TIN MỪNG : Mt 20,1-16a
Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này : “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ : ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ : ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết ?’ 7 Họ đáp : ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ : ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho !’ 8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý : ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà : 12 ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ 13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ : ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao ? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?’ 16a Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”
SUY NIỆM
KHÔNG PHÂN BIỆT
Khi tham dự thánh lễ, ông chủ giàu có và người giúp việc lên rước lễ. Người giúp việc nhìn thấy ông chủ nên tính nhường chỗ cho ông lên rước lễ trước, nhưng ông nói: “Anh cứ đứng trước tôi bình thường. Chúng ta chỉ có một Chúa mà thôi. Người là Đấng kêu mời tất cả mọi người và hai chúng ta hãy xếp hàng thứ tự lên rước Chúa vào lòng.”
Tin Mừng hôm nay cho thấy không có sự phân biệt nào trong việc trả lương, vì đó là dụng ý của ông chủ. Những người làm trước nhất tưởng mình sẽ được trả nhiều hơn, và họ đã cằn nhằn khi lãnh được một quan tiền như những người làm sau chót. Ở đây, ông chủ chính là Thiên Chúa. Qua câu chuyện Tin Mừng, Thiên Chúa cho thấy tình thương của Người đối với mọi người. Ơn cứu độ dành cho mọi người không phân biệt ai, dù là Do Thái hay Hy Lạp, người giàu có hay kẻ nghèo hèn, dù theo đạo từ bé hay khi sắp qua đời. Nước Trời không bao giờ muộn đối với những ai có lòng thiện tâm, vì mọi người đều được Chúa kêu mời.
Nếu muốn vào vườn nho của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh, chúng ta cần đáp lại tình yêu của Người. Nhưng chúng ta cũng không vì thế mà so đo tính toán, đợi đến phút cuối cùng, bởi chúng ta không biết “giờ” sau hết của mình khi nào.
(Chấm nối chấm – Học Viện Đaminh)
LỜI NGUYỆN TRONG NGÀY
Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm Ngài trong mọi khoảnh khắc cuộc đời, và biết mở lòng đón nhận mọi anh chị em. Amen.
TU ĐỨC SỐNG ĐẠO
Thế nào là nhân đức anh hùng?
Trong số những điều kiện do giáo luật ấn định để phong thánh, đứng hàng đầu là việc thực hành các nhân đức một cách anh hùng. Thế nào là nhân đức anh hùng?
Thế nào mỗi người chúng ta cũng mang trong đầu óc một vài tiêu chuẩn nào đó để xác định chân dung của một vị thánh. Có thể là hình ảnh của một người siêu quần, không ăn không ngủ suốt mấy năm liền, cả ngày chỉ lo đọc kinh thờ phượng Chúa. Có thể là hình ảnh của một người lăn xả đi phục vụ những bệnh nhân phong cùi, không e dè sợ sệt gì khi đến gần các bệnh nhân để săn sóc họ. Có thể là hình ảnh của một nhà truyền giáo từ bỏ tiện nghi an toàn của quê hương mình, để đi giảng đạo cho một bộ lạc ăn thịt người. Tuy nhiên, thế nào trong chúng ta cũng có người dễ tính hơn, khi mà họ khám phá ra được các thánh nhân mà họ chung đụng hằng ngày: tuy cũng làm những công việc lặt vặt thường tình, nhưng mà những người đó chu toàn công tác một cách tận tụy khác thường: từ một bà nội trợ trong nhà, cho tới cô giáo gõ đầu trẻ, từ một nhân viên nhã nhặn khi trả lời cho bao nhiêu câu hỏi điên đầu ở văn phòng hay máy điện thoại, cho tới một công nhân vệ sinh vui vẻ yêu thích nghề nghiệp. Thật là may mắn cho chúng ta khi được tiếp xúc với các thánh sống như vậy. Thế nhưng, giáo luật thì phải lo tới các thánh chết, nghĩa là những người đã qua đời rồi. Phải lấy gì làm tiêu chuẩn để mà tuyên bố họ là thánh nhân? Trên đây tôi mới lượt qua một vài quan niệm bình dân về thánh nhân, và chúng ta đã thấy có nhiều tiêu chuẩn khác nhau rồi. Bây giờ nếu chúng ta đấu lại với quan niệm của toàn Hội thánh trải qua 20 thế kỷ thì chắc chắn chúng ta có thể liệt kê tới cả trăm tiêu chuẩn, nhất là khi biết rằng người ta còn phân biệt thánh lớn với thánh nhỏ nữa.
Thánh nhỏ là thánh còn nhỏ tuổi hay sao?
Không phải, thánh lớn thánh nhỏ được hiểu theo nghĩa là đại thánh tiểu thánh. Dĩ nhiên là sự phân biệt này cũng rất tương đối, tùy theo tiêu chuẩn của mỗi người đặt ra. Có người thì coi đại thánh nếu ông này làm nhiều phép lạ, thiên hạ đua nhau tới khấn vái! Và rồi có người được đồng bào mình coi là đại thánh, nhưng sang tới nước láng giềng thì chỉ là người vô danh tiểu tốt. Dù sao, thì quan niệm tối thiểu nhất về một thánh nhân là người đó phải có cái gì xuất chúng, chứ nếu một người chỉ sống lương thiện không trộm cắp, không giết người thì chưa đủ để gọi là thánh. Không nói ai cũng hiểu rằng cái điểm xuất chúng, trổi vượt phàm nhân thì được áp dụng cho phạm vi đức độ, chứ không phải là xuất chúng vì có thân hình to lớn lực lưỡng, hay có nhiều tiền của vàng bạc, lại càng không phải vì dở điên dở khùng! Điểm trổi vượt xuất chúng được các triết gia Hy-lạp và La mã gọi là “anh hùng”.
Nhưng mà đặc tính “anh hùng” thường được hiểu về sự can đảm, gan dạ, chứ đâu có phải về hết các nhân đức đâu?
Xét về từ ngữ, thì đúng như vậy: chúng ta gọi “anh hùng” là người có chí khí dũng cảm, can trường đương đầu với nghịch cảnh, không thối chí, không chùn bước. Cách riêng, đối với Kitô giáo, các anh hùng được áp dụng cho các vị tử đạo, bởi vì họ đã can đảm đương đầu với những cực hình và cái chết, nhưng không chịu từ bỏ đức tin của mình. Nhận xét này không phải chỉ có tính cách lý thuyết, mà còn đúng với lịch sử Giáo hội, khi mà các vị tử đạo được xếp ở đầu danh sách của các thánh nhân. Tuy nhiên, ở những thế kỷ đầu, chưa có một nền thần học về nhân đức anh hùng.
Thần học ấy ra đời vào thời nào?
Vào thời Trung cổ; tuy rằng nguồn gốc của nó thì xa hơn. Thực vậy, nguồn gốc về quan niệm nhân đức anh hùng lấy từ triết gia Aristote. Ông đã mở rộng tiếng anh hùng, không chỉ giới hạn vào sự dũng cảm mà thôi, nhưng còn áp dụng cấp độ cao của việc thực hành các nhân đức. Trong quyển VII Đạo đức luận (Ethica Nicomachea), Aristote nói tới việc thực hành nhân đức bình thường và sự thực hành nhân đức cách anh hùng. Người có nhân đức bình thường là người biết dùng lý trí để chế ngự bản năng; còn người có nhân đức anh hùng khi nào tiến tới cấp độ toàn hảo gần tới bậc thần linh. Thế nhưng, lý luận của Aristote vẫn còn dựa theo lý trí tự nhiên, theo nghĩa là cả hai cấp độ thực hành nhân đức đều được nhìn từ phía con người. Đến khi nghiên cứu các nhân đức dưới ánh sáng mặc khải, thì thánh Tôma Aquinô du nhập hai cấp độ thực hành nhân đức của Aristote nhưng biến báo nó đi. Theo thánh Tôma, có hai cách thức để thực hành các nhân đức: cách thông thường, do sức cố gắng của con người; cách anh hùng, dưới tác động của ơn thánh, đặc biệt là do bảy ơn Chúa Thánh Thần. Vì vậy, việc thực hành các nhân đức được gọi là cách anh hùng không những vì phát sinh công hiệu phi thường mà còn vì nó do chính sức mạnh của Chúa, đến nỗi nói được rằng nó là hành động của Chúa, vì vậy mà được gọi là hoàn hảo, toàn thiện (Summa Theologiae I-II, q.54, a.3). Như vậy, chúng ta thấy rằng đang khi mà Aristote quan niệm rằng nhân đức gọi là anh hùng vì nó trổi vượt xuất chúng, gần sát với thần linh; thánh Tôma giải thích vì sao mà nó gọi được là thần linh; ấy là tại vì do Thánh linh tác động.
Những lý luận ấy có ảnh hưởng gì tới thủ tục phong thánh không?
Chắc chắn là ảnh hưởng rất nhiều. Khi muốn phong thánh cho ai, thì tiêu chuẩn đầu tiên được đặt ra không phải là thân hình tướng mạo, hay là các kỳ công phép lạ, nhưng là việc thực hành các nhân đức. Dĩ nhiên, là nguyên việc ăn ở lương thiện, không rượu chè cờ bạc, trộm cắp giết người thì chưa đủ để khởi sự hồ sơ phong thánh! Người ta đòi hỏi đương sự phải thực hành các nhân đức (tóm lại trong ba nhân đức đối thần: tin cậy mến; và bốn nhân đức luân lý: khôn ngoan, công bằng, mạnh bạo, tiết độ) một cách trổi vượt.
Nhưng mà thế nào gọi là trổi vượt?
Từ thế kỷ XVII, các nhà thần học đã đề ra ba đặc tính sau: thường xuyên, lanh lẹ và vui vẻ (expedite, prompte, delectabiliter), nhất là khi gặp những hoàn cảnh khó khăn. Thủ bản về việc phong thánh do đức Bênêđictô XIV xuất bản (De servorum Dei beatificatione et beatorum canonizatione), chấp nhận tiêu chuẩn ấy. Tuy nhiên, sự áp dụng không có tính cách cứng nhắc; nghĩa là không phải ai ai cũng buộc phải thực hành hết tất cả bảy nhân đức tới mức độ anh hùng! Lý do tại vì không phải ai ai cũng gặp các nghịch cảnh như nhau để có dịp trổ tài! Thí dụ khi nói tới việc thực hành đức tin tới mức độ anh hùng không đòi hỏi rằng tất cả các thánh đều phải gặp cơn bắt đạo hay là phải gặp quân rối đạo, để mà tỏ ra đức tin siêu quần của mình. Và chờ cho đủ các điều kiện khó khăn để có dịp trổ hết tài anh hùng cả 7 nhân đức thì e rằng suốt mấy thế kỷ cũng chưa được một ông thánh. May thay, các vị Giáo hoàng trong thế kỷ XX đã nhiều lần lặp lại trong các bài giảng nhân lễ phong thánh rằng có thể thực hành các nhân đức một cách anh hùng trong đời sống hằng ngày, bằng cách chu toàn việc bổn phận. Sự tận tụy trung thành với bổn phận của mình một cách lâu dài đáng coi là việc anh hùng. Người có nhân đức anh hùng không hẳn lúc nào cũng xuất đầu lộ diện cho thiên hạ ngưỡng mộ và thán phục. Không đâu; một người có thể thực hành nhân đức cách anh hùng một cách kín đáo. Điều cần là họ đã thi hành các nhân đức đó với động lực siêu nhiên, do lòng mến Chúa. Cần phải tỏ ra nhân đức anh hùng trong vòng bao lâu? Có người đòi hỏi phải ít là 10 năm, để chứng tỏ một ý chí bền vững trong đàng nhân đức.
Nhưng mà có tác giả chủ trương không cần tới một thời gian lâu dài như vậy. Họ lý luận rằng đối với nhân đức thủ đắc thì mới cần có thời gian để mà luyện tập, chứ đối với nhân đức thiên phú thì không cần thời gian; bằng chứng là có những thánh tử đạo đã tỏ ra đặc tính anh hùng trong một thời gian ngắn sau khi trở lại với Chúa. Xem ra lập luận này càng ngày càng được chấp thuận; nhờ đó mà người ta có thể tiến hành các vụ phong thánh cho các thiếu nhi nữa, tuy chưa đủ 5 hay 10 năm thực hành nhân đức. Đôi khi các em chưa đến tuổi trưởng thành, nhưng các em đã quảng đại để cho ơn thánh Chúa tác động: nhân đức anh hùng của các em không biểu lộ qua những công tác rầm rộ, cho bằng qua những hoa trái nơi cuộc đời cá nhân và nơi khung cảnh sinh sống.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.