Hãy đến với tôi
Vào những lúc gặp khó khăn đau khổ, người ta thường đặt câu hỏi: Thiên Chúa ở đâu? Trong lúc đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) lan rộng toàn cầu, đã có người đặt vấn nạn: tại sao Thượng đế lại cho phép một dịch bệnh tàn khốc như vậy xảy ra? Đây cũng là câu hỏi đã được đặt ra trước sự kiện Tháp đôi bị đánh sập tại Hoa Kỳ năm 2001. Để trả lời cho vấn nạn này, một tác giả đã nói: Tại sao các bạn lại đổ lỗi cho Thiên Chúa, trong khi chính các bạn đã loại bỏ và xua đuổi Ngài ra khỏi bệnh viện, học đường, gia đình và nơi công cộng? Các bạn bênh vực và cổ võ phá thai, trong khi đó nhiều người có lương tâm trên thế giới phản đối và coi như một tội ác. Các bạn bênh vực hôn nhân đồng tính, trong khi nhiều người lên án như một việc trái tự nhiên. Các bạn ủng hộ ly dị trong khi nhiều người lên án là vô đạo đức. Và, bây giờ tội ác xảy ra thì các bạn lại đổ lỗi cho Thiên Chúa. Quả vậy, khi Thiên Chúa không diện diện trong cuộc đời, thì thay vào đó sẽ là bạo lực, sa đọa và giết chóc. Trong những ngày này, qua đài truyền hình, chúng ta nhận những thông tin thời sự về phong trào biểu tình ở Hoa Kỳ sau cái chết của một người da đen là anh George Floyd. Những người biểu tình cướp phá siêu thị, dỡ bỏ một số tượng đài của các nhân vật lịch sử và cựu tổng thống Hoa Kỳ. Trong cơn bạo loạn, họ đe dọa sẽ phá bỏ tượng Chúa Giêsu. Một đất nước ghi trên đồng tiền đô-la “Chúng tôi trông cậy nơi Chúa – In God we trust” mà lại ngông cuồng đến mức phá bỏ tượng của Chúa. Một nền văn hóa thường kết thúc những diễn văn quan trọng bằng câu” Chúa chúc lành cho nước Mỹ – God bless America!” mà lại phỉ báng chính Con Thiên Chúa. Một khi loại bỏ Thiên Chúa, cuộc đời sẽ chỉ còn là một bãi chiến trường, thảm khốc và đau thương. Cũng may, giữa cảnh náo loạn này, Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump đã cảnh báo: một khi ông còn tại vị tổng thống, không ai được phép phá hủy tượng Chúa Giêsu!
Giữa những xáo trộn của cuộc sống đầy bất an, Kitô hữu là người chọn Chúa Giêsu và tin tưởng phó thác nơi Người. Mặc dù có những nhân vật, những phong trào hùng hổ giơ tay loại trừ Thiên Chúa, vẫn có hàng hàng lớp lớp những người yêu mến, tôn thờ và cậy trông nơi Ngài. Quả vậy, Đức tin vào Chúa không chỉ thể hiện khi được an vui, mà còn cả trong khi bị thử thách. Đức tin cũng không phải là hành động ùa theo đám đông, nhưng là bản lĩnh và là niềm xác tín của con người. Tin Mừng hôm nay là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Không chỉ gồm những tâm tình thân thưa với Chúa Cha, lời cầu nguyện này còn nhằm mạc khải, soi sáng cho các môn đệ về sứ mạng thiên sai của Người. Người từ Chúa Cha mà đến, nên biết rõ Chúa Cha, cũng như biết rõ thánh ý của Ngài. Khi khẳng định những điều này, Chúa Giêsu cũng muốn giúp các môn đệ kiên vững lòng tin, để rồi, những lúc đối diện với khó khăn thử thách, các ông không ngã lòng.
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Giữa biển đời đầy sóng gió ba đào, lời mời gọi “Hãy đến với Tôi” của Chúa giúp chúng ta vững tin, nhờ đó ta có thêm can đảm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Bởi lẽ, có những lúc chúng ta cảm thấy đang đứng trước ngõ cụt của cuộc đời mà không tìm được lối thoát. Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng và yên ủi cho những ai đang đau khổ và bế tắc trên đường đời. Hãy đến với Người. Người đang chờ đợi chúng ta. Chúa Giêsu hiểu thấu những gian truân của thân phận con người. Người muốn đồng hành với họ để nâng đỡ họ trong hành trình trần gian. Người còn là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Đến với Chúa Cha để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu, đó cũng là đích điểm của cuộc sống chúng ta.
“Hãy đến với Tôi”, đó vừa là lời diễn tả sự gần gũi thân tình, vừa là lời khích lệ những ai còn sợ sệt vì thấy mình bất xứng. Lịch sử ghi nhận biết bao người đã đến với Chúa và gánh nặng cuộc đời của họ đã trở nên êm ái nhẹ nhàng hơn. Đến với Chúa, họ vừa được tha thứ tội lỗi, vừa có sức mạnh vươn lên làm lại cuộc đời.
