Đức Giêsu.

Thiên Chúa đã và đang cảm hoá con người bằng yêu thương đến độ tự hủy chính mình. Hiện tại của Thiên Chúa là yêu thương. Tự do để trở thành tuyệt vời hay không, đó là hiện tại của con người.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Tự do luôn liên hệ đến hiện tại. Bạn hiểu sao về câu nói này?

2. Hiện tại, bạn có bị ràng buộc bởi điều gì không? Điều đó có làm bạn thành nô lệ không? Xin chia sẻ nếu được.

3. Bạn có kinh nghiệm về yêu thương tự hủy không? Xin bạn chia sẻ.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ.

Nguồn: http://giaophanmytho.net/suy-niem-giang-le/suy-niem-le-chua-nhat-xxvi-tn--nhieu-tac-gia-39206.html

Các bài viết gần đây

Chúa Nhật Thứ III Mùa Chay Năm B

Với bất kỳ tôn giáo nào, Đền Thờ chính là nơi trang trọng nhất để con người gặp gỡ vị thần linh của mình tin cậy. Và vì thế, Đền Thờ phải nói là nơi được xây cất không chỉ kỹ lưỡng mà còn phải trang trí, tô vẽ cho thật đẹp và dùng những […]

Xem Thêm
Chúa Nhật Thứ XXIV Thường Niên B

Làm người phục vụ Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ về cuộc khổ nạn của Ngài, để khi sự việc xảy ra thì họ sẽ không quá ngỡ ngàng và hoang mang, nhưng họ vẫn không hiểu, hoặc không muốn hiểu. Nói rằng các ông sợ không dám hỏi lại, […]

Xem Thêm
Chúa Nhật Thứ XXIII Thường Niên B

Khi đến thăm những trẻ em khuyết tật, ta thấy mình dễ tiếp xúc, gần gũi các em mù, hơn các em bị câm điếc. Thật khó làm cho các em câm điếc, hiểu được chúng ta, và chúng ta cũng không hiểu được điều các em diễn tả. Đôi bên cứ như ở hai […]

Xem Thêm
Thánh lễ trực tuyến
Quý cộng đoàn có thể theo dõi các Thánh Lễ trực tuyến của giáo xứ bằng cách nhấp chuột vào đường dẫn dưới đây.
Tham Dự Thánh Lễ
linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram