Chúa Nhật Lễ Chúa Ki-Tô Vua Vũ Trụ

Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo Hội mừng lễ Chúa Kitô là Vua. Ước gì mỗi người hãy để Đức Giêsu là vua nơi lòng mình.

1. Đức Giêsu là Vua

Vua là từ ngữ chỉ người đứng đầu một nước. Vua có quyền trên tất cả, lệnh của vua là luật cho thần dân. Vua là người có quyền sinh sát, có quyền để sống hay giết chết: “vua xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Dân Do Thái có Saul là vị vua đầu tiên, sau đó tới David rồi Salômôn. Việt Nam có Đinh Bộ Lĩnh làm vua đầu tiên lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng; vị vua cuối cùng của Việt Nam là Bảo Đại.

Đức Giêsu là vua. Dân Do Thái và những người lãnh đạo tôn giáo thời đó đã tố cáo Đức Giêsu như người muốn làm vua, nghĩa là, muốn nổi lên chống đối chế độ thống trị Roma lúc đó. Philatô đã hỏi Đức Giêsu: “nhà ngươi mà là vua dân Do Thái à?” Đức Giêsu chấp nhận Ngài là vua, nhưng không phải là vua ở trần thế này. Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy Đức Giêsu xuất hiện trên mây trời như vị vua ngồi trên ngai xét xử.

Đức Giêsu là Đấng rất đặc biệt, Ngài là người hoàn toàn như chúng ta, nhưng không chỉ là người. Ngài được Thiên Chúa ban cho toàn quyền trên trời dưới đất (Mt 28,18). Ngài là Đấng vượt trên tất cả. Hôm nay, Giáo Hội dùng từ ngữ Đức Giêsu Kitô là Vua để mừng Ngài, và còn dùng nhiều từ ngữ khác để diễn tả con người đặc biệt của Ngài, chẳng hạn như Đấng chăn chiên lành, Chiên Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa nhập thể. Tất cả những từ ngữ trên chỉ có thể diễn tả phần nào “bản chất” của Đức Giêsu.

2. Đức Giêsu còn hơn một vị vua

Đức Giêsu là một người như tất cả mọi người. Những người làng Nadaret nhận biết điều này hơn ai hết. Họ đã muốn xô Đức Giêsu xuống vực khi Ngài về Nadaret rao giảng trong tư thế của một tiên tri (Lc 4,28-30). Tuy nhiên, Đức Giêsu không chỉ là một người. Nơi Ngài còn có điều gì hơn nữa. Các tông đồ là những người được diễm phúc theo Ngài suốt ba năm trời đã nhận ra điều đó: Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, đi trên mặt hồ, truyền sóng biển hồ yên lặng, cho kẻ mù được sáng mắt, kẻ què đi được. Không chỉ thế, Ngài còn nói những lời “rất khó nghe” với cái nhìn của người Do Thái, đặc biệt là những người có học: Ngài nói như thể Ngài ngang hàng với Thiên Chúa.

Ngài nói như thể Ngài với Thiên Chúa là một (Ga 10,30); Ngài nói như thể Ngài có quyền tha tội mà theo quan điểm của người Do Thái: chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội (Mc 2,7); Ngài nói như thể Ngài có trước Abraham, ông tổ của người Do Thái (Ga 8,58). Cách hành xử của Đức Giêsu rất khác người, và như vậy chúng ta hiểu tại sao những người lãnh đạo và trí thức hồi đó không chỉ không ưa Đức Giêsu mà còn muốn giết Đức Giêsu nữa.

Sau khi Đức Giêsu sống lại, các tông đồ hiểu hơn người thầy mà họ yêu quý. Đức Giêsu luôn được hiểu là một Đấng “khác” với Thiên Chúa, nhưng Ngài liên kết với Thiên Chúa cách rất đặc biệt. Ngài nhận ý Thiên Chúa là ý và lương thực của Ngài (Mc 14,36; Ga 4,34). Ngài là một với Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao những nhà thần học sau đó đã dùng từ ngữ ngôi hai nhập thể để nói về bản thể của Đức Giêsu. Từ ngữ “ngôi hai nhập thể” cũng là từ ngữ để diễn tả thực tại khôn lường “Đức Giêsu”. Thiên Chúa là Đấng duy nhất; và Đức Giêsu là Đấng liên kết đặc biệt với Thiên Chúa đến độ có thể nói: Ngài là Thiên Chúa. Tuy vậy, Ngài “khác” với Thiên Chúa là Cha.

3. Hãy để Đức Giêsu là Vua

Đức Giêsu là Đấng diễn tả tuyệt vời về Thiên Chúa, đến độ các nhà thần học diễn tả Ngài là Lời của Thiên Chúa Tình Yêu. Đức Giêsu yêu thương và dạy dỗ con người. Con người, cuộc đời của Ngài là bài học, là lời dạy. Cách sống của Ngài là đường dẫn con người đến với Thiên Chúa. Ngài dạy con người sống yêu thương như Ngài: hiến mạng cho người mình yêu. Ngài chấp nhận chết trên thập giá vì yêu; bí tích Thánh Thể là biểu trưng trước đó.

Qua Đức Giêsu, đặc biệt qua cái chết thê thảm trên thập giá của Ngài, con người nhận biết Thiên Chúa yêu con người vô cùng, như thể còn hơn cả Đức Giêsu. Thiên Chúa yêu con người. Đức Giêsu yêu con người. Như vậy, những ai thuộc về Thiên Chúa cũng phải sống yêu thương. Tiêu chuẩn phán xét của vị vua vào ngày cánh chung, không phải là người đó có được rửa tội hay không, không phải người đó là linh mục hay giáo dân, không phải người đó có nói giỏi về Thiên Chúa không, mà là có yêu thương tha nhân hay không.

Chính khi con người yêu thương tha nhân, đặc biệt những người nghèo, là yêu thương Thiên Chúa, là biết Thiên Chúa. Cái biết được thể hiện bằng cuộc sống, chứ không bằng lời nói. “Ai yêu thương là biết Thiên Chúa, ai không yêu thương là không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,7-8). “Không phải những kẻ nói lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời, mà là những kẻ làm theo ý Thiên Chúa” (Mt 7,21-23). “Dù xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc giúp cho một người”. Ai sống yêu thương, là đang để Đức Giêsu làm vua nơi lòng mình, là chấp nhận luật yêu thương trong vương quốc của Ngài. Nếu mình cố gắng sống yêu thương, thì gia đình sẽ an vui hạnh phúc hơn, những người sống và làm việc bên mình sẽ bình an hơn, cuộc đời mình sẽ tươi đẹp hơn. Hãy để Đức Giêsu làm vua nơi lòng mình.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Đức Giêsu là ai đối với bạn?

2. Cuối năm người ta tính sổ đời. Bạn có định tính sổ với Chúa dịp cuối năm phụng vụ này không? Đâu là tiêu chuẩn để bạn tính sổ với Thiên Chúa?

3. Tha nhân, là ai đối với bạn? Bạn có cách nào để làm cuộc đời đẹp hơn không?

Nguồn: http://giaophanmytho.net/

Các bài viết gần đây

Chúa Nhật Thứ III Mùa Chay Năm B

Với bất kỳ tôn giáo nào, Đền Thờ chính là nơi trang trọng nhất để con người gặp gỡ vị thần linh của mình tin cậy. Và vì thế, Đền Thờ phải nói là nơi được xây cất không chỉ kỹ lưỡng mà còn phải trang trí, tô vẽ cho thật đẹp và dùng những […]

Xem Thêm
Chúa Nhật IV Phục Sinh B

Mục tử như Chúa Kết quả hình ảnh cho chúa chiên lành Tu viện nổi tiếng nhất nọ cứ một lần trong năm mở cửa thâu nhận duy nhất 1 thỉnh sinh. Viện Phụ đích thân phỏng vấn các ứng sinh chỉ hỏi một câu duy nhất. Nhưng trớ trêu thay, không ai biết được […]

Xem Thêm
Chúa Nhật III Phục Sinh

Anh em là chứng nhân. (Trích trong ‘Manna’) Suy Niệm Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con. Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma. Có lần Đức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ, nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma. Khi Đức Giêsu phục sinh […]

Xem Thêm
Thánh lễ trực tuyến
Quý cộng đoàn có thể theo dõi các Thánh Lễ trực tuyến của giáo xứ bằng cách nhấp chuột vào đường dẫn dưới đây.
Tham Dự Thánh Lễ
linkedin facebook pinterest youtube rss twitter instagram facebook-blank rss-blank linkedin-blank pinterest youtube twitter instagram