Hãy đến với Chúa để học sự khiêm nhường. Chúa Giêsu là bậc thày. Người dạy chúng ta về sự khiêm nhường. Cuộc đời và giáo huấn của Chúa luôn thể hiện nhân đức khiêm nhường. Vì khiêm nhường mà Chúa đã hạ mình làm người. Vì khiêm nhường mà Chúa đến với mọi người đau khổ. Vì khiêm nhường mà Chúa đã chết trên thập giá. Chúa dạy chúng ta hãy học dưới mái trường của Người, để sống khiêm tốn, hy sinh, vì tha nhân và vì công ích. Sống khiêm nhường hạ mình sẽ giúp chúng ta thanh thản vui tươi hơn, nhờ đó cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn. Khi được thụ giáo tại ngôi trường của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nên giống như Người đến nỗi trở thành đồng hình đồng dạng với Người. Hãy đến với Chúa Giêsu để được Người giáo huấn và dẫn đưa về cùng Chúa Cha. Bởi lẽ Người từ Chúa Cha mà đến.
Đến với Chúa là một hành trình liên lỉ lâu dài. Trên hành trình này, có những cám dỗ cam go. Thánh Phaolô (trong Bài đọc II) đã gọi đó là sự giao tranh giữa Thần Khí và tính xác thịt. Ai thiện chí sống theo Thần Khí thì sẽ chiến thắng mọi cám dỗ, trở nên hoàn thiện, diệt trừ được con người ích kỷ, sống đời sống mới trong Chúa Giêsu Kitô. Lối sống theo xác thịt luôn mang nhiều màu sắc lấp lánh hấp dẫn. Nó dễ làm cho chúng ta ảo tưởng lầm lạc. Nhờ Thần Khí Chúa soi sáng và hướng dẫn, chúng ta biết khôn ngoan chọn lựa những gì đem lại ích lợi lâu bền, vĩnh cửu.
Hành trình đến với Chúa cũng là hành trình nên thánh. Muốn đến được với Chúa, phải học với Người để trở nên khiêm nhường như Người. Trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã thân thưa: “Con xin ngợi khen Cha vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”. Người “bé mọn” mà Chúa Giêsu nói tới ở đây, chính là những người khiêm tốn, luôn luôn tín thác và cậy trông vào Chúa và chuyên tâm thực thi thánh ý của Ngài. Trong truyền thống Thánh Kinh, những người bé mọn luôn được Chúa yêu thương và bênh vực. Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa đứng về phía người nghèo khó và bé mọn. Người nghèo trong Thánh Kinh không chỉ là người nghèo khó về vật chất, nhưng còn là người luôn cậy trông vào Chúa, dù phong ba bão táp của cuộc đời.
Nếu chúng ta được mời gọi đến với Chúa, là vì trước hết Người đã đích thân đến với chúng ta. Lịch sử Cứu độ đã chứng minh Thiên Chúa chủ động đến với con người để can thiệp và giải thoát họ. Cuộc gặp gỡ với ông Môisen trong sách Xuất Hành đã chứng minh điều đó. Chúa nói với ông: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của Dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than, vì bọn cai hành hạ. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật…” (Xh 3,7-8). Mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời là bằng chứng của tình thương Thiên Chúa và việc Ngài chủ động đến với con người. Đức Giêsu khiêm nhường hạ mình mang lấy thân phận con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Thiên Chúa không còn chỉ ở trên cao, mà “hạ giới” làm người để gặp gỡ những mảnh đời bất hạnh. Người là Emmanuel, tức là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Vì Thiên Chúa hiện diện với chúng ta, nên ngôn sứ Dacaria mời gọi chúng ta hãy vui lên. Ngôn sứ đã nhắc tới hình ảnh rất sinh động và bình dân, đó là các thiếu nữ Sion, trong trang phục truyền thống, múa nhảy reo hò chạy ra đón Đức Vua (Bài đọc I). Đây là ngày hội tưng bừng cho cả toàn dân. Đức tin Kitô giáo phải luôn diễn tả niềm vui và tinh thần của lễ hội, bởi lẽ Chúa hiện diện giữa chúng ta. Đó là niềm vui cao cả và tuyệt vời nhất. Tiếc thay, có nhiều người không cảm nghiệm được niềm vui này, nên cuộc đời của họ luôn âu sầu buồn bã.
Cuộc sống hôm nay còn bao gian nan vất vả. Tuy vậy, người tin vào Chúa vẫn khám phá những niềm vui. Quả thế, còn gì vui bằng có Chúa ở với chúng ta? Hãy cùng chung tay làm cho niềm vui Đức tin lan tỏa đến mọi nẻo đường của cuộc sống, vì “Cung nỏ chiến tranh sẽ bị bẻ gãy, và Người sẽ công bố hòa bình cho muôn dân, Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng trái đất”. Đó chính là xã hội tương lai mà chúng ta đang cố gắng để đạt tới. Như thế, thay vì bạo loạn đòi phá hủy tượng Chúa Giêsu và loại trừ Người khỏi cuộc sống, thế giới hãy yêu mến tôn thờ Người, vì Người chính là Vua hòa bình và là Đấng Cứu độ trần gian.
ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: http://giaophanmytho.net/suy-niem-giang-le/suy-niem-le-chua-nhat-xiv-tn--nhieu-tac-gia-38727.html