Kính Nhớ Tổ Tiên và Ông Bà
Bài đọc 1 trích sách Huấn Ca, mời gọi mỗi người: “Chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ.” Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta là các vị này được ca ngợi vì điều gì? Thưa nếu đọc tiếp đoạn trích sách Huấn ca chúng ta sẽ thấy sở dĩ các ngài được ca ngợi, được nhớ đến qua các đời con cháu, vì các đời con cháu của các ngài giữ các lời giao ước của Chúa, sống tốt lành thánh thiện đẹp lòng Chúa.
Nên chúng ta thấy, con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ không phải chỉ là lo cho ông bà cha mẹ về mặt thân xác, mà còn phải sống tốt lành, kế thừa và phát huy những gì mà ông bà cha mẹ của mình để lại, để qua đó người ta nhớ đến, biết đến ca tụng ông bà cha mẹ của mình. Nhưng để cho con cái có thể giữ gìn và phát huy những gì mà ông bà cha mẹ để lại thì cần phải làm gì?
Trong Sách Huấn ca nói là nhờ các ngài giáo huấn dạy dỗ, còn Thánh Phaolo trong bài đọc hai thì nhắc nhở: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.”
Đó là những điều mà mỗi người chúng ta là những bậc làm cha làm mẹ cần phải làm, và đó là lời thề hứa mà chúng ta đã hứa trước mặt Chúa và Hội thánh của Chúa: “Con có đồng ý đón nhận con cái mà Chúa sẽ ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội thánh không? Thưa có.” Nên chúng ta thấy không phải lời hứa, lời thề, mà còn là bổn phận mà chúng ta phải thực hiện.
Nếu đào sâu hơn thì chúng ta thấy, đó không phải là trách nhiệm, là gánh nặng cho chúng ta, nhưng nếu chúng ta biết hướng dẫn biết giáo dục con cái của mình, thì sẽ góp phần đem lại hạnh phúc cho chúng ta là được người đời nhớ đến, cũng như đem lại hạnh phúc cho chính con cái của mình.
Thánh Phaolo nói trong bài đọc 2 thì: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.”
Nên nếu chúng ta là cha mẹ, chúng ta biết giáo dục hướng dẫn con cái của mình, để con cái của mình sống theo giáo huấn của Chúa, thì đó là điều lợi cho chúng ta, chúng ta được nhiều người biết đến, rồi con cái của chúng ta khi sống tốt lành thánh thiện, hiếu thảo với chúng ta sẽ được phần thưởng là được hưởng hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này, nên chúng ta thấy có lợi trăm bề tại sao chúng ta lại bỏ qua.
Rồi bổn phận chúng ta là con cái, chúng ta phải nhìn thấy được cái lợi như thế này đó là khi chúng ta sống tốt lành thánh thiện, biết hiếu thảo với cha mẹ mình, cha mẹ chúng ta sẽ được nhiều người nhớ đến qua đời sống của chúng ta, rồi một mối lợi cho chúng ta đó là được hưởng hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này, hay nói cách khác là chúng ta sẽ được mọi người nhớ đến.
Để kết thúc xin kể hai câu chuyện như thế này như một minh họa cho chúng ta, khi biết sống lòng hiếu thảo:
Một người con trai ở bang Texas (Mỹ) đưa cha đi ăn tiệm. Cha anh là một ngưới lính già mắc bệnh tay chân run rẩy, trong lúc ăn làm rơi vãi thức ăn vào người, và rơi đầy xuống đất. Một vài người trong tiệm tỏ vẻ khó chịu.
Người con vẫn thản nhiên, ngồi ăn và trò chuyện với cha. Đợi ông ăn uống xong, anh đứng dậy đến bên cha và nhẹ nhàng nhặt các vụn thức ăn trên áo ông, cầm tay dẫn cha vào nhà vệ sinh rửa và lau sạch cho cha, chải tóc và đội mũ, sửa lại áo quần và đeo kính lại cho ông.
Trở lại bàn, anh cúi xuống đất lượm sạch những vụn thức ăn cha mình làm rơi vãi, không để lại một chút rác nào. Xong xuôi anh mới dìu cha ra quầy trả tiền.
Đột nhiên một cụ già thực khách ở bàn kế bên gọi anh và nói to “Anh bạn trẻ ơi, anh để rơi lại cái gì kìa”. Chàng thanh niên quay lại nhìn kỹ chỗ cha mình ngồi rồi nói “Đâu có, tôi đâu có để lại cái gì đâu?”
Cụ già đứng lên chậm rãi nói “Có, anh vừa để lại một bài học quý giá về lòng hiếu thảo cho con cái, và niềm hạnh phúc cho các bậc cha mẹ!”
Cả tiệm đang ồn ào bỗng im lặng, mọi người sững lại vài giây, rồi tất cả vỗ tay ào ào vì xúc động. Những người trước đó đã nhăn nhó và phàn nàn thì ngượng nghịu vì cảm thấy xấu hổ!
Chủ tiệm ăn cũng xúc động, nên tính giá thật đặc biệt cho hai cha con, và ghi thêm vào tờ biên lai dòng chữ “Xin cám ơn đóng góp của cụ!”
Còn bạn thì sao? Mỗi khi đi ra đường, bạn để lại điều gì?
Cũng một câu chuyện khác đó là:
Trên một chuyến xe lửa, cha Béc-Na Vô-gan gặp một hành khách ăn nói rất tự do và thô tục. Ông ta nói những chuyện đồi bại, lấy làm thích thú và cười khoái trá. Mọi thái độ khôn ngoan và lịch sự nhắc ông ta để ông ta im lặng, đều không hiệu quả.
Xe đến ga, người hành khách ấy xuống. Cha Vô-gan thò đầu ra cửa xe gọi theo: “Này ông, ông còn quên cái gì đây này”.
Người đó vội leo lên toa, nhìn quanh và hỏi: “Quên cái gì đâu?”.
Cha Vô-gan nói với giọng tử tế, nhưng cứng rắn: “Ông để lại một ấn tượng xấu cho hành khách trong toa”.
Người ấy xấu hổ, đi xuống ngay.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó để sống tốt lành thánh thiện, để lại một ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người, đừng để lại ấn tượng xấu, nhưng quan trọng là để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng của Chúa. Amen.
Tôma Lê Duy Khang
Nguồn: http://giaophanmytho.net/suy-niem-giang-le/bai-giang-le-mong-hai-tet---giao-phan-my-tho-40759.html